Dân Việt

TP.HCM: Tái thi công Cầu Long Kiểng suốt 20 năm “đắp chiếu”

Chinh Hoàng 28/09/2022 15:53 GMT+7
Những ngày qua, cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè, TP.HCM) với tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng đã tái thi công trở lại sau 20 “đắp chiếu” vì vướng mặt bằng.

Tái thi công Cầu Long Kiểng, "đắp chiếu" thời gian dài

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt ngày 28/9 tại công trình cầu Long Kiểng, công nhân đã bắt đầu triển khai công tác rào chắn để xây dựng những hạng mục còn lại.

TP.HCM tái khởi động thi công Cầu Long Kiểng suốt 20 năm “đắp chiếu”, người dân mừng rưng - Ảnh 1.

Cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè, TP.HCM) đang tái thi công trở lại, người dân sống gần nơi đây mừng rưng rưng. Ảnh: Chinh Hoàng

Do tạm ngừng thi công quá lâu, một số vật liệu xây dựng tại công trình đã bị hoen gỉ, xung quanh cỏ mọc um tùm. Một số người căng bạt dựng lều buôn bán ngay dưới trụ cầu, rác thải sinh hoạt chất đống gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Vào giờ cao điểm tình trạng kẹt xe kéo dài, tiếng cầu sắt ồn ào cả ngày lẫn đêm khiến nhiều người dân mệt mỏi. Theo đơn vị thi công, sau khi được địa phương bàn giao thêm mặt bằng, đơn vị đã triển khai khoan cọc nhồi làm hố trụ.

TP.HCM tái khởi động thi công Cầu Long Kiểng suốt 20 năm “đắp chiếu”, người dân mừng rưng - Ảnh 2.

Hiện tượng kẹt xe, ùn ứ giao thông luôn xuất hiện ở khu vực cầu sắt tạm một bên cầu Long Kiểng. Ảnh: Chinh Hoàng

Dự án xây dựng cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương nối xã Phước Kiển và xã Nhơn Đức thuộc huyện Nhà Bè được phê duyệt năm 2001 nhằm thay thế cây cầu sắt xây trước năm 1976 đã xuống cấp nghiêm trọng.

TP.HCM tái khởi động thi công Cầu Long Kiểng suốt 20 năm “đắp chiếu”, người dân mừng rưng - Ảnh 3.

Công nhân của đơn vị thi công đang tích cực tái khởi động cầu Long Kiểng. Ảnh: Chinh Hoàng

Từ năm 2004, công tác giải phóng mặt bằng được triển khai. Tuy nhiên, đến năm 2007, việc giải phóng mặt bằng đột ngột tạm dừng. 

Đến cuối tháng 1/2018, sau vụ xe ben chở vật liệu quá tải (trọng lượng 15 tấn) chạy qua cầu Long Kiểng gây sập nhịp cầu thông thuyền, UBND TP.HCM quyết định xây cầu mới bằng bê tông có vốn đầu tư 557 tỷ đồng. 

Theo thiết kế, cầu có chiều dài 318m, rộng 15m với 4 làn xe. Đường dẫn vào cầu rộng 18m-29m, dài 661m.

Cây cầu sắt tạm một bên cầu Long Kiễng đã xuống cấp trầm trọng, gây nhiều nguy hiểm cho người dân sinh sống nơi đây. Clip: Chinh Hoàng

Dự án xây dựng cầu Long Kiểng chính thức khởi công vào tháng 8/2018, dự kiến hoàn thành sau hai năm.

Nhưng tới tháng 12/2019, sau khi xây xong 7/8 trụ cầu, công trình phải tạm ngừng thi công suốt 3 năm qua vì vướng mặt bằng. Một số hộ dân không đồng tình với mức giá bồi thường. Mặt khác, quỹ đất nền tái định cư của địa phương này không còn đủ để đáp ứng.

Sau 3 năm tạm ngừng thi công, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn tất. Theo đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố), đơn vị đã triển khai bàn giao mặt bằng để các bộ phận thi công đẩy nhanh tiến độ, cố gắng hoàn thành dự án vào cuối năm tới.

Người dân mừng rưng rưng, đợi suốt 20 năm để thấy cây… cầu mới

Người dân sống gần dự án xây dựng cầu Long Kiểng mừng rưng rưng khi thấy công trình đã bắt đầu tái khởi động thi công. Anh Nguyễn Văn Chiến (45 tuổi, sống gần cầu Long Kiểng) thổ lộ, mọi người đã đợi suốt hơn 20 năm qua để được qua cây cầu mới.

TP.HCM tái khởi động thi công Cầu Long Kiểng suốt 20 năm “đắp chiếu”, người dân mừng rưng - Ảnh 6.

Cận cảnh cây cầu sắt tạm xuống cấp trầm trọng bên cạnh cầu Long Kiểng. Ảnh: Chinh Hoàng

Theo anh Chiến, cầu sắt tạm bên cạnh cầu Long Kiểng hiện xuống cấp trầm trọng, chỉ lo cho lũ trẻ hàng ngày đi học qua gặp nguy hiểm. "Nay nghe tin qua năm cầu Long Kiểng xây xong, chúng tôi thấy mừng rưng rưng", anh Chiến nói.

TP.HCM tái khởi động thi công Cầu Long Kiểng suốt 20 năm “đắp chiếu”, người dân mừng rưng - Ảnh 7.

Theo đại diện đơn vị thi công cầu Long Kiểng, công trình dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Ảnh: Chinh Hoàng

Tương tự như anh Chiến, bà Võ Thơm (buôn bán dưới chân cầu Long Kiểng) cho biết, bà buôn bán trái cây ở đây hơn 15 năm, ngày nào bà cũng chứng kiến cảnh kẹt xe, ùn ứ do lượng xe qua lại đông mà  diện tích cây cầu sắt lại quá nhỏ. Không chỉ kẹt xe, mỗi khi vào giờ cao điểm các phương tiện thường va quẹt vào nhau khiến khu vực này trở nên hỗn loạn hơn.

"Thường tôi ít khi đi qua cây cầu sắt tạm, vì xe chở hàng của tôi diện tích thùng lớn. Vậy nên, tôi chọn lối đi vòng dưới chân cầu để bán hoa quả. Chứ đi trực tiếp trên cầu sắt tạm, tôi sợ tai nạn", bà Thơm bộc bạch.