Từ bao đời nay, người dân làng Thủy Ba nổi danh khắp nơi với biệt tài bắt hổ. Ở làng này, cụ Trần Đức Thọ (91 tuổi) là một trong số ít bậc cao niên còn sống và biết tường tận về chuyện bắt hổ.
Theo cụ Thọ, trước đây bố của cụ là ông Trần Đức Hạt giữ chức thủ bộ trong làng. Với chức việc này, ông Hạt thường xuyên kiểm tra, đôn đốc dân làng việc đan lưới cho đến bắt hổ.
Lúc ấy, cụ Thọ mới 10 tuổi, thường đi theo bố đến nơi dân làng tập trung đan lưới và chuẩn bị quân trang như rựa, giáo, nạng để chuẩn bị cho việc vào rừng bắt hổ.
Cụ Thọ cho biết, hổ có tên gọi khác là cọp, hùm, beo, ông ba mươi. Khoảng năm 1931, vùng Thủy Ba là nơi rừng thiêng nước độc, rất hiểm nguy nên người dân thường sống rất xa các cánh rừng.
Đêm đến, những con cọp hung tợn gầm vang, tưởng chừng xé toác cả một góc trời khiến ai cũng run sợ. Cọp tìm đến những nhà dân có gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà để lùng tìm, ăn thịt.
Khi bình minh lên, cảnh hoang tàn lộ ra trước mắt, khiến ai cũng xót xa, tức giận. Bởi với nông dân, chăm được con trâu, con bò cày cấy mất nhiều công sức, nhưng bị hổ bắt là "mất đầu cơ nghiệp".
Người dân ở nơi này chỉ dám cuốc đất, trồng trọt vào ban ngày. Mặt trời vừa lặn là nhà nhà phải đóng sập cửa lại, không ai dám ra ngoài. Nhà nào cũng phải làm hàng rào tre cao đến 4m để ngăn chặn hổ, nhưng đôi lúc bị phá.
Có những con hổ ranh mãnh đến mức, chúng dùng đuôi gõ cửa nhà dân. Chỉ cần ai đó mở cửa sẽ bị hổ vồ, tha xác vào rừng sâu. Chuyện người bị hổ bắt ăn thịt thời đó chẳng phải hiếm. Vài ba hôm, dân làng lại nghe tin có người bị hổ tha vào rừng mất xác, lại có người đi vệ sinh vào ban đêm nên bị hổ vồ mất một chân,...
Mỗi khi vào rừng bứt tranh, chặt củi… người dân phải đi theo đoàn. Vừa xế chiều, đoàn người phải cùng nhau trở về. Nhưng vẫn không thể thoát nanh vuốt của hổ. Đau thương, tang tóc bao trùm.
Những năm kháng chiến chống Pháp, Thủy Ba thành căn cứ nên nhiều vũ khí săn bắt hổ bị giặc Pháp đốt phá. Hổ vì thế cũng hoành hành dữ hơn. Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Vĩnh Thủy ghi lại, từ năm 1946 đến 1953, cả vùng có gần 120 người dân, chiến sĩ bị hổ dữ sát hại.
Không thể đứng nhìn cảnh tang tóc tiếp tục diễn ra, những bô lão trong làng Thuỷ Ba tập hợp thanh niên trai tráng. Những thanh niên này phải đảm bảo một số yếu tố như nhanh nhẹn, dũng cảm, đặc biệt là khoẻ mạnh. Họ phải thường xuyên rèn luyện sức khoẻ và học cách "dàn trận" để vây bắt hổ.
