Đây là đánh giá chung của các diễn giả tham dự Diễn đàn Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến do Bộ NNPTNT chỉ đạo, giao Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 28/9.
Ông Bùi Hồng Quân - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit cho biết, ngoài một số ít doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ thì phần lớn nông dân thiếu thông tin về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ của Nhà nước.
Quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ lại khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí khi sản xuất nhỏ lẻ rất cao.
Theo ông Quân, có một nghịch lý trong sản xuất, tiêu dùng sản phẩm nông nghiêp hữu cơ tại Việt Nam là: Người tiêu dùng rất muốn mua sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn cho sức khỏe nhưng không biết mua ở đâu.
"Ngược lại, sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay quy mô còn rất nhỏ nhưng vẫn khó tìm thị trường đầu ra", ông Quân nói.
Bằng kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ, công ty vẫn đang nỗ lực xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.
Niềm tin này được vun đắp bằng các sản phẩm đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn; các hoạt động kết nối giữa người tiêu dùng và người sản xuất để chứng minh chất lượng sản phẩm nông sản hữu cơ.
Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam ngày càng phát triển.
Điều này là dễ hiểu vì tầng lớp trung lưu ở Việt Nam ngày càng tăng; và tình trạng đủ ăn, nay đã chuyển thành ăn uống sao cho tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, bà Hạnh cho rằng, phải nhìn nhận vào thực tế là vẫn đang tồn tại rất nhiều cách hiểu về mô hình canh tác hữu cơ.
Bà Hạnh dẫn chứng bằng những dòng quảng cáo gần đây, kiểu như: Thực phẩm hữu cơ đang ngày càng rất phổ biến, thị phần "áp đảo" thị trường; với nhu cầu bùng nổ như hiện nay, tại TP.HCM, các cửa hàng thực phẩm hữu cơ mọc lên như nấm...
Bà Hạnh biết, đọc những lời quảng cáo này trên mạng về sản phẩm hữu cơ ở TP.HCM mà hãi, vì thực tế không hề như vậy.
Qua khảo sát sơ bộ, bà Hạnh cho biết, giá sản phẩm nông nghiêp hữu cơ cao hơn thực phẩm thường là 6 lần.
"Việc cung ứng sản phẩm nông nghiêp hữu cơ đang găp trở ngại lớn nhất là về giá", bà Hạnh nhấn mạnh.
Theo Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, xã hội luôn cần loại thực phẩm tốt nhất. Và vì thế, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cần được đứng ở vị trí dẫn dắt, như tiêu chuẩn mà nền nông nghiệp nên hướng tới.
Tuy nhiên, phải cần xem xét thực trạng kinh tế, khả năng tiêu dùng nói chung của người dân.
Vì vậy, vẫn cần khuyến khích các loại sản phẩm nông nghiệp an toàn và sạch, đáp ứng nghiêm túc các tiêu chuẩn cần thiết.
Năm 2020, Quyết định số 885 của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, với mục tiêu đến năm 2030 diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5-3% tổng diện tích đất nông nghiệp. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất hữu cơ cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.
Theo Bộ NNPTNT, sau 3 năm thực hiện đề án, cả nước hiện có 57/63 tỉnh thành triển khai nông nghiệp hữu cơ.
Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đạt hơn 174.000ha, tăng 47% so với năm 2016. Việt Nam đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á.
Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63.000ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000ha.
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, chặng đường phía trước của nông nghiệp hữu cơ vẫn còn vô vàn những khó khăn, thách thức, đặc biệt là vấn đề thương mại.
Theo Bộ NNPTNT, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước chưa thực sự phát triển, chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.