Đồng USD yếu hơn và khả năng OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt tiếp tục hỗ trợ giá dầu hôm nay với xu hướng đi lên, trong đó dầu Brent đã lên mức hơn 91 USD/thùng.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 5/10/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 85,33 USD/thùng, giảm 0,17 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 4/10, giá dầu WTI giao tháng 12/2022 đã tăng 2,96 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 91,61 USD/thùng, giảm 0,19 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 1,90 USD so với cùng thời điểm ngày 4/10.
Giá dầu hôm nay có xu hướng tăng mạnh khi lo ngại thắt chặt nguồn cung gia tăng trước thông tin OPEC+ nhiều khả năng sẽ quyết định cắt giảm mạnh sản lượng khai thác trong cuộc họp diễn ra hôm nay.
Một số nguồn tin trên thị trường cho biết OPEC+ đang xem xét cắt giảm tới 2 triệu thùng/ngày vào cuộc họp ngày 5/10.
Nguồn cung dầu được dự báo sẽ khó khăn hơn khi EU vẫn kiên quyết với việc áp trần giá dầu đối với dầu thô Nga.
Trước đó, vào đầu tháng 8, Nga đã phát cảnh báo sẽ ngừng cung cấp dầu và các sản phẩm dầu cho các nước quyết định hạn chế giá.
Giá dầu ngày 5/10 còn được thúc đẩy bởi đồng USD mất giá mạnh nhờ kỳ vọng quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ được Fed thực hiện chậm hơn khi nền kinh tế Mỹ đang có chiều hướng xấu đi.
Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu cũng được kỳ vọng cải thiện khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở Trung Quốc và ngân hàng trung ương các nước làm chậm quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng còn do thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm mạnh.
Cụ thể, theo Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dự trữ dầu thô Mỹ trong tuần kết thúc ngày 30/9 đã giảm khoảng 1,8 triệu thùng; dự trữ xăng giảm khoảng 3,5 triệu thùng; và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm khoảng 4 triệu thùng.
Ở diễn biến khác, thị trường cũng đặt kỳ vọng vào sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ dầu tư Trung Quốc khi nước này vừa công bố hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm hoá dầu với trị giá 15 triệu tấn. Điều này được dự báo sẽ kích thích các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc tăng cường sản lượng.
Trong phiên 4/10 tại châu Á, giá dầu Brent tăng 46 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 89,32 USD/thùng, sau khi tăng hơn 4% trong phiên trước, trước khả năng OPEC+ có thể nhất trí cắt giảm mạnh sản lượng, trong khi có những lo ngại về kinh tế toàn cầu.
Giá dầu tăng mạnh do lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung. Các nhà đầu tư nhận định OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày. Bên cạnh đó, các nước thành viên cũng có thể cắt giảm tự nguyện, với mức cắt giảm sẽ là mạnh nhất kể từ khi bùng phát dịch.
Thiếu vắng các dữ liệu kinh tế vĩ mô, giá dầu có thể duy trì đà tăng trong phiên giao dịch hôm nay.
Thực chất, dầu WTI giao động xung quanh vùng 80 USD/thùng cho thấy thị trường đã bị định giá thấp hơn giá trị căn bản trong suốt một thời gian. Mức giá này chỉ tương đương giá trị giao dịch trước khi có rủi ro địa chính trị từ Nga – Ukraine. Nguyên nhân một phần là do rủi ro suy thoái kinh tế, phần khác là do thanh khoản suy giảm trên thị trường tài chính nói chung, khi các nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ tiền mặt.
Tính từ giá đóng cửa tuần trước, giá dầu đã tăng gần 6%, gần như chỉ nhờ thông tin về OPEC+. Nhưng nguyên nhân một phần cũng nhờ tuần này không có quá nhiều thông tin, dữ liệu vĩ mô. Trung Quốc đang ở trong “Tuần lễ vàng”, và điều này làm cho thị trường loại bỏ được một loạt các số liệu và dự báo tiêu cực về nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đặc biệt là tạm thời thị trường sẽ không còn phải nhận các tiêu cực về các đợt phong tỏa do Zero Covid.
Trong khi đó, tại Mỹ, số liệu trong tuần quan trọng nhất trong tuần là Bảng lương Phi Nông nghiệp, nhưng giờ đây với lộ trình tăng lãi suất của Fed đã được làm rõ, và các số liệu về thị trường lao động hàng tuần như số đơn xin trợ cấp thất nghiệp vẫn chưa đưa ra dấu hiệu bất ngờ nào, ít nhất dữ liệu vĩ mô trong tuần này sẽ không tạo ra rủi ro nào.
Nhờ vậy, các thông tin về cung – cầu cho thị trường sẽ quay trở lại làm yếu tố dẫn dắt giá. Rủi ro lớn nhất trong tuần này là mức giảm sản lượng của OPEC+ thấp hơn 1 triệu thùng/ngày hay chính sách chung vấp phải sự phản đối của một vài nước. Với việc OPEC+ quyết định họp trực tiếp và bỏ qua cuộc họp Ủy ban Kỹ thuật JTC, vốn có nhiệm vụ phân tích cung – cầu để các Bộ trưởng các nước thành viên tham khảo, có thể thấy phần nào nhóm đã xác định rằng mục tiêu quan trọng nhất hiện tại là đạt được sự đồng thuận để cắt giảm sản lượng.
Tại thị trường trong nước, ngày 3/10, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 3/10.
Liên bộ Công Thương - Tài chính cho biết giá xăng, dầu bán lẻ chính thức áp dụng từ 15 giờ chiều ngày 3/10 tiếp tục giảm thêm 328 - 1.141 đồng/lít so với kỳ điều hành trước đó vào ngày 21/9.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 600 đồng/lít, dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít và dầu mazut ở mức 741 đồng/kg. Đồng thời không thực hiện chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, giá bán lẻ xăng, dầu áp dụng từ 15 giờ ngày 3/10 đều giảm so với giá bán hiện hành. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.732 đồng/lít, giảm 1.049 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng RON 95-III không cao hơn 21.443 đồng/lít, giảm 1.141 đồng/lít.
Giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 22.208 đồng/lít, giảm 328 đồng/lít. Giá dầu hỏa không cao hơn 21.688 đồng/lít, giảm 753 đồng/lít. Giá dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 14.094 đồng/kg, giảm 562 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành này, liên bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ. Giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm theo xu hướng giảm chung của thị trường thế giới để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp đang sử dụng nhiều dầu diesel. Sau nhiều lần điều chỉnh, giá xăng dầu hiện tại đã về mức tương đương tháng 9/2021.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 5/10 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.732 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 21.443 đồng/lít; giá dầu điêzen 0.05S không cao hơn 22.208 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 21.688 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.094 đồng/kg.
Bộ Công Thương cho biết, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu). Hiện 2 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, nhà máy Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận. Đồng thời Bộ tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Để giảm chi phí, bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu và đang xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT.