Dự án hầm chui đường Vành đai 2,5 - đường Giải Phóng có tổng giá trị phê duyệt gần 780 tỷ đồng từ nguồn từ ngân sách thành phố Hà Nội. Thời gian thi công trong giai đoạn 2022 - 2025.
Đơn vị thi hầm chui chính có sự xuất hiện của "ông lớn" về lĩnh vực hạ tầng giao thông trúng thầu là liên danh Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình 3.
Hầm chui có tổng chiều dài và đường dẫn khoảng 890m theo hướng đường Vành đai 2,5. Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A; điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu, cách vị trí giao cắt với quốc lộ 1A khoảng 460m.
Đoạn qua hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 2 làn xe rộng 3,5m/làn, đoạn ngoài hầm tổ chức giao thông mỗi chiều 3 làn xe rộng 3,5m/làn.
Chia sẻ tại lễ khởi công, đại diện Liên danh nhà thầu thi công, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cienco 4 cho biết: "Đây là dự án có địa hình phức tạp nút giao cắt giữa đường bộ và cả đường sắt đòi hỏi kỹ thuật tỷ mỷ để đảm bảo chất lượng và an toàn giao thông trong thời gian thi công".
"Khu vực thi công có mật độ giao thông rất lớn lại rất gần bến xe Giáp Bát, vì vậy, Cienco4 và các nhà thầu hứa thi công công trình đảm bảo an toàn, chất lượng và đảm bảo thẩm mỹ, tiến độ đề ra", ông Huỳnh chia sẻ.
Đánh giá về dự án, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội yêu cầu, Chủ đầu tư sau khi khởi công phải bắt tay ngay vào việc thực hiện dự án, phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành hoàn thiện mặt bằng còn tồn tại.
Dự án hầm chui đường Vành đai 2,5 - đường Giải Phóng là cầu hoàn thiện Vành đai 2,5 nhưng về đô thị sau khi thi công xong phải kết nối tốt với đường dự án, công trình hạ tầng giao thông xung quanh; cần tránh tình trạng cầu xây xong không có đường kết nối, hạ tầng không đồng bộ và dự án không thể liên kết với hệ thống hạ tầng trong khu vực.
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu Sở GTVT phối hợp với các đơn vị có liên quan lên phương án tổ chức giao thông phù hợp, đảm bảo an toàn, tránh ùn tắc kéo dài trong thời gian thi công công trình.
Trước đó, hầm chui tại nút giao Tố Hữu - vành đai 3 đã được thành phố thông xe vào sáng 5/10. Công trình giúp giảm tải ùn tắc tại nút giao Vành đai 3.
Được biết, Cienco4 thành lập từ năm 1962 với tiền thân là Cục công trình - Bộ Giao thông vận tải. Ngày 10/12/2018, cổ phiếu C4G giao dịch trên thị trường UPCoM. Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực Xây dựng các công trình giao thông trong và ngoài nước; Xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng, thủy lợi; Mua bán các sản phẩm xây dựng...
Chủ tịch của Cienco4 hiện là ông Nguyễn Văn Tuấn (SN 1970). Vốn chủ sở hữu của Cienco4 tính đến cuối tháng 6/2022 đạt 2.247,1 tỷ đồng.
Cienco4 làm chủ đầu tư lớn của hàng loạt BOT như BOT Nam Bến Thủy - tránh Thành phố Hà Tĩnh, dự án BOT QL38 Yên Lệnh - Vực Vòng, BOT Nghi Sơn - Cầu Giát.
Các dự án mà Cienco4 đã từng là nhà thầu triển khai gồm có: Gói thầu Xây lắp số 1 thuộc Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; Gói thầu xây lắp hạng mục giao thông, thoát nước thuộc dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý; Gói thầu số 08 thi công xây dựng hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3; Gói thầu XL-02 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; Gói thầu số 2-XL thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Phan Thiết – Dầu Giây...