2 bệnh viện nghìn tỷ "đắp chiếu": Có hay không sự móc ngoặc, lợi ích nhóm?
2 dự án bệnh viện hàng nghìn tỷ đồng: Tiền không thiếu nhưng tại sao công trình "đắp chiếu" nhiều năm?
Quỳnh Nguyễn (thực hiện)
Thứ năm, ngày 22/09/2022 06:59 AM (GMT+7)
ĐBQH Phạm Văn Hoà, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, dự án Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 đang "trùm mền, đắp chiếu" trong khi tiền không thiếu, chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao?
Vì sao Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2 "lỡ hẹn" nhiều năm?
Cuối năm 2014, hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 đặt tại tỉnh Hà Nam chính thức khởi công và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016. Thế nhưng, đến nay sau khi đã hoàn thành được hơn 90% các hạng mục xây dựng, cả hai bệnh viện đều đã dừng thi công.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, cả hai dự án tạm dừng xây dựng, hiện nay cả hai bệnh viện đều đang đóng cửa, tiến độ giải ngân mới đạt hơn 55% và 57%.
Trong buổi làm việc này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Bộ Y tế làm tổ trưởng, với sự tham gia của lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài Chính, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Hà Nam. Yêu cầu chậm nhất sau 2 tháng nữa, các bộ, ngành và tỉnh Hà Nam phải có phương án xử lý.
Trao đổi với Dân Việt, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội) cho rằng: "Nhà nước chăm lo xây bệnh viện cho người dân mà cuối cùng lại bỏ hoang phế như vậy thì đây là trách nhiệm không nhỏ của Bộ Y tế và Ban quản lý dự án".
Thưa ông, ông có đánh giá gì về câu chuyện cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức "lỡ hẹn" đi vào hoạt động với người dân trong suốt nhiều năm qua?
- Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân cả nước tại những bệnh viện tuyến trên rất lớn. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, người dân khám chữa bệnh rất đông tại hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội, nhiều bệnh viện quá tải. Đối với dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Việt Đức cơ sở 2, vấn đề cần phải kiểm tra, xem xét, đánh giá khách quan, chủ quan, từ đâu dự án khởi công từ năm 2014 đến 2017 rồi gia hạn đến 2020, và nay là 2022 vẫn "đắp chiếu", nhiều hạng mục xuống cấp trầm trọng, cỏ mọc um tùm...
Tôi nghĩ rằng, trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế, phải truy nguyên nhân từ ban quản lý dự án xây dựng Bệnh viện Việt Đức 2 và Bệnh viện Bạch Mai 2 để xem xét, đánh giá khả năng, những 10.000 tỷ đồng chứ đâu phải ít, tiền này là tiền của nhân dân! Chính vì vậy, người dân rất bức xúc, nhất là người dân Hà Nội và những tỉnh thành quanh Hà Nội. Trong khi người dân đi chữa bệnh phải chờ đợi, xếp hàng; Nhà nước thì chăm lo xây bệnh viện cho người dân mà cuối cùng lại bỏ hoang phế như vậy thì đây là trách nhiệm không nhỏ của của tổ chức và các cá nhân liên quan.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp đi thị sát, kiểm tra và chỉ đạo giải quyết. Cá nhân tôi cũng đặt niềm tin, hy vọng vào Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, phải kiểm tra, xử lý những trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh", quét sạch những thành phần thiếu tinh thần trách nhiệm, dấu hiệu tham ô, móc ngoặc... gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Như vậy mới thỏa lòng dân, từ đó người dân mới tin tưởng vào sự quản lý, điều hành của Bộ Y tế để chăm sóc cộng đồng ngày một tốt hơn.
Tất nhiên, trong quản lý điều hành còn có nhiều câu chuyện, nhưng công trình "trùm mền, đắp chiếu" trong khi tiền không thiếu, chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao? Từ phê duyệt thiết kế, xây dựng theo quy trình kỹ thuật của nước ngoài, mình phải biết, phải hiểu... đâu thể chấp nhận để cho những nhà đầu tư, công ty tư vấn, nhà thầu thi công "bánh vẽ" nhằm trục lợi ngân sách Nhà nước.
Nếu Ban quản lý các công trình trọng điểm của Bộ Y tế quản lý không được thì giao cho Ban quản lý dự án các tỉnh, của Trung ương, của Bộ Kế hoạch Đầu tư hay đơn vị có chức năng xây dựng. Ở đây, dư luận đặt vấn đề có hay không sự móc ngoặc, lợi ích nhóm trong việc xây dựng Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2, tôi nghĩ cần kiểm tra và xử lý nghiêm minh.
Công trình "đắp chiếu" nhiều năm gây lãng phí rất lớn
Trao đổi với báo chí, đại diện Ban quản lý các công trình trọng điểm của Bộ Y tế cho rằng hai dự án nêu trên chậm tiến độ vì đây là lần đầu cơ quan này thực hiện dự án, thiếu kinh nghiệm, chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai, ông nghĩ sao về lời giải thích này?
- Tôi không chấp nhận lý do "thiếu kinh nghiệm". Anh thiếu kinh nghiệm tại sao anh nhận? Trước khi đấu thầu, tổ chức thi công Ban quản lý các công trình trọng điểm của Bộ Y tế đã phải xem xét tất cả các yếu tố, đơn vị thi công cũng vậy, phải đáp ứng yêu cầu thì mới nhận công trình. Bây giờ khi dự án "treo" nhiều năm, Ban quản lý mới nói thiếu kinh nghiệm nên xây dựng chậm, tôi cho rằng nói như vậy là không chấp nhận được. Để làm rõ nguyên nhân thì cần phải có thanh tra vào cuộc. Một mặt đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công; mặt khác tìm hiểu lý do kéo dài thời gian xây dựng để xử lý những người có trách nhiệm.
Không chỉ Bệnh viện Bạch Mai 2 và Việt Đức 2, câu chuyện những công trình ngàn tỷ từ ngân sách Nhà nước "đắp chiếu" vẫn tồn tại nhiều năm qua. Đâu là giải pháp gỡ vướng, để những công trình này được sớm đưa vào phục vụ người dân, thưa ông?
- Đúng vậy, nhiều công trình "đắp chiếu" chưa thể đưa vào sử dụng sau nhiều năm xây dựng cho thấy sự lãng phí rất lớn. Theo tôi, cần có sự tham gia của các cơ quan chức năng, tìm hiểu cụ thể nguyên nhân, đề xuất biện pháp xử lý cả hành chính và hình sự nếu vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thi công, đầu tư thêm nguồn lực nếu thiếu vốn ngân sách để công trình được đảm bảo thi công đúng tiến độ.
Sắp tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật đấu thầu sửa đổi. Có những bất cập mà thời gian qua chúng ta đã nhìn thấy, nhiều trường hợp tổ chức đấu thầu bất động sản theo kiểu lợi ích nhóm, lợi dụng các kẽ hở đã bị phanh phui.
Vì vậy, việc sửa luật cần hướng đến làm sao để ngăn ngừa, cảnh tỉnh những trường hợp tổ chức đấu thầu, thi công mang dáng dấp lợi ích nhóm, đặc biệt là những công trình trọng điểm, có tính chất cấp thiết phục vụ người dân như bệnh viện, trường học, đô thị, giao thông...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.