TS Trần Anh Tuấn: "Lương thấp, công chức, viên chức vẫn mua được nhà, xe... cần xem họ có hoàn thành nhiệm vụ không"

Minh Nguyệt Thứ ba, ngày 04/10/2022 13:07 PM (GMT+7)
"Tiền lương thấp mà công chức, viên chức mua được nhà, được xe ô tô... nhưng không tham nhũng thì cũng có thể họ đầu tư bất động sản, đầu tư chứng khoán mà có, nhưng cần xem xét đánh giá phân loại công chức xem họ có hoàn thành nhiệm vụ không".
Bình luận 0

Đây là thông tin được Tiến sĩ (TS) Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ với PV Báo Dân Việt.

Tiền lương công chức, viên chức thấp không phải là nguyên nhân duy nhất khiến họ nghỉ việc

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng rằng con số gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc là chuyện hết sức bình thường trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay, "có anh ra thì lại có chị vào". Nhà nước cần có những quan tâm để tiếp tục có những cải cách về công vụ phù hợp và thích ứng với cơ chế thị trường định hướng XHCN.

Gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc chiếm khoảng 2% so với tổng số biên chế trong thời gian hơn 2 năm. Số nghỉ việc này có nhiều nguyên nhân, có thể do môi trường làm việc không tốt; cơ chế cứng nhắc; cũng có thể do lương thấp; hoặc do bất đồng với sếp... Để giải quyết được vấn đề cần tìm ra nguyên nhân, đưa ra cách giải quyết.

TS Trần Anh Tuấn: "Lương thấp, công chức, viên chức vẫn mua được nhà, xe... cần xem họ có hoàn thành nhiệm vụ không" - Ảnh 1.

Tiến sĩ TSTrần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: NVCC

"Tôi cho rằng gọi là "làn sóng nghỉ việc" không phù hợp, tạo tác động xấu và tạo sức ép lớn không chỉ đối với các cơ quan quản lý mà cả đối với mọi người. Cần lưu ý là có "thôi việc" thì sẽ có "tuyển dụng", "có anh ra thì lại có chị vào", ông Trần Anh Tuấn nói.

Lâu nay các cơ quan vẫn tổ chức tuyển dụng mới. Thống kê trong cùng khoảng thời gian từ dịch Covid-19 đến nay, các cơ quan nhà nước đã tuyển dụng mới khoảng trên 5.000 biên chế. Và việc tuyển dụng cũng có sức cạnh tranh rất lớn.  

Vào công chức, viên chức mà muốn làm giàu thì chỉ có vi phạm pháp luật; muốn lương cao hơn thì nên chuyển sang doanh nghiệp; còn nếu tập trung quá vào chức vụ, tìm mọi cách tiến lên mà coi nhẹ trách nhiệm và sự cống hiến thì sẽ không bền, dễ vướng sai phạm và bị xử lý.

Con số công chức, viên chức thôi việc này trong khoảng hơn 2 năm và chỉ chiếm khoảng 2% tổng biên chế công chức, viên chức cả nước (khoảng 0,8%/năm). Trong khi chỉ tiêu tinh giản biên chế đặt ra từ 2021 đến 2026 là phải giảm 15%.

"Trong bối cảnh mới lao động có quyền lựa chọn công việc phù hợp, mức lương cao hơn. Lao động ở khu vực công hay tư cũng đều đáng quý, đáng coi trọng, vì đều góp phần xây dựng và phát triển đất nước, phục vụ nhân dân", ông Trần Anh Tuấn nói thêm.

Tiền lương thấp, công chức viên chức không thể giàu?

Xung quanh câu chuyện công chức viên chức tiền lương thấp, vì sao vẫn mua được nhà, được xe, ông Tuấn cho rằng, chuyện này cũng là bình thường bởi giờ đây cơ hội công việc mở hơn rất nhiều.

Lao động có thể làm thêm công việc bên ngoài, đầu tư chứng khoán, bất động sản... hay bất cứ công việc nào miễn là không vi phạm pháp luật, vi phạm Luật  công chức, viên chức và không bị Nhà nước cấm.

Tuy vậy, theo ông Tuấn, cũng cần xem xét lại việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc của công chức, viên chức. Nếu công chức, viên chức đó hoàn tốt nhiệm vụ được giao thì tốt, còn không nếu không hoàn thành nhiệm vụ cũng cần xem xét lại.

tiền lương, tăng lương công chức, viên chức

Công chức, viên chức là một loại lao động vinh dự, phải có tinh thần cống hiến và phục vụ nhân dân. Ảnh: NN

"Trong trường hợp nếu đánh giá xếp loại công chức mà chưa hoàn thành nhiệm vụ, nhưng công chức, viên chức thì rõ ràng chúng ta chưa tận dụng hết trí tuệ, năng lực của họ. Nếu đã không hoàn thành nhiệm vụ mà lại giàu lên nhanh chóng thì cần phải xem lại thái độ làm việc của người đó. Bản thân đơn vị quản lý công chức, viên chức đó cũng cần xem lại việc bố trí công việc, quản lý nhân sự", ông Tuấn nói.

Ông Trần Anh Tuấn cũng đưa ra quan điểm mạnh mẽ và cho rằng "Vào công chức, viên chức mà muốn làm giàu thì chỉ có vi phạm pháp luật".

Một lần nữa ông lại nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tiền lương, tuy nhiên nếu nói công chức, viên chức thôi việc mà chỉ đề cập đến mỗi nhân tố tiền lương thì chưa đầy đủ.

"Ai cũng hiểu cuộc sống, tiền là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Và lao động của công chức, viên chức là một loại lao động vinh dự, trong đó luôn có tinh thần cống hiến và phục vụ nhân dân. Do đó, phải xem xét đến các nhân tố khác như nhận thức, tư tưởng và động cơ tham gia vào công vụ, môi trường làm việc, động lực làm việc...", ông Tuấn Anh nói.

Theo ông Tuấn Anh và các chuyên gia, người vào cơ quan nhà nước phải xác định động cơ, tư tưởng để cống hiến, phục vụ nhân dân, đất nước là chính. Tuy nhiên, Nhà nước cũng cần điều chỉnh chế độ tiền lương để dù tiền lương công chức, viên chức không cao như khu vực tư nhưng phải có tính cạnh tranh ở một mức độ nhất định.

Riêng với TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTBXH thì cho rằng dù công chức, viên chức làm công việc công vụ, mang tính cống hiến nhưng tiền lương cũng không thể thấp hơn lương tối thiểu vùng của công nhân, lao động được. Cần tăng lương công chức, viên chức trong thời gian sớm nhất. 

"Hiện nay, phân hóa tiền lương và mức sống của người hưởng lương giữa khu vực công và khu vực thị trường rất lớn nên dẫn đến hậu quả rất nguy hại là: Để bù đắp tiền lương, người hưởng lương khu vực công sẽ không chuyên tâm trong công việc, nảy sinh tiêu cực, bỏ bê công việc, thậm chí tham nhũng quyền lực rất lớn. Hoặc một bộ phận không nhỏ có xu hướng bỏ khu vực công sang khu vực thị trường, nhất là người có trình độ cao, người tài; đồng thời không thu hút được đối tượng này vào khu vực công", ông Dũng nói.

Ông Dũng cho rằng, năm 2023, dịch bệnh Covid-19 chưa thể chấm dứt, nền kinh tế phục hồi nhưng còn rất khó khăn. Bởi vậy, việc cải cách tiền lương theo lộ trình mà Nghị quyết số 27-NQ/TW xác định cũng không dễ dàng; do đó điều chỉnh bước đi để bảo đảm tính khả thi.

Trước mắt cần thực hiện ngay việc bảo đảm tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức không thấp hơn mức lương bình quân thấp nhất (tối thiểu) của 4 vùng khu vực DN. Đồng thời, thực hiện giảm biên chế khu vực công theo quy định và chuyển mạnh những đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công sang thực hiện tự chủ về tiền lương…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem