Mới đây, nhà sản xuất phim Em và Trịnh đã chính thức gửi thông cáo báo chí về việc xin lỗi Giáo sư Michiko Yoshii. Theo đó, nhà sản xuất phim Em và Trịnh thừa nhận: "Từ ý tưởng muốn tôn vinh cuộc đời, nhân cách và một phần sự nghiệp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ê-kíp sản xuất phim đầu tư và tiến hành sản xuất, phổ biến bộ phim có tên Em và Trịnh.
Tư liệu để xây dựng kịch bản và tổ chức sản xuất phim được các nhà biên kịch, đạo diễn và đoàn làm phim lấy trực tiếp từ gia đình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng như một số thông tin đã công khai trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Trong đó, có các thông tin về Giáo sư Michiko Yoshii - người có những công trình nghiên cứu về âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và là người có vị trí đặc biệt khi nhắc đến cuộc đời của nhạc sĩ".
Phía nhà sản xuất phim Em và Trịnh cho biết, trong quá trình xây dựng kịch bản đã nhiều lần liên hệ với gia đình Giáo sư Michiko Yoshii nhưng không có kết quả. "Chúng tôi đã ngộ nhận sự im lặng đó là đồng ý nên đã sản xuất bộ phim khi chưa có được sự chấp thuận bằng văn bản của Giáo sư Michiko Yoshii ", nhà sản xuất phim Em và Trịnh cho hay.
Từ sự việc này, nhà sản xuất phim Em và Trịnh gửi lời xin lỗi đến Giáo sư Michiko Yoshii. Đồng thời, phía nhà sản xuất cũng khẳng định sẽ gửi lời xin lỗi Giáo sư Michiko Yoshii mỗi khi trình chiếu phim ở bất kỳ nền tảng nào và sẽ không để xảy ra những tình huống tương tự.
Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng - Người đại diện của Giáo sư Michiko Yoshii cho biết: "Theo luật, Giáo sư Michiko Yoshii ngay từ đầu có thể yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm. Có nghĩa là ngay từ đầu phim Em và Trịnh không được trình chiếu nữa hoặc bồi thường. Tuy nhiên, Giáo sư Michiko Yoshii không làm và không thực hiện những điều đó. Đối với Giáo sư Michiko Yoshii, cô chỉ yêu cầu phía nhà sản xuất xin lỗi công khai và để họ không phạm sai lầm như vậy trong những tác phẩm tương tự".
Qua sự việc này, luật sư Diễm Phượng cũng đưa ra lời khuyên nào cho các nhà sản xuất để tránh những ồn ào, không đúng với quy định của pháp luật: "Tôi nghĩ các nhà làm phim, nhà sản xuất khi thực hiện đề tài tương tự cần phải có sự chấp thuận bằng văn bản từ những nhân vật họ khai thác đưa lên phim. Bởi đó là quyền về đời sống riêng tư được quy định trong Hiến pháp về quyền bất khả xâm phạm.
Ngoài việc tuân thủ quy định của pháp luật, các nhà sản xuất nên thể hiện sự lịch sự, nhân văn, tinh tế khi thực hiện tác phẩm về nhân vật có thật".