Cha mẹ chủ quan, nhiều bé trai bị xoắn tinh hoàn phải cắt bỏ

Bạch Dương Thứ tư, ngày 23/03/2022 18:00 PM (GMT+7)
Nghe con than đau ở vùng kín, mẹ của bé cứ nghĩ con bị sưng viêm hay va chạm mạnh. Không ngờ khi tổn thương ở con ngày càng nặng, đưa đến bệnh viện thì bác sĩ chẩn đoán bé bị xoắn tinh hoàn, đã hoại tử.
Bình luận 0
Cha mẹ chủ quan, nhiều bé trai bị xoắn tinh hoàn phải cắt bỏ - Ảnh 1.

Hình ảnh tinh hoàn bị xoắn. Ảnh: BVCC

Nghe bé T.H.H (6 tuổi, ở Tiền Giang) than đau ở vùng kín, chị Nguyễn Thị Lành (mẹ của bé) cứ nghĩ con trai hiếu động, bị va chạm trong lúc chơi đùa nên dỗ dành cho qua. Tuy nhiên, bé H. thường quấy khóc vì "cậu bé" ngày càng đau, có lúc đang ngồi, bé khóc thét.

Khi kiểm tra cho bé, chị Lành thấy ở bìu trái của bé hơi đỏ, sưng, chị định đưa bé đi khám bệnh nhưng lo ngại dịch Covid-19, chị ra nhà thuốc mua thuốc cho bé uống và tiếp tục theo dõi.

Đến ngày thứ 3, trong lúc tắm cho con, nhận thấy bé H rất đau đớn, mẹ của bé tiếp tục kiểm tra thì hoảng hốt phát hiện cả vùng bìu của bé sưng đỏ, bìu bên trái đỏ nhiều. Chị vội vãn đưa con đi bệnh viện. Nhận thấy vùng kín của bé H tổn thương quá nặng, bệnh viện địa phương chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM điều trị.

Qua thăm khám, làm chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ nhận định bé H bị xoắn tinh hoàn, tình trạng bệnh rất nặng. Mặc dù ê-kíp bác sĩ khẩn trương phẫu thuật xử lý cho bé nhưng đã quá trễ, bắt buộc phải cắt bỏ cả hai bên tinh hoàn.

Tương tự trường hợp bé H, bé P.V.K (5 tuổi, ở Bình Dương) được gia đình đưa đến bệnh viện sau 2 ngày quấy khóc vì đau, bầm vùng bìu. Nghe bác sĩ thông báo con trai phải làm phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, mẹ bé không nói nên lời. Theo mẹ bé, lúc con trai vừa than đau, chị kiểm tra và phát hiện ngay ở bìu trái của con có dấu hiệu sưng đỏ. Lo sợ đi bệnh viện sẽ dễ lây nhiễm Covid-19, chị đưa bé K đến khám tại cơ sở y tế địa phương.

Lúc này, bé K được bác sĩ chẩn đoán viêm tinh hoàn và cho thuốc về uống. Qua hôm sau, thấy con vẫn than đau, chị liền đưa bé đi TP.HCM thăm khám. Tuy nhiên, cả hai tinh hoàn của con trai chị vẫn không kịp cứu.

ThS.BS Nguyễn Bình An, khoa Thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, cả hai bé đều bị xoắn tinh hoàn nặng, dù ê-kíp bác sĩ đã mổ khẩn với hy vọng "còn nước còn tát" nhưng do các bé bị xoắn tinh hoàn đã nhiều ngày, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn gây hoại tử, buộc phải cắt bỏ để tránh các tình trạng bệnh xấu hơn.

Theo bác sĩ Bình An, hiện nay tình trạng hoại tử do xoắn tinh hoàn đang xảy ra nhiều, trung bình mỗi tuần bệnh viện buộc phải phẫu thuật xử lý cho một bé trai bị hoại tử tinh hoàn. Tuy ca phẫu thuật ít để lại biến chứng về sinh hoạt vệ sinh ở trẻ, nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của trẻ.

Xoắn tinh hoàn ở trẻ em là một trong những nguyên nhân gây ra hội chứng bìu cấp, biểu hiện thường dễ bị nhầm lẫn với các nguyên nhân gây đau bìu khác như viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, xoắn mấu phụ tinh hoàn… Xoắn thừng tinh và các cấu trúc bên trong thừng tinh, đưa đến tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn. Đây là một cấp cứu ngoại khoa, chậm trễ hay sai lầm trong chẩn đoán có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn.

Tùy thuộc vào mức độ xoắn, thời gian gây ra thương tổn thiếu máu… có thể gây hoại tử tinh hoàn. Từ lúc khởi phát xoắn tinh hoàn, trong vòng 6 tiếng đầu, nếu được phẫu thuật xử lý, người bệnh có thể hồi phục 90-100%, nhưng khi quá 12 đến 24 tiếng đồng hồ, cơ hội hồi phục gần như không còn.

Thậm chí, sau khi tháo xoắn, tinh hoàn cần được đắp ấm trong 15 – 20 phút, nếu tinh hoàn không được cải thiện tưới máu thì cũng phải cắt bỏ tinh hoàn. Chính vì vậy, phụ huynh không nên chủ quan khi trẻ than đau vùng kín, trường hợp nghi ngờ cần đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa để kiểm tra và xử lý ngay.

Bác sĩ Bình An chia sẻ: "Nếu không được xử trí kịp thời, trẻ có thể không giữ được tinh hoàn mà còn ảnh hưởng tới chức năng sinh sản sau này của trẻ. Đặc biệt khi trưởng thành, trẻ mất đi tinh hoàn hay chỉ còn một tinh hoàn cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm sinh lý trẻ".

Cha mẹ chủ quan, nhiều bé trai bị xoắn tinh hoàn phải cắt bỏ - Ảnh 3.

Các bác sĩ đang thực hiện phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Ngoài ra, xoắn tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng có hai thời điểm thường gặp nhất là trong giai đoạn sơ sinh và quanh tuổi dậy thì. Đối với xoắn tinh hoàn trong thời kỳ sơ sinh, tiền sử sản khoa rất quan trọng, bao gồm tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, song thai, kích thước thai nhi lớn so với tuổi thai.

Đối với xoắn ở tuổi dậy thì, bệnh cảnh điển hình là người bệnh bỗng nhiên ở đau nhức nhói một bên bìu, phần thấp của đùi hoặc vùng bụng thấp, có thể kèm theo buồn nôn và nôn ói. Cơn đau thường dữ dội, xảy ra đột ngột và tăng dần. Đặc biệt cơn đau khởi phát từ ban đêm đến sáng sớm thì có thể đã bị xoắn tinh hoàn, lúc này nam giới nên đi khám càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, không ít trường hợp đau khởi phát mơ hồ và thậm chí không đau. Khi thăm khám, bác sĩ ghi nhận da bìu bên xoắn sưng to, cứng hơn, đỏ và ấm. Mức độ sưng đỏ da bìu tùy thuộc vào thời gian xoắn cũng như mức độ viêm nhiễm. Tinh hoàn bị xoắn có mật độ chắc hơn bên đối diện, kích thước lớn, chênh lệch rõ rệt, phần bìu nằm cao hơn và lệch trục so với tinh hoàn bên cạnh, khi chạm vào ở mọi vị trí đều gây đau,...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem