Đồng Nai: Nhiều nông dân lựa chọn sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Mai Ánh Thứ bảy, ngày 13/08/2022 15:34 PM (GMT+7)
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn dù giá cao hơn những nông sản khác cùng loại. Xuất phát từ nhu cầu đó, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang lựa chọn hướng đi này.
Bình luận 0

Thành công nhờ áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Cách đây hơn 10 năm, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Lâm San (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) bắt đầu sản xuất hồ tiêu theo chuẩn hữu cơ, an toàn và đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (bộ tiêu chuẩn tập hợp các biện pháp kỹ thuật về thực hành nông nghiệp tốt).

Năm 2014, HTX Nông nghiệp Lâm San bắt đầu xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường châu Âu với số lượng khoảng 200 tấn. 

Đến nay, đây là HTX liên kết với các hộ nông dân lớn nhất tỉnh Đồng Nai với diện tích trên 1.000ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế khoảng 1.000 tấn hồ tiêu.

Để đạt được thành quả đó, HTX Nông nghiệp Lâm San đã xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn sinh thái (giảm thiểu tái sử dụng và tái chế theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải). 

Mô hình nông nghiệp hữu cơ: Nâng tầm giá trị nông sản  - Ảnh 2.

Năm 2018, Tổ chức Chứng nhận quốc tế CERES-Cert (Đức) đã cấp chứng nhận 3,5ha hồ tiêu của HTX nông nghiệp Lâm San đạt chuẩn hữu cơ. Ảnh: Mai Ánh

Tương tự, ông Nguyễn Văn Khôn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Dược liệu ETZ (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) đã mạnh dạn mở rộng diện tích và đầu tư cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm cây dược liệu xáo tam phân. Hiện tại, trên diện tích hơn 4,6ha đất của gia đình, ông Khôn phát triển được hơn 130.000 cây xáo tam phân. 

Theo ông Khôn, hiện nay có nhiều người trồng cây xáo tam phân nhưng làm theo quy trình khép kín từ nhân giống, trồng, chế biến thì rất ít. Ông Khôn chia sẻ: “Nhiều đơn vị đặt vấn đề mua giống để trồng nhưng ông không bán mà ưu tiên giống cây cho nông dân hợp tác trồng, tiêu thụ sản phẩm với công ty. Mỗi năm tôi phát triển khoảng 50.000 cây giống.” 

Theo ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón thuốc hóa học là xu hướng tất yếu. 

Hiện, trên địa bàn tỉnh có hơn 600 nông dân ứng dụng IMO VÀ MEVI vào trồng trọt (ủ phân hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật) và 100 hộ chăn nuôi ứng dụng phương thức này để giảm mùi hôi do chất thải chăn nuôi gây ra.

Khó khăn trong việc nhận diện sản phẩm hữu cơ trên thị trường

Chuẩn hữu cơ theo cách nhìn nhận của các nước châu Âu là sản phẩm nông nghiệp không sử dụng hóa chất độc hại, cho phép sử dụng phân, thuốc hóa học với liều lượng thích hợp. Ngoài ra, sản phẩm phải được canh tác trong điều kiện phù hợp với môi trường sinh thái, không tác động xấu đến môi trường. 

Trên thị trường đa dạng các loại sản phẩm gắn mác hữu cơ, tuy nhiên lại “loạn” về tiêu chí đánh giá và chứng nhận.

Theo đại diện của Công ty CP Đầu tư phát triển Dược liệu ETZ, một trong những thách thức trong việc đưa nông nghiệp hữu cơ trở nên phổ biến là tạo niềm tin với người tiêu dùng. “Phần lớn khách hàng đang thiếu thông tin nhưng thừa nghi ngờ. Việc chưa đồng nhất trong các tiêu chí đánh giá khiến khách hàng nghi ngờ thì việc mở rộng thị trường là rất khó”, vị này khẳng định.

Mô hình nông nghiệp hữu cơ: Nâng tầm giá trị nông sản  - Ảnh 3.

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ vì còn nhiều thách thức về thị trường và thu nhập. Ảnh: Mai Ánh

Trong buổi Tọa đàm "Giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ" năm 2022 tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức hôm qua (12/8), TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - Thành viên Hội đồng Khoa học Công ty CP phân bón Bình Điền cũng nêu ra nghịch lý trong sản xuất, tiêu dùng sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam. 

Hiện nay quy mô sản xuất sản phẩm hữu cơ rất nhỏ nhưng vẫn khó tìm kiếm thị trường, trong khi người dân lại muốn tìm mua các sản phẩm này thì lại không có.

Giải thích nguyên nhân, ông Nghĩa cho biết, người tiêu dùng chưa có kỹ năng nhận biết, lựa chọn sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, đơn vị sản xuất sản phẩm hữu cơ thiếu thông tin về quy định, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ của nhà nước. Từ đó gây khó khăn trong thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

“Quan trọng nhất, sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải phát triển song song với việc truy xuất nguồn gốc, tuân thủ, minh bạch trong quy trình sản xuất, phải tạo được niềm tin với người tiêu dùng.”, ông Nghĩa nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem