Cơn bão số 4 đổ bộ vào Quảng Nam khiến nhiều diện tích cây ăn quả đang trong độ thu hoạch của người dân huyện Tiên Phước bị hư nặng, ảnh hưởng lớn đến thu nhập. Hiện chính quyền và nhân dân địa phương đang nỗ lực khôi phục vườn cây ăn quả, giúp vườn cây sớm phục hồi.
Những cây sầu riêng của người dân huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đến lúc cho trái đã bị bão số 4 quật ngã nằm la liệt. Ảnh: T.H
Có mặt tại khu vườn của gia đình ông Thái Nguyên Đại (xóm Hố Quờn, thôn Hữu Lâm, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) trồng hơn 70 cây sầu riêng, khoảng chừng 7 năm tuổi đang trong giai đoạn thu hoạch.
Trung bình mỗi vụ gia đình ông Đại thu về khoảng gần 100 triệu đồng từ quả sầu riêng. Thế nhưng cơn bão số 4 càn quét qua khiến cho 15 cây sầu riêng loại lớn trong vườn bị trốc gốc, gãy đổ.
Lúc này, ông Đại thuê lao động địa phương cùng với mình dọn dẹp, cưa thân, nhánh của những cây bị trốc gốc, gãy đổ để làm củi, gỗ. Riêng đối với các cây mới chỉ bị nghiêng chưa ngã đổ hẳn, ông Đại tiến hành tỉa cành, dùng dây thừng, cọc trụ chằng chống- neo níu, với hy vọng 1-2 năm nữa cây phục hồi mới có thu nhập bình thường trở lại.
Ông Thái Nguyên Đại đau xót nhìn vườn sầu riêng bị bão số 4 làm ngã đổ. Ảnh: N.H
"Ở xóm Hố Quờn hầu như vườn cây ăn quả của các hộ dân đều bị thiệt hại do cơn bão số 4, nhưng vườn tôi bị thiệt hại nặng hơn. Nếu như bão cấp 6-7, thì có mình có thể chằng chống, neo níu, nhưng bão lần này lớn quá, chằng chống không ăn thua.
Hiện tôi đang dọn dẹp, tỉa cành, dùng dây thừng, cọc trụ chằng chống, neo níu lại cây bị nghiêng, còn đồn đối với cây ngã đổ cưa thân, gốc lấy gỗ, củi… Mấy năm trước mỗi vụ thu hoạch gần 100 triệu đồng, nhưng năm nay bị ảnh hưởng của bão chắc chắn thu nhập bị giảm sút đi nhiều…", ông Đại đau xót cho biết.
Cũng giống như ông Đại, khu vườn của ông Đoàn Văn Trương (thôn Cẩm Phô, xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước) có khoảng 150 cây ổi, vài chục cây lòn bon, bưởi da xanh, dó bầu, cau … cũng bị ngã đổ do bão số 4 gây ra. Ông Trương cho biết, nếu không bị ngã đổ trung bình mỗi năm gia đình thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng.
Tuy nhiên vụ thu hoạch năm nay bị ảnh hưởng của bão, nhiều cây bị gãy đổ, thu nhập sẽ bị giảm sút đáng kể. "Tôi cố gắng dùng cọc trụ chằng chống, khôi phục lại được cây nào hay cây đó, chớ biết làm răng chừ. Trời hại mà, cố gắng khắc phục thôi", ông Trương buồn rầu.
Theo thống kê, xã Tiên Cẩm có khoảng 120 ha cây nguyên liệu, cây ăn quả của người dân bị hư hại do bão số 4 gây ra. Hiện chính quyền địa phương đã lực lượng chia thành 4 tổ xuống 4 khu dân cư giúp người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh, khôi phục lại cây trồng…
Lãnh đạo huyện Tiên Phước đi kiểm tra, thăm hỏi các chủ vườn cây ăn quả bị thiệt hại trong bão số 4. Ảnh: T.H
Ông Bùi Ngọc Cẩm - Chủ tịch UBND xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước cho biết: "Hiện địa phưng đã cử lực lượng xuống phụ giúp người dân lợp lại nhà cử, vệ sinh đường làng, ngõ xóm … khắc phục hậu quả cơn bão số 4. Riêng đối với diện tích cây ăn quả, hoa màu của người dân bị thiệt hại, địa phương cũng hướng dẫn người dân tỉa cành, chằng chống, phục hồi lại".
Theo thống kê, huyện Tiên Phước là vùng trọng điểm cây ăn quả và cây gia vị của tỉnh Quảng Nam với khoảng 275ha bưởi, 300ha lòn bon, hơn 458ha măng cụt, 81ha tiêu và nhiều diện tích trồng các loại cây khác. Hiện nay, số cây ăn quả bị thiệt hại do bão số 4 chưa thể thống kê chính xác, song theo ghi nhận và báo cáo nhanh từ các địa phương có rất nhiều diện tích cây ăn quả bị ngã đổ, hư hại. Huyện chính quyền huyện Tiên Phước cùng với các xã, thị trấn cử lực lượng giúp đỡ nhà vườn trung khôi phục lại vườn cây ăn quả.
Ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, Quảng Nam cho biết: "Trước mắt, huyện Tiên Phước sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn cùng với người dân khắc phục thiệt hại kinh tế vườn, kinh tế trang trại, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Đồng thời huyện sẽ cố gắng huy động các nguồn lực, kiến nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ, tạo động lực khôi phục và phát triển diện tích cây ăn quả ổn định, bền vững.
Thời gian tới, huyện sẽ nghiên cứu chỉ đạo cho Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện phối hợp với các đơn vị chuyên môn của tỉnh tập huấn cho người dân về kỹ thuật chằng chống, neo níu, tỉa cảnh, đối phó với bão và trồng các loại cây ăn quả thích ứng với biến đổi khí hậu…".