Trên thị trường thế giới, giá dầu thô tiếp tục tăng trong phiên giao dịch sáng nay sau khi leo đỉnh 3 tuần vào phiên trước, vì OPEC+ thông qua kế hoạch giảm sản lượng sâu nhất kể từ 2020 bất chấp thị trường thắt chặt và sự phản đối từ các nhà tiêu thụ lớn như Mỹ.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 6/10/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 87,12 USD/thùng, tăng 0,28 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 5/10, giá dầu WTI giao tháng 12/2022 đã tăng 1,79 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 93,73 USD/thùng, tăng 0,36 USD/thùng trong phiên nhưng đã tăng tới 2,12 USD so với cùng thời điểm ngày 5/10.
Giá dầu ngày 6/10 có xu hướng tăng mạnh chủ yếu do lo ngại nguồn cung thắt chặt hơn sau những quyết định mới nhất từ OPEC+ và EU.
Cụ thể, kết thúc cuộc họp chính sách ngày 5/10, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm mạnh sản lượng ở mức 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11/2022, vượt xa các dự báo được đưa ra trước đó.
Quyết định này của OPEC+ được xem là một biện pháp hỗ trợ giá dầu, tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, nó cũng tạo thêm áp lực không nhỏ lên lạm phát và sẽ đẩy kinh tế toàn cầu tiến nhanh hơn đến bờ vực suy thoái kinh tế.
Tại châu Âu, sau nhiều tranh cãi, EU cũng đã đạt được sự đồng thuận về việc áp giá trần đối với việc bán dầu của Nga cho các nước thứ 3.
Theo quy định, tàu vận tải của các nước thành viên EU sẽ từ chối vận chuyển dầu Nga nếu mức giá vượt giá trần. Hiện tại, mức giá trần là bao nhiêu vẫn chưa được EU tiết lộ.
Ở diễn biến mới nhất, phản ứng trước quyết định của định của EU, Phó thủ tướng Nga cho biết Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu để bù đắp cho những tác động tiêu cực từ trần giá mà phương Tây áp đặt lên dầu Nga.
Giá dầu hôm nay cũng được thúc đẩy mạnh bởi thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô Mỹ trong tuần trước đã giảm 1,4 triệu thùng, xuống còn 429,2 triệu thùng; dự trữ xăng giảm 4,7 triệu thùng; các sản phẩm chưng cất gồm dầu diesel và dầu sưởi giảm 3,4 triệu thùng.
Trước đó, theo dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dự trữ dầu thô Mỹ trong tuần kết thúc ngày 30/9 đã giảm khoảng 1,8 triệu thùng; dự trữ xăng giảm khoảng 3,5 triệu thùng; và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm khoảng 4 triệu thùng.
Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất trong 3 tuần trong phiên 5/10, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng sâu nhất kể từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, bất chấp nguồn cung trên thị trường bị thắt chặt, cùng với sự phản đối từ Mỹ và các quốc gia khác.
Trong cả hai phiên giao dịch gần đây nhất, giá của hai loại dầu chủ chốt WTI và Brent đều bật tăng mạnh.
Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày có thể thúc đẩy sự phục hồi của giá dầu, vốn đã giảm từ 120 USD/thùng cách đây 3 tháng xuống 90 USD/thùng do lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu, lãi suất Mỹ gia tăng và đồng USD mạnh hơn.
Tính đến hiện tại, giá dầu đã tăng hơn 13% so với vùng đáy tháng 9, chủ yếu nhờ vào thông tin OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ thị trường. Chính sách của OPEC+ đã được thông qua, các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách để hạ nhiệt thị trường. Tuy vậy, trong tình hình hiện tại, Mỹ không có quá nhiều lựa chọn.
Phương án tác động trực tiếp đến giá dầu một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất của Mỹ là tiếp tục mở kho dầu dự trữ chiến lược (SPR). Tuy vậy, hiện tại, tồn kho SPR hiện chỉ hơn 422 triệu thùng, mức thấp nhất từ năm 1985, khó có thể mong đợi một đợt mở kho dầu với số lượng lớn.
Biện pháp khác có thể giúp hạ nhiệt giá trong nước là cấm hoặc hạn chế các công ty trong nước xuất khẩu dầu. Tuy vậy, Viện Dầu khí Mỹ và Cơ quan Sản xuất nhiên liệu và hóa dầu Mỹ đã gửi thư đến Bộ trưởng Năng lượng Mỹ nhằm phản đối ý định này. Theo họ, chính sách này sẽ chỉ khiến ngành năng lượng trong nước chịu thiệt hại, trong khi khiến Mỹ mất lòng với đồng minh.
Phương án khác khả thi hơn là thuyết phục càng nhiều nước càng tốt tham gia vào kế hoạch áp đặt trần giá lên dầu Nga cùng với G-7, với hy vọng có thể sử dụng mức giá trần này để “mặc cả” với các nhà sản xuất khác. Tuy nhiên, các quy định chồng chéo nhau giữa các gói cấm vận cũng như các trường hợp miễn trừ, ngoại lệ, khiến cho tác động thật sự của chiến lược này vẫn là một điều khó nói trước.
Tại thị trường trong nước, ngày 3/10, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 3/10.
Liên bộ Công Thương - Tài chính cho biết giá xăng, dầu bán lẻ chính thức áp dụng từ 15 giờ chiều ngày 3/10 tiếp tục giảm thêm 328 - 1.141 đồng/lít so với kỳ điều hành trước đó vào ngày 21/9.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 600 đồng/lít, dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít và dầu mazut ở mức 741 đồng/kg. Đồng thời không thực hiện chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, giá bán lẻ xăng, dầu áp dụng từ 15 giờ ngày 3/10 đều giảm so với giá bán hiện hành. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.732 đồng/lít, giảm 1.049 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng RON 95-III không cao hơn 21.443 đồng/lít, giảm 1.141 đồng/lít.
Giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 22.208 đồng/lít, giảm 328 đồng/lít. Giá dầu hỏa không cao hơn 21.688 đồng/lít, giảm 753 đồng/lít. Giá dầu mazút 180CST 3.5S không cao hơn 14.094 đồng/kg, giảm 562 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành này, liên bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ. Giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm theo xu hướng giảm chung của thị trường thế giới để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp đang sử dụng nhiều dầu diesel. Sau nhiều lần điều chỉnh, giá xăng dầu hiện tại đã về mức tương đương tháng 9/2021.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 6/10 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.732 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 21.443 đồng/lít; giá dầu điêzen 0.05S không cao hơn 22.208 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 21.688 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.094 đồng/kg.
Bộ Công Thương cho biết, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước gồm Nghi Sơn và Bình Sơn trong quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu). Hiện 2 nhà máy đều đang vận hành ở công suất tối đa, nhà máy Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong 6 tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận. Đồng thời Bộ tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Để giảm chi phí, bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường 2 lần, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu và đang xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT.