Chợ lợn lớn nhất miền Bắc tan nát theo cơn bão giá lợn

Việt Tùng Thứ năm, ngày 22/06/2017 07:27 AM (GMT+7)
Trước đây, mỗi ngày chợ lợn An Nội (Bình Lục, Hà Nam) xuất bán khoảng 6.000 - 8.000 con lợn, thì nay giao dịch chỉ còn khoảng 2.000 con. Điều đáng nói nữa là giá bán lợn cũng giảm hơn nửa so với hồi đầu năm...
Bình luận 0

Nỗi buồn người nuôi lợn

Đã từ lâu người ta biết đến Bình Lục như “thủ phủ” chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, trong đó xã Ngọc Lũ là nơi có đầu lợn lớn nhất. Theo thống kê, trung bình 1 người dân ở xã này nuôi từ 10-30 con lợn, tùy theo từng giai đoạn. Nơi đây đã từng là điểm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nông dân nhiều địa phương của tỉnh Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung. Con lợn đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu, nhiều hộ trở thành tỷ phú, điển hình tiên tiến của cả nước...

img

Chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam, ở xã An Nội (Bình Lục) khá đìu hiu, khi việc giao dịch mua bán giảm tới 300 - 400%. Ảnh: V.T

Theo anh Trần Văn Tâm - thương lái ở chợ lợn An Nội, nếu phía TQ vẫn tiếp tục đóng cửa nhập lợn, rất có thể giá lợn sẽ còn nằm ở đáy khoảng nửa tháng nữa. Anh Tâm phân tích: “Nếu lợn chỉ tiêu thụ nội địa, tự cung, tự cấp thì sẽ giá có thể nhỉnh lên, khi cung – cầu cân bằng hoặc chênh lệch nhau không đáng kể. Tuy nhiên hiện nay cung vẫn lớn hơn cầu rất nhiều nên giá lợn chưa thể phục hồi. Khoảng nửa tháng nữa, lứa lợn cũ vãn đi, lứa mới chưa đạt trong lượng tất yếu, giá lợn sẽ nhỉnh lên”.

Nhưng nay, cũng chính con lợn đã khiến không ít gia đình điêu đứng, khuynh gia bại sản, vợ chồng, anh em bất hòa... khi suốt nhiều tháng liền, giá lợn liên tục giảm sâu. Từ mức 45.000 đồng/kg, nay giá lợn hơi chỉ còn 18.000-20.000 đồng/kg.

Nguyên nhân đã được nhiều chuyên gia, các nhà kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước phân tích, song dù vì lý do gì thì đối tượng bị rủi ro, thiệt hại lớn nhất chính là người chăn nuôi.

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Ba ở xã Ngọc Lũ thường xuyên nuôi tới 300 – 400 con lợn/lứa và nuôi theo kiểu gối đàn nên hầu như tháng nào cũng có lợn xuất bán, thu về hàng chục triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, đến thời điểm này gia đình ông chỉ còn gần 100 con, bởi theo ông, càng nuôi nhiều càng lỗ. "Thời điểm này giá lợn giống thấp, chi phí đầu vào giảm chứ lứa trước, giá lợn giống còn cao, cứ nuôi 1 con lợn đến lúc xuất chuồng (thời gian 3 - 3,5 tháng), gia đình bị lỗ tới 1,5-1,8 triệu đồng/con. Khi đó tôi đang nuôi hơn 200 con, thiệt hại hơn 300 triệu đồng" - ông Ba chua chát cho biết.

Cũng ở Ngọc Lũ, gia đình ông Trần Văn Hùng hiện nuôi hơn 100 con lợn. Mặc dù biết chăn nuôi lợn vẫn đang thua lỗ nặng, song ông vẫn phải bám trụ lấy nghề bởi “đâm lao phải theo lao”. Ông Hùng nói: “Chúng tôi đã chịu lỗ hơn 2 tháng nay rồi, mặc dù bây giờ nuôi vẫn lỗ vài trăm ngàn đồng/con, nhưng vẫn phải nuôi. Bởi chúng tôi cũng phải “nuôi” hy vọng khi giá lợn lên thì còn có cái mà bán, chứ bây giờ “treo” chuồng cũng chết”.

Giá lợn vẫn dưới đáy

img

Nhiều thương lái cho biết, rất có thể khoảng nửa tháng nữa giá lợn mới có thể nhỉnh lên được, nên hiện họ chỉ buôn bán cầm chừng. Ảnh: V.T

Ông Nguyễn Văn Lộc – Phó Giám đốc Ban quản lý chợ lợn An Nội (Bình Lục, Hà Nam) cho biết, những năm trước, điển hình như năm 2015, trung bình mỗi ngày chợ lợn cung cấp khoảng 8.000 con lợn cho thị trường, có thời điểm lên đến gần 10.000 con/ngày. Lợn chủ yếu được đưa đi tiêu thụ ở Trung Quốc (TQ), một phần đưa về các tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng…

“Nhưng khoảng 2 tháng nay, mỗi ngày chợ lợn chỉ giao dịch khoảng 1.800 – 2.000 con và gần như 100% được tiêu thụ nội địa, với giá dao động từ 18.000 – 21.000 đồng/kg lợn hơi, tùy vào lợn đẹp, xấu. Hiện các thương lái chủ yếu đưa đi Thanh Hóa, Nghệ An, bởi ở đó giá lợn còn nhỉnh hơn chút ít, còn thị trường Hà Nội có lúc còn thấp hơn ở chợ nên thương lái không có lãi” – ông Lộc cho biết.

Ông Lộc cho biết thêm, những ngày gần đây lượng tiêu thụ lợn không ổn định, giá vẫn giảm sâu dưới đáy và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Ngay cả các thương lái cũng giao dịch cầm chừng, chủ yếu để giữ mối chứ lời lãi rất thấp. Bên cạnh đó, hầu hết lượng lợn tiêu thụ tại đây là lợn siêu nạc, có trọng lượng từ 80 – 100kg chứ không có lợn to, lợn béo cỡ 200kg/con như trước.

Anh Lê Văn Thành - một thương lái nhiều năm “ăn” lợn tại chợ lợn An Nội cho biết, trước đây cứ 2 ngày anh xuất 1 chuyến lợn khoảng 200 – 300 con đi TQ, nhưng từ khi phía TQ đóng cửa khẩu, mỗi ngày anh chỉ thu mua 20 – 30 con đưa đi Thanh Hóa. “Trước tôi chủ yếu xuất đi TQ và thị trường Hà Nội, nhưng dạo này giá lợn ở Hà Nội giá thấp quá, sau khi khảo sát, tôi thấy trong Thanh Hóa lợn vẫn bán được giá 23.000 – 25.000 đồng/kg nên bây giờ tôi đang chạy vào đó. Tuy nhiên, sức tiêu thụ cũng rất chậm, mỗi ngày bán được 10 – 15 con. Đường xa, tiền phí cầu đường cao nên lời lãi còn chẳng đáng là bao, nhưng chúng tôi vẫn phải cố vì không bán lợn thì biết làm gì?” – anh Thành chia sẻ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem