Ngày 5/10, UBND tỉnh Bình Định xác nhận, đã ban hành kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022.
Đối tượng khảo sát là người dân, người đại diện cho tổ chức đã trực tiếp giao dịch và nhận kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã và các cơ quan Trung ương trên địa bàn, từ ngày 1/1 đến ngày 31/8.
Phạm vi khảo sát tại các cơ quan thuộc UBND tỉnh Bình Định: cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị không phát sinh thủ tục hành chính với người dân); UBND các huyện, thị xã, thành phố (Bộ phận một cửa thuộc UBND cấp huyện và xã) và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Cục Hải quan, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết, động thái này nhằm đo lường khách quan mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ và chất lượng cung cấp dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước.
Từ đó, làm cơ sở xác định chỉ số cải cách hành chính, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh về thực hiện công tác cải cách hành chính.
Điều quan trọng, phát huy vai trò giám sát của người dân đối với hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước. Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính trong cung cấp dịch vụ hành chính công.
Theo yêu cầu của UBND tỉnh Bình Định, việc khảo sát, đo lường phải đảm bảo tính tin cậy, chính xác, phản ánh đúng thực tế hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan, đơn vị, địa phương được khảo sát.
Sau khi có kết quả, cơ quan hành chính nhà nước phải xác định được các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế và cải thiện chất lượng phục vụ, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho hay, về quy mô khảo sát sẽ tiến hành điều tra xã hội học với số lượng tối đa 5.000 phiếu.
Tùy theo điều kiện cụ thể, áp dụng phù hợp một hoặc nhiều phương thức điều tra xã hội học như: Phát phiếu điều tra xã hội học trực tiếp đến người dân, tổ chức để trả lời, phỏng vấn trực tiếp dựa theo bộ câu hỏi có sẵn, khảo sát trực tuyến trên mạng internet hoặc qua gọi điện thoại, các nền tảng ứng dụng trực tuyến (Zalo).
Phiếu điều tra xã hội học bao gồm các câu hỏi có sẵn phương án trả lời để người dân, tổ chức lựa chọn. Làm cơ sở phân tích, lấy kết quả đo lường mức độ hài lòng và sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công.
Khi có báo cáo chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (chỉ số SIPAS), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định sẽ biểu dương, khen thưởng đối với người đứng đầu các sở ngành, địa phương có chỉ số SIPAS cao và yêu cầu thực hiện các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra qua kết quả Chỉ số SIPAS của cơ quan hành chính nhà nước.