Tối 26/9, trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Anh Tuấn -HLV trưởng, phụ trách bộ môn đấu kiếm thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội cho biết đang đi công tác nhưng đã nắm bắt sự việc VĐV đấu kiếm Vũ Thành An và Nguyễn Văn Quyết có va chạm với nhau.
"Ban huấn luyện đã yêu cầu 2 VĐV làm báo cáo giải trình và trên cơ sở đó sẽ báo cáo lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội có hướng xử lý. Quan điểm của chúng tôi là luôn yêu cầu, đặt tính đoàn kết của mọi thành viên trong đội lên trên hết".
Trở lại với sự việc, tối 26/9, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin về vụ việc 2 kiếm thủ Vũ Thành An và Nguyễn Văn Quyết xô xát trong buổi tập ngày 23/9. Văn Quyết bị chảy máu ở đầu và gáy, bị mờ mắt và phải nhập viện điều trị.
Sau đó, Nguyễn Văn Quyết đã gửi đơn tố cáo kiếm thủ Vũ Thành An có "hành vi cố ý gây thương tích và gây tổn hại sức khỏe" gửi Sở VHTT Hà Nội, Cơ quan cảnh sát điều tra quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), Giám đốc Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội.
Trong đơn, Quyết trình bày sau khi tập luyện cùng nhau, khi Quyết đang ngồi nghỉ ngơi thì Thành An bất ngờ tiến đến và đấm mạnh vào phần đầu của Quyết...
Về phần mình, Vũ Thành An chia sẻ với Dân Việt anh không muốn viết hay chia sẻ điều gì lên mạng xã hội lúc này (như cách gia đình Văn Quyết đã làm - PV) để tránh những rắc rối, hiểu lầm. "Còn Văn Quyết lại đổ hết lỗi cho tôi".
"Không có chuyện Văn Quyết đang ngồi nghỉ thì tôi nhảy vào đánh. Hôm đó chúng tôi đấu tập, khi để thua đậm, Quyết có thái độ giống như thủ môn bóng đá quay mặt lại khi bắt quả phạt đền 11m. Tôi bực nên có dùng kiếm đánh mạnh vào Quyết để cảnh cáo cậu ấy. Quyết sau đó bỏ mũ ra và chửi tôi rất hỗn xược. Tôi đang đi găng tay và có xông lên đấm Quyết, Quyết đấm lại khiến tôi choáng. Hai bên sau đó cầm kiếm vụt nhau. Tôi không rõ Quyết thương tích thế nào, tôi thì tím hết mắt, trán", Vũ Thành An nói lại.
Vũ Thành An cho biết vì hơn Văn Quyết 5 tuổi và từng hướng dẫn "đàn em" nên anh cũng chỉ có ý định "dạy bảo" Quyết rút kinh nghiệm về thái độ thi đấu và sự tôn trọng với "đàn anh".
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 26/9, Công an tỉnh Đắk Lắk đang tạm giữ hình sự Y Ya Cốp Hlong (33 tuổi, trú xã Đắk Liêng, huyện Lắk) để điều tra về hành vi giết người.
Theo cảnh sát, Y Ya Cốp Hlong là nghi phạm đánh chết ông Y Drên Jiê (41 tuổi, anh vợ Hlong).
Hlong khai tối 23/9, vợ chồng nghi phạm cùng 2 người anh vợ tổ chức ăn nhậu tại nhà. Sau đó, Hlong xảy ra mâu thuẫn, cãi vã với vợ vì nghi người này ngoại tình.
Thấy vợ bỏ sang nhà bà con ngủ, Hlong đi theo ra sân tiếp tục chửi. Lúc này, ông Jiê cầm khúc gỗ đánh một cái vào phía sau đầu Hlong.
Nghi phạm giật được cây gỗ đánh nhiều phát vào đầu anh vợ. Hlong sau đó bế nạn nhân vào nhà rồi đi ngủ.
Rạng sáng 24/9, vợ Hlong về đến nhà, phát hiện anh trai đã tử vong, nên trình báo công an. Công an địa phương khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai nghi phạm để làm rõ động cơ gây án.
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 26/9, Cơ quan CSĐT Công an Q.Long Biên, Hà Nội cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can đối với Phan Thị Hằng Oanh (SN 1987, trú tổ 22, P.Đức Giang, Q.Long Biên, Hà Nội) về hành vi "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại" và Trần Thanh Sơn (SN 1985, HKTT tại thị trấn Đại Nghĩa, H.Mỹ Đức, Hà Nội) bị khởi tố về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Những năm gần đây, nắm bắt được nhu cầu có con của các gia đình hiếm muộn, người có vấn đề về sinh lý và xu hướng muốn làm bố đơn thân của giới trẻ, Phan Thị Hằng Oanh đã lập "Hội nhóm mang thai hộ - hiến trứng - hiến tặng tinh trùng" trên mạng xã hội Facebook để tìm người mang thai hộ, người bán trứng và người có nhu cầu mang thai hộ để tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Để che đậy hành vi phạm tội, Oanh câu kết sử dụng giấy tờ giả nhằm hợp thức hóa giấy tờ tại các bệnh viện... nhưng hành vi của Oanh và đồng bọn đã bị phát hiện.
Theo Đội điều tra tổng hợp Công an Q.Long Biên, qua công tác quản lý địa bàn, tổ công tác có thông tin về đường dây nghi vấn mang thai hộ với thủ đoạn rất tinh vi. Quá trình theo dõi, khoảng đầu năm 2021, tổ công tác đã dựng được chân dung đối tượng nghi vấn là Oanh; đồng thời phát hiện những dấu hiệu bất thường trong hoạt động của đối tượng.
Mở rộng điều tra vụ án, tổ công tác xác định Oanh đồng thời là người lập "Hội nhóm mang thai hộ - hiến trứng - hiến tặng tinh trùng" trên mạng xã hội Facebook để tìm người mang thai hộ, người bán trứng và người có nhu cầu mang thai hộ... Ngoài ra, Oanh thường xuất hiện tại khu vực Tư Đình, Q.Long Biên, đặc biệt có quan hệ với một số người phụ nữ lạ mặt thường sinh sống ở đó, nghi vấn có liên quan đến đường dây mang thai hộ vì mục đích thương mại...
Sau khi thu thập đầy đủ các thông tin, tháng 2/2021, tổ công tác tiến hành kiểm tra phòng trọ tại khu vực Tư Đình. Quá trình kiểm tra thu được nhiều tài liệu và vật chứng liên quan đến đường dây mang thai hộ. Từ đây, với sự vào cuộc của các trinh sát và điều tra viên dày dạn kinh nghiệm, hành vi phạm tội của Oanh đã được điều tra, làm rõ.
Tại cơ quan công an, bước đầu Oanh khai nhận: Nắm bắt được nhu cầu có con của các gia đình hiếm muộn, người có vấn đề về sinh lý và xu hướng muốn làm bố đơn thân của giới trẻ, Oanh nảy sinh ý định kiếm lời từ dịch vụ mang thai hộ. Để thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng lập "Hội nhóm mang thai hộ - hiến trứng - hiến tặng tinh trùng" với mục đích tìm người mang thai hộ, người bán trứng và người có nhu cầu mang thai hộ để tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Qua mạng xã hội, khoảng tháng 3/2020, một người đàn ông tên H.Đ.M (SN 1987, ở Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), liên hệ với Oanh và đặt vấn đề tìm người mang thai hộ. Hai bên thỏa thuận, Oanh sẽ tìm người bán trứng để kết hợp với tinh trùng của M. tạo phôi, sau đó sẽ tìm người mang thai hộ (người này sẽ được cấy phôi) và mang thai sinh con với giá 700 triệu đồng.
Sau đó, Oanh gấp rút tìm người có nhu cầu mang thai hộ. Oanh liên hệ được với Lê Thị L. (SN 1991, ở tỉnh Hòa Bình) đặt vấn đề mua trứng với giá tiền từ 30 đến 50 triệu đồng; còn giá tiền mang thai hộ từ 270 đến 340 triệu đồng. Oanh là người trực tiếp làm hồ sơ để L. bán trứng và kết hợp với tinh trùng của H.Đ.M để tạo phôi tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Sau đó, các phôi này được Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cấy vào người của L. nhưng không thành công. Vì thế, Oanh chỉ trả cho L. số tiền hiến trứng là 50 triệu đồng. Để tránh sự phát hiện, khi làm thủ tục tại bệnh viện, H.Đ.M được sử dụng chứng minh nhân dân số: 111971758 mang tên Vũ Văn Duy.
Sau khi chuyển phôi lần 1 không thành công, Oanh liên hệ và thỏa thuận với N.T.Q.T (SN 1996, ở tỉnh Gia Lai) việc mang thai hộ cho anh H.Đ.M với giá 320 triệu đồng. Oanh lại thuê người làm giả chứng minh nhân dân số: 113493753 mang tên Lê Thị L. nhưng ảnh trong chứng nhân dân là của N.T.Q.T để nộp vào Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc khi làm thủ tục chuyển phôi. Ngày 14/10/2020, N.T.Q.T được chuyển phôi tại Bệnh viện Hồng Ngọc.
Khi chuyển thai thành công, Oanh đưa T. về dưỡng thai tại địa chỉ 11 Tư Đình, Q.Long Biên. Vào thời điểm các trinh sát Đội điều tra tổng hợp Công an Q.Long Biên phát hiện, H.Đ.M đã chuyển 420 triệu đồng cho Oanh; Oanh thanh toán 41 triệu đồng cho N.T.Q.T.
Về nguồn gốc của các giấy tờ giả, Oanh khai đã liên hệ với Trần Thanh Sơn (SN 1985, HKTT huyện Mỹ Đức, Hà Nội) để đặt mua sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân để hợp thức hóa giấy tờ pháp lý khi làm thủ tục tại các bệnh viện. Sau khi Sơn làm xong các giấy tờ giả, sẽ gửi các giấy tờ trên qua xe bus đến bến xe Mỹ Đình cho Oanh. Sau khi nhận được giấy tờ giả, Oanh chuyển tiền qua tài khoản cho Sơn...
Căn cứ lời khai của Oanh và tài liệu điều tra thu thập được, Đội điều tra tổng hợp Công an Q.Long Biên phối hợp với Công an thị trấn Đại Nghĩa, triệu tập Sơn để làm rõ hành vi của đối tượng. Trước những thông tin mà cơ quan điều tra đưa ra, Sơn đã khai nhận toàn bộ hành vi làm giả tài liệu để bán cho Oanh thu lời bất chính với giá: 1 sổ hộ khẩu giá 3 triệu đồng, 1 chứng minh nhân dân giá 1,5 triệu đồng; 1 giấy chứng nhận đăng kí kết hôn 1,5 triệu đồng). Để có được những giấy tờ giả trên, Sơn đã "scan" các giấy tờ thật, rồi sửa theo thông tin mà Oanh cung cấp. Sau đó, đối tượng in màu, ép plastic để tạo các giấy tờ giả.
Sau khi khai nhận rõ hành vi phạm tội, Trần Thanh Sơn đã tự nguyện giao nộp các công cụ để làm giả tài liệu. Tại Bản kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.Hà Nội kết luận, các giấy chứng minh nhân dân là giả.
Cơ quan CSĐT Công an Q.Long Biên đã ra quyết định trưng cầu giám định AND để xác định quan hệ huyết thống giữa H.Đ.M và N.T.Q.T. Tại Bản kết luận giám định pháp y về AND của Trung tâm Pháp y Hà Nội kết luận: H.Đ.M có quan hệ huyết thống bố - con với H.Đ.M.N và N.T.Q.T không có quan hệ huyết thống mẹ - con với H.Đ.M.N".
Hiện Cơ quan CSĐT Công an Q.Long Biên đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 27/9, thông tin từ Công an TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), sau nhiều ngày điều tra, lực lượng công an đã bắt giữ được đối tượng đột nhập vào cửa hàng vàng bạc Thanh Thúy (TX Đông Triều) lấy đi tài sản trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Trước đó, rạng sáng 19/9, tại cơ sở kinh doanh vàng bạc Thanh Thúy (khu Hoàng Hoa Thám, phường Mạo Khê, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) xảy ra vụ đột nhập và trộm cắp nhiều tài sản có giá trị.
Theo đó, số tài sản bị lấy trộm gồm khoảng 24 cây vàng gồm nhẫn, kiềng, vòng, dây chuyền bằng vàng 18k, vàng Ý… Ước tài sản bị mất khoảng 1,2 tỷ đồng.
Đây là vụ trộm cắp tài sản có tính chất rất nghiêm trọng, tài sản mất có giá trị lớn, lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn TX Đông Triều đã gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường và tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra, cũng như phân tích, nhận định từ hình ảnh trích xuất camera, Công an TX Đông Triều đã xác định được đặc điểm của đối tượng gây án.
Sau nhiều ngày điều tra, theo dõi, đến 10 giờ ngày 24/9, lực lượng công an đã bắt giữ được đối tượng đột nhập tiệm vàng Thanh Thúy, khi kẻ này đang lẩn trốn tại khu vực thuộc phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Đối tượng là Đỗ Văn Hùng, sinh năm 1986, trú tại xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Quá trình bắt giữ, khám xét khẩn cấp đối tượng, lực lượng công an đã thu giữ nhiều vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội của đối tượng.
Qua đấu tranh nhanh, đối tượng Đỗ Văn Hùng đã khai nhận hành vi của mình. Số vàng trộm cắp được, đối tượng đem bán cho một số cơ sở kinh doanh vàng bạc tại Hải Phòng và trên dọc tuyến đường Quốc lộ 1A về huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, với tổng số tiền khoảng 700 triệu đồng để tiêu xài cá nhân.
Ngoài ra, trước đó, vào khoảng rạng sáng ngày 25/8, với phương thức, thủ đoạn tương tự, Đỗ Văn Hùng đã đột nhập vào cửa hàng bách hóa Tiến Phương (thôn Tân Yên, xã Hồng Thái Đông, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) lấy một số tài sản có giá trị.
Qua kết quả điều tra, tài liệu thu thập được, cơ quan công an xác định Đỗ Văn Hùng gây án một mình, có thủ đoạn hết sức tinh vi và chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi gây án. Sau khi gây án xong, đối tượng đã nhanh chóng rời khỏi địa bàn Đông Triều.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an TX Đông Triều đang phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh tập trung điều tra mở rộng vụ án.
Như Dân Việt đã thông tin: "Nổ" có mối quan hệ xã hội rộng, có thể chạy án, Lê Hoàng Linh (SN 1977, nơi cư trú thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) và Phạm Văn Kiên (SN 1988, nơi cư trú khu Lưu Hạ, phường An Lưu, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã nhận 3 tỷ đồng của người bị hại.
Ngày 26/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã thông tin chi tiết về vụ án. Theo đó, căn cứ vào các tài liệu thu thập được, tháng 7/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố hình sự; khởi tố bị can đối với hai đối tượng Linh và Kiên cùng về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Vụ án bắt nguồn từ đơn trình báo của anh Bùi Xuân Thuấn (SN 1984, trú tại phường Phú Thứ, thị xã Kinh Môn) gửi đến Công an thị xã Kinh Môn, tố cáo hành vi lừa đảo của hai đối tượng Linh và Kiên. Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an thị xã Kinh Môn phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương đã vào cuộc điều tra. Quá trình thu thập tài liệu, kết hợp với lời khai của đối tượng, vụ án đã được điều tra, làm rõ.
Trước đó (vào ngày 11/1), vợ Thuấn là Nguyễn Thị Tú (SN 1986) bị Công an huyện An Dương, TP.Hải Phòng bắt giữ về hành vi "mua bán trái phép hóa đơn". Thấy vợ bị bắt, Thuấn vô cùng lo lắng, đôn đáo tìm các mối quan hệ, mong rằng vợ sớm được tại ngoại. Khi đó, Thuấn cũng chia sẻ câu chuyện trên với người bạn là Hoàng Bảo Lộc (SN 1984, trú tại khu Lưu Thượng, phường Hiệp An, thị xã Kinh Môn). Vào thời điểm đó, vợ Lộc là chị Đậu Thị Thùy Dương cũng đang bị Công an huyện An Dương triệu tập do có liên quan đến vụ án trên nên Lộc cũng biết việc vợ của Thuấn đang bị bắt giữ.
Qua câu chuyện chia sẻ, Thuấn muốn vợ chồng Lộc trả lại khoản tiền trước đó đã vay để anh ta có kinh phí "lo" cho vợ được tại ngoại. Về phần Lộc, sau khi vay được tiền của vợ chồng Thuấn, Lộc tiếp tục cho Phạm Văn Kiên vay lại. Vì thế, khi Thuấn đòi tiền, Lộc cũng nói lại cho Kiên biết sự việc trên để lấy lại khoản tiền đã cho vay. Khi nghe Lộc kể chuyện, Kiên "nổ" rằng anh ta quen một người bên Hải Phòng; đồng thời nói rằng sẽ tìm mối quan hệ để giúp đỡ vợ Thuấn được tại ngoại…
Sau khi được Lộc thông tin lại, Thuấn khi đó như người "chết đuối vớ được cọc" đã chủ động liên lạc với Kiên; đặt vấn đề tìm người chạy án, chạy tại ngoại cho vợ mình. Kiên sau đó đã kể lại sự việc cho bố đẻ là ông Phạm Văn Sử; rồi nhờ ông Sử hỏi Lê Hoàng Linh việc chạy án và chạy tại ngoại cho chị Tú. Tiếp đó, sau khi có được số điện thoại của Linh, Kiên đã đặt vấn đề nhờ Linh chạy tại ngoại, chạy án cho chị Tú.
Theo đúng hẹn, sáng 19/1, Linh, Kiên, Lộc và Thuấn gặp nhau tại một quán cafe cạnh UBND quận Kiến An. Trong quá trình trao đổi, Linh khẳng định đây là việc dễ dàng, có thể lo được; sau đó Linh yêu cầu Thuấn cung cấp tên, tuổi địa chỉ của vợ chồng họ. Đến tối cùng ngày, Kiên nhận được điện thoại của Linh nói rằng Tú đã thành án, có giấy tạm giam rồi nên việc "chạy án" rất tốn kém. Sau khi biết được nội dung trên, Kiên đã thông báo lại với Thuấn. Sáng 20/1, Thuấn và Kiên đến Công an huyện An Dương gửi đồ cho chị Tú thì nhận được thông báo (bằng văn bản) về việc Tú đã bị tạm giam.
Cùng thời điểm này, Linh thông báo cho Kiên về các mức giá, theo đó chi phí 300.000 USD thì chị Tú được "trắng án", còn tại ngoại là 200.000 USD. Dù số tiền trên là một khoản không nhỏ nhưng Thuấn vẫn quyết định sẽ chạy tại ngoại cho vợ mình. Sau khi thông qua Kiên nhờ Linh giảm một phần chi phí, Thuấn đôn đáo xoay xở tiền để lo cho vợ.
Chiều 20/1, Thuấn đã đi vay mượn một số người thân trong gia đình với tổng số tiền là hơn 1,8 tỷ đồng. Kể lại sự việc xảy ra, Thuấn cho biết: Để có số tiền trên, anh đã phải vay của người anh rể 450 triệu đồng; của một người quen ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh là 400 triệu đồng; của người dì ruột là 120 triệu đồng… Số tiền còn lại là đòi nợ của Lộc được 500 triệu đồng. Khi vay, mượn tiền của những người trên, Thuấn đều yêu cầu mọi người chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Kiên. Sau khi nhận số tiền của Thuấn, Kiên chuyển 1 tỷ đồng vào tài khoản của Lê Hoàng Linh; số tiền còn lại là 870 triệu đồng, đối tượng giữ lại.
Sáng 21/1, đối tượng Kiên tiếp tục gọi điện thoại cho Thuấn giục "xoay" thêm tiền. Để Thuấn tin tưởng, Kiên nói với Thuấn rằng Linh khẳng định nếu có đủ 3 tỷ thì vợ của Thuấn sẽ được về nhà luôn trong ngày. Vào thời điểm đó, Thuấn rất khó khăn về kinh tế. Vậy nhưng, khi nghe Kiên nói chắc như đinh đóng cột, Thuấn lại một lần nữa đôn đáo xoay tiền. Sau đó, Thuấn đã vay được của một người bạn là chị Trương Thị H (ở thị xã Kinh Môn) số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
Sau khi chị H đồng ý, Thuấn đã nhờ người bạn này chuyển số tiền trên vào tài khoản ngân hàng của Kiên. Ngay sau khi nhận được số tiền trên, Kiên đã chuyển 1 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng số của Linh. Sau đó, Kiên gọi điện cho Linh nói cần số tiền 1 tỷ đồng để sử dụng cá nhân thì Linh nói khi nào Tú được tại ngoại phải hoàn trả cho Linh. Thế nhưng, với Thuấn, Kiên vẫn nói đã chuyển đủ số tiền 3 tỷ đồng cho Linh.
Thời gian sau đó, do không thấy vợ được về nên Thuấn liên tục hỏi Kiên. Sau đó, cùng Kiên đến nhà gặp Linh để đòi lại số tiền 3 tỷ đồng thì Linh nói Tú sẽ được về trước Tết Nguyên đán. Vậy nhưng đến ngày 15/2 (tức 15/1 âm lịch) chị Tú vẫn không được về nên Thuấn đã làm đơn tố cáo gửi Công an thị xã Kinh Môn. Đến chiều 21/2, tại nhà một người hàng xóm của Linh tại xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, Linh đã đưa cho mẹ đẻ của Kiên là bà Nguyễn Thị Ngát (SN 1962) 2 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, bà Ngát đã trả 3 tỷ đồng cho Thuấn.
Hiện vụ án đang được Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương thụ lý, điều tra theo thẩm quyền. Trong vụ án này, sở dĩ đối tượng có thể dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội là do đã đánh vào tâm lý của gia đình có người vi phạm pháp luật. Thay vì việc phải khắc phục hậu quả, gia đình nạn nhân có tâm lý dùng tiền nhằm thực hiện ý đồ cá nhân của mình… Từ đó, dẫn đến việc bị các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.