Lê Hiền (30 tuổi), từng làm công chức ở một sở, nay đã chuyển ra ngoài Bắc và làm cho một công ty tư nhân. Lúc trước, công việc của Hiền là một chuyên viên ở phòng cấp vốn thuộc sở. Công việc cũng áp lực, việc nhiều, tiền lương thấp (4 triệu đồng/tháng) và không có khoản nào thêm. Thi thoảng, tháng đi họp 1-2 lần, mỗi lần được thêm 200-300.000 đồng, Tết thì thêm được 3-4 triệu đồng từ tiền tiết kiệm của đơn vị.
Công việc của cô là làm việc với địa phương, thẩm định dự án. Ngoài ra cô còn tham gia công tác đoàn của đơn vị. Tuy công việc áp lực nhưng Hiền vẫn thích vì cô được cống hiến, công việc giúp cô sống có lý tưởng và phù hợp với tuổi trẻ. "Tôi vẫn thích làm việc nhà nước hoặc các công việc có liên quan tới nhà nước vì như vậy mình có thêm hiểu biết về tình hình đất nước, được cống hiến xây dựng đất nước", Hiền nói.
Suốt 7 năm đi làm, cô thường xuyên phải xin thêm tiền bố mẹ vì tiền lương không đủ sống. Dù ra ngoài làm được một thời gian nhưng Hiền vẫn thấy cô hợp với môi trường nhà nước, trừ... lương.
"Mặc dù vậy, tôi cho rằng công việc ấy cũng chỉ phù hợp với lúc trẻ. Giờ nếu làm lương vẫn 4-5 triệu thì tiền đâu mà về quê, tiền đâu mua nhà cửa, chăm lo cho con cái. Ba mẹ cho mãi đâu có được", Hiền tâm sự.
Theo tính toán, nếu cải cách tiền lương được thực hiện thì mức lương của công chức, viên chức có thể cao gấp 2-3 lần hiện nay. Thay vì tính lương theo hệ số nhân với lương cơ bản thì tiền lương sẽ được trả theo vị trí việc làm.
Hiện giờ, cô đã lập gia đình, đang làm cho một công ty thẩm định vốn. Với mức lương 18 triệu đồng/tháng, chồng cô làm được chừng 20 triệu đồng/tháng, hai vợ chồng có thể đủ sống ở một tỉnh.
Mới đây vợ chồng cô cũng mới vay mượn thêm chút tiền để mua căn nhà chung cư. Còn chuyện mua xe ô tô, Hiền cho rằng không cần thiết và cũng không dám nghĩ tới vì tiền không có.
Cũng như Hiền, nhiều công chức, viên chức cũng phải lăn lộn mưu sinh thêm và giữ công việc hiện tại.
Nguyễn Linh (Nam Từ Liêm) hiện đang làm ở một viện nghiên cứu cho biết, tiền lương của một viên chức như cô quá thấp, tháng chỉ được 4,6 triệu đồng. Đi làm 7 năm rồi mà mãi không thấy tăng lương.
"Tôi sống nhờ phần hỗ trợ của bố mẹ, gia đình chủ yếu sống nhờ tiền lương của chồng. Để có thêm khoản ra vào, tôi phải bán thêm hàng online, tháng kiếm thêm vài triệu đồng chi tiêu", Linh nói.
Linh cho biết, mấy lần cũng định nghỉ việc, nhưng chồng thì bảo: "Làm ở đó nhàn, em cứ để anh lo kinh tế, em làm ít thôi để còn lo cho con cái". Chồng bảo vậy cũng đành nghe, thấy cũng hợp lý nên cô đã gắn bó với công việc này đã được 7 năm.
"Làm lâu cũng thấy gắn bó, yêu cơ quan, yêu công việc. Mình được nghiên cứu khoa học, đúng với chuyên môn đào tạo. Được sống với đam mê dù nghèo chút nhưng vẫn vui", Linh nói.
Cô tâm sự, cơ quan cô có 20 người, trừ lãnh đạo, quản lý ra, phần đa đều làm thêm. Người bán vé máy bay, người thì bán mỹ phẩm online, người thì bán hoa quả... có người thì vay tiền đầu tư đất đai, bất động sản. "Nói chung cuộc sống vất vả lắm 'cảnh chân ngoài dài hơn chân trong' cũng chẳng sung sướng gì vì làm nhiều kiệt sức, không làm thì nghèo, đói nên phải cố thôi", Linh ngậm ngùi chia sẻ.
Mong ước của Linh và đồng nghiệp của cô là sớm tăng lương công chức, viên chức cho người lao động đỡ vất vả.