Chậm trễ tăng lương công chức, viên chức: “Sẽ không còn ai giỏi ở lại với bộ máy công quyền nữa"
Chậm trễ tăng lương công chức, viên chức: “Sẽ không còn ai giỏi ở lại với bộ máy công quyền nữa"
Minh Nguyệt
Thứ sáu, ngày 23/09/2022 13:08 PM (GMT+7)
Dù đã trễ và đất nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng theo các chuyên gia tiền lương, đây là thời điểm buộc phải tăng lương công chức viên chức, nếu không muốn “không còn ai giỏi ở lại với bộ máy công quyền nữa".
Các báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy trong 10 năm qua, tiền lương của công chức, viên chức cũng có sự thay đổi. Thực chất đây không phải tăng lương mà là sự điều chỉnh lương nhằm phù hợp với tình hình lạm phát, giảm sự mất giá của đồng tiền.
Cụ thể, trong 10 năm qua (từ tháng 5/2012-tháng 5/2022), mức lương cơ sở áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức tăng 440.000 đồng, từ 1.050.000 đồng đến 1.490.000 đồng.
Sau 2 lần lỡ hẹn tăng lương công chức, viên chức vào tháng 7/2020 và tháng 7/2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đa số cán bộ, công chức, viên chức mong đợi năm 2022 sẽ có thông tin, quy định tốt hơn, lương cơ sở tiếp tục tăng trở lại để phần nào đáp ứng nhu cầu chi phí leo thang từng ngày.
Tuy nhiên, cuối năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 34/2021/QH15 nhằm điều chỉnh các chính sách tiền lương phù hợp với tình hình thực tế. Căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Quốc hội nêu rõ: “Lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995”.
Như vậy, đối với nhóm đối tượng là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ thực hiện lùi cải cách tiền lương từ 1/7/2022 đến khi có văn bản hướng dẫn chính thức. Theo chỉ đạo thì việc lùi cải cách tiền lương sẽ không kéo dài quá lâu, nếu không sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người lao động, cán bộ, công chức, viên chức.
"Dù trễ cũng phải sớm tăng lương cho công chức, viên chức nếu không muốn không còn ai giỏi ở lại"
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Phạm Minh Huân - Nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng: "Tiền lương là món nợ lớn của Đảng, Nhà nước với công chức, viên chức".
Từ năm 2004 đến nay Quốc hội, Chính phủ đã ra tới cả chục nghị quyết nhằm cải cách tiền lương nhưng thực tế, việc cải cách tiền lương, tăng lương cho công chức, viên chức vẫn đi vào "ngõ cụt".
Hiện mức lương của cán bộ công chức, viên chức vẫn tính theo công thức sau: Tiền lương = Hệ số lương x Mức lương cơ sở + các khoản phụ cấp - các khoản đóng BHXH, khác (nếu có). Trong đó, mức lương cơ sở 2022 là 1,49 triệu đồng/tháng.
Trước đây, do điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam có nhiều sự khác biệt, lạm phát cao, lương phải thay đổi liên tục nên những nhà làm chính sách lúc đó mới nghĩ ra cách tính lương lấy một mức lương cố định (hệ số), cộng với mức lương thay đổi (bậc lương) để tính lương.
Cụ thể là: Tổng tiền lương = Hệ số lương x Mức lương cơ sở + các khoản phụ cấp - các khoản đóng BHXH, khác (nếu có). Trong đó, mức lương cơ sở 2022 là 1,49 triệu đồng/tháng. Cách tính này vẫn được áp dụng từ xưa tới nay.
Đây là cách tính chỉ Việt Nam áp dụng, các nước không ai làm vậy. Tuy vậy, qua thời gian cách tính tiền lương này đã lỗi thời, bộc lộ nhiều điểm hạn chế, không thể hiện được đúng bản chất tiền lương, giá trị sức lao động của công chức, viên chức. Bởi vậy, cần sớm cải cách tiền lương, đưa tiền lương về đúng giá trị thực của nó.
"Nếu giờ chưa có điều kiện cải cách, thì cần phải điều chỉnh tiền lương. Trước mắt nâng nền tiền lương cơ sở lên, tổ chức tăng lương cho người có mức lương hưu thấp và cán bộ công chức có mức lương thấp", ông Huân nói.
Tuy nhiên, ông Huân cũng bày tỏ quan điểm đồng cảm với những khó khăn của Nhà nước đang gặp phải. Ông Huân ví von: "Nhà đông con, tiền không có thì làm sao được. Bao nhiêu lần ra nghị quyết, bao nhiêu người bàn lên bàn xuống mãi nhưng có làm được đâu".
Sắp xếp bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, lấy nguồn tăng lương
Về câu chuyện tạo nguồn, ông Huân cho rằng "kinh tế khó khăn, đi vay đầu tư thế giới còn cho vay chứ giờ bảo đi vay về để ăn với trả lương ai người ta cho vay". Chính bởi vậy, ông Huân vẫn giữ vững quan điểm nên thực hiện cải cách từng bước, theo lộ trình, bằng cách điều chỉnh nền tiền lương cơ bản.
"Quan trọng nhất là sắp xếp lại bộ máy hành chính, đừng để cắt 1 lại phình 3. Tiếp sau đó là phải tạo nguồn, tiết kiệm khoản chi dành nguồn cho tăng lương. Thứ 3 là phải tập trung nguồn lực phát triển kinh tế. Gốc rễ của vấn đề là 'tiền' muốn có tiền thì kinh tế phải phát triển. Kinh tế phát triển, doanh nghiệp làm ăn tốt hơn, đóng thuế nhiều hơn thì ngân sách mới có tiền mà cải cách tiền lương", Ông Huân phân tích.
Ngoài ra, theo ông Huân cũng cần chú ý tới việc sắp xếp lại vị trí, chức danh để trả lương theo vị trí việc làm. Hiện nay, Việt Nam cũng bắt đầu trả lương theo vị trí nhưng cách làm có thể chưa trúng, chưa hiệu quả. Việc trả lương còn mang tính chất cào bằng, chưa thể hiện được hết sự khác biệt ở từng vị trí việc làm.
"Tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin, cách mạng 4.0 để sắp xếp lại bộ máy tổ chức, tinh gọn, cắt giảm biên chế. Làm tốt công việc này là công cuộc cải cách tiền lương đã thành công được một nửa. Tiền tăng lương công chức, viên chức chính là ở đó", ông Huân nói.
Đề cập tới câu chuyện, công chức, viên chức bỏ việc ra xin làm ở ngoài, ông Huân cho rằng vấn đề này không hề lạ. Đây là vấn đề ông và nhiều chuyên gia về tiền lương đã dự báo được cách đây cả chục năm trước.
"Nếu không tăng lương cho công chức, viên chức, sẽ tới một lúc chẳng còn ai giỏi ở lại với bộ máy công quyền nữa. Lao động có quyền được lựa chọn môi trường làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn. Không thể có ông lương 4-5 triệu lại đi quản lý ông lương 100 triệu đồng/tháng được", ông Huân nói.
Theo cách tính lương bằng hệ số và lương cơ bản như trên, thì với ngạch công chức, mức lương cao nhất là của chuyên gia cao cấp với hệ số 10,0 và mức lương thấp nhất là nhân viên bảo vệ kho dự trữ với hệ số là 1,35.
Như vậy, mức tiền lương tương ứng với mức lương công chức thấp nhất từ hơn 2 triệu đồng và cao nhất là 14,9 triệu đồng. Mức lương viên chức cũng chỉ từ 2,2 triệu đồng đến 11,9 triệu đồng.
Hiện mức lương thấp nhất của công chức đại học chỉ gần 3,5 triệu đồng. Trong khi đó, lương đủ sống của lao động ở TP.Hồ Chí Minh năm 2020 phải đạt ít nhất 7,5 triệu đồng mỗi tháng, theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động.
Lương thấp, nhưng lại có quá nhiều các khoản phụ cấp. Ở một số vị trí việc làm, phụ cấp thậm chí còn cao hơn cả lương chính. Trong khi đó, theo khảo sát của Viện Công nhân, công đoàn thì tiền lương khối nhà nước mới đảm bảo khoảng 50-60% nhu cầu sống tối thiểu, không đủ tái tạo sức lao động và không có tích lũy, không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.