Khi có lệnh trên ban xuống, thanh niên trai tráng cùng nhau lên rừng chặt dây cây sót mang về, dùng chày gỗ đập nát, ngâm nước vôi rồi giặt sạch, bột gỗ trơ hết còn lại sợi. Những sợi này được bện lại với nhau to bằng ngón tay. Sau đó những sợi này lại được đan với nhau thành lưới. Mắt lưới rộng 20cm. Mỗi tay lưới dài 8m, cao gần 4m. Một lần vào rừng, cần rất nhiều tay lưới như vậy. Ngoài lưới, người làng Thuỷ Ba còn phải chuẩn bị rựa, giáo mác dài trên 4m, gậy gộc, chông…
Cụ Thọ nhấn mạnh, bắt hổ dữ đồng nghĩa với bảo vệ sự sống còn của mỗi người, của dân làng. Vì vậy, ai nấy đều rất tập trung để hoàn thành các công đoạn để vào rừng bắt hổ.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ vũ khí và quân số, đoàn bắt hổ lên đến cả trăm người sẽ kéo vào rừng, chia thành nhiều tốp khác nhau, dùng trâu, bò để dụ hổ. Khi tốp người cầm rựa phát quang các bụi cây rậm rạp sẽ để lộ ra nơi ở của hổ. Cây rừng được phát quang đến đâu lưới bủa vây khép lại đến đó.
Nếu có hổ, tốp cầm mác, nạng sẽ xông lên tấn công và đưa hổ vào những tay lưới khổng lồ đã được chuẩn bị sẵn. Lúc đó dân làng chỉ việc gánh hổ về làng. Khi hay tin dân làng Thủy Ba bắt được hổ, những làng ở lân cận kéo đến xem đông như hội. Nhiều người còn ủng hộ tiền, gạo cho đội quân bắt hổ dữ. Các quan tỉnh, huyện còn miễn cho người dân làng Thủy Ba một số loại thuế vì có công bắt hổ dữ, bảo vệ dân làng.
Ông Nguyễn Quang Chiến - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy, cho hay cố nội của ông là Nguyễn Chẻng, từng làm đội phó bắt hổ, được triều đình nhà Nguyễn mời vào kinh. Trận vây ráp thứ nhất, dân làng bắt được con hổ đực, trận thứ hai bắt được một hổ cái và ba hổ con, đều còn sống. Triều đình nhà Nguyễn đã thưởng tiền và phong sắc cho những người tiêu biểu trong làng. Ông Nguyễn Chẻng được vua ban tặng "Ngân vàng", ông Cai Dẫn được "Ngân bạc".
Ông Thọ nhớ lại, có lần ở phường Thiên Thọ (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) biết tin nên mời 400 người dân làng Thủy Ba đi bắt hổ. Sau khi lập chiến công, quan trên đã ban cho dân làng rất nhiều bổng lộc.
Nhờ sự dũng cảm của dân làng Thuỷ Ba, hổ dữ đã hạn chế về khu dân cư quấy phá, bắt người, động vật. Cuộc sống nhân dân được bình yên. Công lao của dân làng được cả nhà vua, các quan chức thời ấy và cả người dân các làng lân cận ghi nhận.
Để bắt được hổ, không chỉ cần có sức khỏe mà còn đỏi hỏi sự khéo léo, tinh anh, đoàn kết, dũng cảm. Chính vì vậy, trải qua nhiều thế hệ, người dân làng Thuỷ Ba nói riêng, xã Vĩnh Thuỷ nói chung luôn nhắc nhở truyền thống dũng cảm với con cháu. Làng bắt hổ còn được ghi chép trong lịch sử của làng, xã. Đi kèm với sự tự hào là lời nhắc nhở, hiệu triệu thế hệ sau phải thường xuyên rèn luyện sức khoẻ, đoàn kết như truyền thống của tổ tiên.
"Hổ dữ, mãnh thú của rừng xanh bị khuất phục là nhờ người làng có sức khoẻ, dũng cảm và đoàn kết. Chính vì vậy, thế hệ sau phải tiếp tục kế thừa, phát huy điều tốt đẹp của cha ông" – ông Thọ chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Chiến - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy, đánh giá chiến thắng hổ dữ là kết quả của trí - dũng - nhân, của sức mạnh đoàn kết và tinh thần thượng võ của người dân Thủy Ba. Chính tinh thần đoàn kết đó, người dân Vĩnh Thuỷ đã tích cực đóng góp phát triển quy hương giàu mạnh. Năm 2012, xã Vĩnh Thủy được công nhận xã Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2014, Vĩnh Thuỷ trở thành một trong 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị.
Làng Thuỷ Ba nổi tiếng là làng bắt hổ. Clip: N.V