Động thái và bằng chứng mới đây nhất là việc lần đầu tiên Mỹ tổ chức cuộc gặp cấp cao với các đảo quốc ở khu vực Nam Thái Bình Dương và lần đầu tiên đưa ra chiến lươc đối với riêng các đảo quốc này.
Sự kiện trên diễn ra ở Mỹ và kết thúc với bản tuyên bố chung bao gồm 11 điểm nội dung. Trong đó thể hiện những cam kết về chính trị và tài chính của Mỹ cho khu vực này để giúp các đảo quốc phát triển kinh tế xã hội và đối phó với những thách thức và đe doạ, những khó khăn và phức tạp nảy sinh từ tác động của biến đổi khí hậu trái đất, của tình hình chính trị an ninh và địa chính trị thế giới. Trong tuyên bố chung này cũng như trong văn bản chiến lược kia, những thể hiện ý định của Mỹ rất rõ ràng và những cam kết tài chính của Mỹ dành cho các đảo quốc kia rất cụ thể.
Thiên hạ qua đó có thể dễ dàng nhận thấy Mỹ đã xác đinh vùng các đảo quốc này là một trọng tâm mới trong chiến lược của Mỹ cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và dành ưu tiên mới cho quan hệ hợp tác của Mỹ với các đảo quốc này. Qua đó cũng còn có thể thấy trong thế giới hiện đại ngày nay, đối tác nhỏ có thể có được vị thế và giá trị đặc biệt trong cuộc chơi địa chiến lược toàn cầu của các đối tác lớn.
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực rất rộng, bao trùm rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tạo nên các tiểu khu vực hay tiểu vùng ở trong đấy. Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia chủ ý liên kết và hợp tác tạo thành bốn trụ cột chính cho mọi cấu trúc chung của khu vực.
Muốn thành công mỹ mãn, bốn nước này phải gây dựng và duy trì được vai trò dẫn dắt, vì thế phải tranh thủ và lôi kéo các nước trong khu vực lớn vào cuộc, phải tạo dựng những co cụm khu vực làm những trụ cột phụ như vùng Đông Bắc Á, khu vực Nam Á, Đông Nam Á và nam Thái Bình Dương.
Để đối phó Trung Quốc ở khu vực này, mọi quốc gia và đối tác trong khu vực, bất kể lớn hay nhỏ, đều có giá trị rất quan trọng đối với Bộ Tứ này, đặc biệt là Mỹ. Thời gian qua, Trung Quốc cho thấy rất chủ động và khá thành công với công cuộc chinh phục các đảo quốc ở vùng nam Thái Binh Dương.
Trung Quốc đã tạo ra cục diện quan hệ hoàn toàn mới giữa các đảo quốc này với các đối tác bên ngoài khu vực, kích hoạt cuộc ganh đua ảnh hưởng quyết liệt giữa các đối tác bên ngoài ở khu vực và làm cho các đảo quốc tự tin hơn trong việc chơi con bài đối trọng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Sự o ép của thời cuộc đã buộc Mỹ phải làm đồng thời hai việc là thúc đẩy mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa tiến trình định hình các cấu trúc phát triển cần thiết cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tranh thủ các đảo quốc ở vùng nam Thái Bình Dương, đưa ra chiến lược riêng đối với các đảo quốc này, phân rẽ họ với Trung Quốc và dần thể chế hoá mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ với tất cả các đảo quốc kia, khởi đầu bằng chính cuộc gặp cấp cao vừa qua giữa Mỹ và các đảo quốc ấy.
Mỹ và Trung Quốc theo đuổi mục đích gần như không khác biệt gì nhau trong thực chất, nhưng cách làm của Mỹ khác Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc mời chào hợp tác với các đảo quốc bằng những dự án hợp tác đầu tư và đầu tư trực tiếp rất cụ thể với khối lượng vốn cũng rất cụ thể, tập trung vào những lĩnh vực mà Trung Quốc có thế mạnh nổi trội và đều có thể liên kết với lĩnh vực được Trung Quốc đặc biệt coi trọng và ưu tiên là hợp tác về quân sự và an ninh thì đề nghị mời chào hợp tác của Mỹ lại khá chung chung, cam kết vốn đầu tư và viện trợ phát triển dưới dạng cả gói chứ không đi vào chi tiết cụ thể.
Mỹ chủ ý tập trung vào những dự án phát triển cơ sở hạ tầng mà các đảo quốc hiện rất cần và vào vấn đề chống biến đổi khí hậu vốn được các đảo quốc hiện quan ngại sâu sắc nhất, thúc đẩy hợp tác khu vực, tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và từ đó mới nhằm tới hoà bình và an ninh ở khu vực.
Mỹ muốn tạo ra sự lựa chọn thay thế khả dĩ hơn hẳn Trung Quốc cho các đảo quốc, để các đảo quốc có thể lựa chọn hợp tác với Mỹ mà không khó xử với Trung Quốc. Mỹ nắm thóp chung của các đảo quốc này là dẫu có bị Trung Quốc quyến rũ đến mức nào thì các đảo quốc vẫn phải coi trọng Mỹ và không thể nhất biên đảo về phía Trung Quốc.
Ưu tiên mới, trọng tâm mới, chiến lược mới này của Mỹ biến khu vực nam Thái Bình Dương trở thành chiến địa cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới. Chúng buộc Trung Quốc phải toan tính lại và hành động khác trước ở khu vực này.