Điếu Ngao – làng giữa phố vẫn giữ nguyên nếp quê ở Quảng Trị

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 03/10/2022 11:17 AM (GMT+7)
Làng Điếu Ngao nghèo khó năm xưa nay đã là phố thị đông đúc, nhà cửa san sát, đường sá bê tông, thảm nhựa… Dù vậy, người làng Điếu Ngao vẫn lưu giữ nét đẹp truyền thống có từ hàng trăm năm nay, góp phần vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Bình luận 0

Làng gắn với những chiến công

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi tìm về làng Điếu Ngao sau lời giới thiệu của một cán bộ ngành văn hoá tỉnh Quảng Trị rằng: "Ở Quảng Trị có câu viết về làng xã phải về Điếu Ngao. Bởi làng này có lịch sử lâu đời, gắn với biệt danh làng giữa phố". Nói như thế là vì làng Điếu Ngao nằm trong toàn bộ địa bàn phường 2, thành phố Đông Hà.

Điếu Ngao – làng giữa phố - Ảnh 1.

Đình làng Điếu Ngao có tổng diện tích khuôn viên đình làng lên đến 7.000 m2 , còn riêng diện tích gần 560 m2 , sân đình có cây đa cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm. Di tích lịch sử này được trùng tu phục chế năm 2014 với sự đóng góp của toàn thể nhân dân sinh sống trên địa phận làng Điếu Ngao, các đơn vị, con em dân làng trên mọi miền tổ quốc và cả nước ngoài. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ở Điếu Ngao, ông Hoàng Thế - Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 2, Ban điều hành làng là người hiểu biết rõ nhất về lịch sự và truyền thống của làng.

Ông Thế cho biết, đất Điếu Ngao xưa thuộc Ô Châu của người Chiêm. Năm 1306, Thượng hoàng Trần Nhân Tông gả con gái Huyền Trân Công chúa cho vua nước Chiêm là Chế Mân để tăng cường quan hệ hoà hảo hai nước. Vua Chiêm đem đất hai châu Ô, Rý (còn gọi là Lý) làm sính lễ. Sau đó, vua Trần Anh Tông đổi Ô Châu làm Thuận Châu và Lý Châu thành Hoá Châu. Từ đó, đất làng Điếu Ngao thuộc vào bản đồ Đại Việt.

Điếu Ngao – làng giữa phố - Ảnh 2.

Tòa đại đình hình chữ nhất, được cấu trúc bởi một bộ khung gỗ chịu lực theo mô thức của một ngôi nhà rường 3 gian, 2 chái như thường thấy ở vùng đất Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ.

Theo Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An viết năm 1555, Điếu Ngao thời Lê có tên Hướng Ngao, thuộc huyện Vũ Xương, sau đổi thành Đăng Xương Châu Thuận. Làng Điếu Ngao nằm ở vị trí thuận lợi, bên cạnh quốc lộ 1A, sông Hiếu, có chợ, trạm, ruộng lúa phì nhiêu.

Người dân Điếu Ngao ngày xưa có hai nghề chính là làm ruộng và dệt vải. Sách phủ biên tạp lục còn ghi lại: Ruộng Điếu Ngao có hai mùa, vụ hè là mùa chính, vụ thu gọi là mùa trái. Sản vật nhà nông ngoài các loại khoai sắn, hoa màu thì có nếp và lúa. Nếp có giống nếp mây, kỳ lân, nếp suốt, nếp hột cau, nếp mía… Ngoài làm ruộng, dân làng Điếu Ngao còn trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải. Bên cạnh hai nghề chính ấy, những khi nông nhàn người làng Điếu Ngao còn làm thêm nghề phụ như mua bán nông sản phẩm, nghề mộc, thợ nề…

Điếu Ngao – làng giữa phố - Ảnh 3.

Sân đình làng Điếu Ngao có cây đa cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm. Ngoài ra còn có giếng nước vẫn được giữ gìn. Đình làng Điếu Ngao được công nhận di tích cấp tỉnh, thành phố năm 2004. Ảnh: Ngọc Vũ.

Làng Điếu Ngao có đủ đình và chùa. Đặc biệt, đình làng Điếu Ngao là nơi thờ phụng những vị có công khai khẩn lập làng. Hàng năm vào ngày rằm tháng bảy âm lịch, dân làng tụ hội để tế hội đồng. Trong văn tế ghi những vị thần và các vị thỉ tổ của các họ Hoàng, Trần, Lê, Đinh, Nguyễn để dân làng ghi tạc công đức của các ngài. Cả đình và chùa đều xây dựng quy mô, mặt hướng ra bờ sông Hiếu.

Làng còn có các dinh miếu như miếu Thành Hoàng, Dinh Đông chí, miếu Ông, miếu Bà, miếu Cao Sơn các để thờ những người có công với làng. Đền âm hồn để thờ những người cô quả. Làng còn có cả văn chỉ để thờ Khổng Tử và tiền hiền. Những văn chỉ này được cất giữ cẩn thận dưới nóc đình làng, muốn lấy xuống phải thông qua họp làng, quy trình nghiêm ngặt.

Ông Hoàng Thế cho biết, người làng Điếu Ngao xem những văn chỉ, bút tích bậc khai khẩn là báu vật nên gìn giữ rất cẩn thận.

Điếu Ngao – làng giữa phố - Ảnh 4.

Không chỉ là di tích có ý nghĩa lịch sử, đình làng Điếu Ngao còn là nơi hoạt động văn hoá, giáo dục của người dân trong làng. Ảnh: Ngọc Vũ.

Theo lịch sử Đảng bộ phường 2, từ ngày 23/8/1945, Tổng bộ Việt Minh của tỉnh cử 5 cán bộ về làng Điếu Ngao. Các cán bộ đến nhà Lý trưởng Hoàng Quang (Xạ Quang), yêu cầu lý trưởng tập hợp nhân dân vào tối 23 và 24/8 tại nhà thờ họ Hoàng (phái 3) để cán bộ Việt Minh giới thiệu cho nhân dân về cờ đỏ sao vàng và diễn thuyết tuyên truyền khởi nghĩa giành chính quyền. Sáng 25/8, dân làng Điếu Ngao mang theo gậy gộc, giáo mác tập trung ở đình, nhà thờ họ rồi tập trung về Rú cấm nương nậy để tham gia vào đoàn mít tinh, khởi nghĩa giành chính quyền với khẩu hiệu: "Đánh pháp, đuổi Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân".

Tại cuộc mít tinh mừng khởi nghĩa thắng lợi tổ chức ở đình làng Điếu Ngao có hàng trăm người dân tham gia, dương cao ảnh Bác Hồ, cờ tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu…

Điếu Ngao – làng giữa phố - Ảnh 5.

Những gì ghi trên tấm bia này đã thể hiện rõ ý nghĩa to lớn của đình làng Điếu Ngao. Ảnh: Ngọc Vũ.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, ở tiền phương người làng Điếu Ngao gan dạ kiên cường chiến đấu. Ở hậu phương con dân của làng tổ chức nhiều phong trào hỗ trợ kháng chiến như hũ gạo nuôi quân, công phiếu kháng chiến, tuần lễ vàng, tuần lễ đồng. Nhiều nhà đào hầm bí mật nuôi dấu cán bộ, đi thu thập thông tin của địch cho cách mạng…

Có thể khẳng định, thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đông Hà (nay là thành phố) và những cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ có công rất lớn của nhân dân làng Điếu Ngao.

Giữ nếp làng giữa phố thị

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, cùng với sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, người dân làng Điếu Ngao khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, hăng say sản xuất, đạt nhiều thành tựu trên mọi mặt. Năm 1998, Điếu Ngao được công nhận là làng văn hoá. Đặc biệt, dù đã hội nhập với văn minh đô thị theo xu thế phát triển chung của đất nước, nhưng người dân làng Điếu Ngao vẫn ý thức, trách nhiệm giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp.

Điếu Ngao – làng giữa phố - Ảnh 6.

Làng Điếu Ngao, thuộc phường 2, thành phố Đông Hà. Dù hội nhập với văn minh đô thị nhưng người dân làng Điếu Ngao vẫn gìn giữ nét đẹp truyền thống. Ảnh: Ngọc Vũ.

Hàng năm, cứ vào mồng 7 tháng Giêng, dân làng Điếu Ngao lại tổ chức lễ cúng khai hạ tại đình làng. Dân làng sẽ dâng lên các vị thần, các bậc tổ tiên, các bậc tiền bối đã có công lập làng, giữ làng và che chở cho làng bình yên đồng thời cầu mong năm mới hạnh phúc sẽ đến với mọi nhà.

Điếu Ngao – làng giữa phố - Ảnh 7.

Miếu thần hoàng của làng Điếu Ngao. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ngày giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), làng Điếu Ngao sẽ cúng giỗ ngài Đinh Tri Phủ. Tương truyền, xưa ở làng Điếu Ngao có dinh thờ ngài Đinh Tri Phủ nằm bên cạnh dinh thờ ngài Bổn Thổ Thành Hoàng. Ngài Đinh Tri Phủ phải là một vị có công lớn với làng, nên tổ tiên xưa mới lập dinh thờ ở vị trí đó, được vua triều Nguyễn sắc phong là "Kim Tử Vinh Lộc Đại phu".

Điếu Ngao – làng giữa phố - Ảnh 8.

Người làng Điếu Ngao chăm sóc, quét dọn miếu Đinh Tri Phủ của làng. Ảnh: Ngọc Vũ.

Chiều 15/7 âm lịch, làng Điếu Ngao tổ chức lễ cúng tại đền Âm Hồn, rồi đến lễ cáo yết hội đồng tại đình làng. Qua ngày 16/7 âm lịch có lễ cúng tổ tiên tại đình trung, lễ hiến tế hội đồng tại đình trung, lễ cúng cháo ở sân đình và lễ cúng đưa long châu tại đình trung.

Ngoài ra, người làng Điếu Ngao còn làm lễ cúng Đông Chí vào tháng 11 âm lịch hàng năm. Theo nông lịch, tiết Đông Chí là tiết bắt đầu mùa vụ trong năm. Cử hành lễ Đông Chí để tưởng vọng bậc tiền nhân khai khẩn, khai canh đất đai để bây giờ hậu duệ canh tác. Sau lễ cúng này, người làng tập trung xuống đồng canh tác, giúp nhau gieo cấy.

Điếu Ngao – làng giữa phố - Ảnh 9.

Ở đền Âm hồn làng Điếu Ngao có nhiều cây cổ thụ to lớn. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ông Hoàng Thế cho biết, những lễ cúng được người dân trong làng tổ chức trang trọng. Lễ cúng không phải mê tín dị đoan. Đó là nơi người dân thể hiện lòng thần kính, biết ơn bậc tiên tổ. Hơn nữa, giữa cuộc sống xô bồ tấp nập, những lễ cúng ấy là dịp để tề tựu người dân trong làng đông đủ và vui vẻ nhất, tăng cường đoàn kết, gắn bó với nhau.

Qua các tư liệu, bài văn tế… con cháu sẽ hiểu thêm về lịch sử và truyền thống tốt đẹp của làng để cùng nhau gìn giữ, bảo ban nhau tránh tệ nạn xã hội, phát huy giá trị sống tốt đẹp, góp phần vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Bởi vậy, người làng Điếu Ngao coi những lễ cúng là dịp để giáo dục con cháu một cách có chiều sâu về văn hoá.

Điếu Ngao – làng giữa phố - Ảnh 10.

Dù đã ở tuổi 64 nhưng ông Hoàng Thỉ (trú khu phố 2, phường 2, Đông Hà) người làng Điếu Ngao vẫn thường xuyên quay phim chụp ảnh hoạt động của dân làng đăng lên mạng xã hội. Ảnh: Ngọc Vũ.

Không chỉ vậy, người dân Điếu Ngao còn áp dụng công nghệ, thời đại 4.0, quay phim, chụp ảnh các lễ cúng, mưa bão, gương người tốt việc tốt, hoàn cảnh khó khăn… đăng lên trang mạng facebook "Điếu Ngao – làng giữa phố". Việc này giúp con em làm ăn xa quê hương, ở nước ngoài vẫn có cơ hội ngưỡng vọng từ xa. Chính sự đoàn kết, nhớ cội nguồn như vậy nên mỗi khi làng cần làm việc gì đều nhận được sự đóng góp nhiệt tình từ con em dù ở bất cứ nơi đâu.

Làng Điếu Ngao ở phường 2, thành phố Đông Hà là làng giữa phố nhưng vẫn gìn giữ, phát huy được giá trị truyền thống. Clip: Ngọc Vũ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem