Chân dung "ông chủ" hầm chui Lê Văn Lương vừa thông xe

A.Vũ Thứ tư, ngày 05/10/2022 13:57 PM (GMT+7)
Hầm chui Lê Văn Lương (Hà Nội) có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng vừa được thông xe sáng nay. Nhà thầu thi công phía sau hầm chui này là Công ty CP 414 - công ty liên kết của Công ty CP Tập đoàn Cienco4 (C4G). Nhà thầu này có gì đặc biệt?
Bình luận 0

Trước đó Dân Việt đã đưa tin, sáng 5/10, UBND TP.Hà Nội tổ chức Lễ thông xe hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 trị giá 700 tỷ sau khoảng 2 năm thi công.

Dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 được xây dựng theo hướng đường Lê Văn Lương, đi ngầm qua nút giao Khuất Duy Tiến - Tố Hữu.

Hầm chui có kết cấu bê tông cốt thép, xây dựng trực thông theo hướng đường Lê Văn Lương. Tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475 m, trong đó hầm kín dài 95 m, hầm hở và gờ chắn dẫn vào hầm kín dài 380 m (mỗi bên 190 m). Tổng mức đầu tư 698 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Mặt cắt ngang gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm rộng 7,75 m, gồm hai làn xe cơ giới, mỗi làn rộng 3,5 m. Phần hầm hở mỗi chiều rộng 7,75 m, phân cách hai chiều bằng dải phân cách rộng một mét.

Dự án được khởi công tháng 10/2020, nhà thầu thi công là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty cổ phần Fecon.

Chân dung "ông chủ" hầm chui Lê Văn Lương vừa thông xe - Ảnh 1.

Sáng 5/10, hầm chui Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) chính thức được thông xe. Công trình trọng điểm này có tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực đường Lê Văn Lương - Tố Hữu - Vành đai 3.

Chân dung "ông chủ" phía sau hầm chui  700 tỷ đồng

Nhà thầu thi công trực tiếp hầm chui 700 tỷ nói trên là Công ty cổ phần 414 (Công ty 414) - Công ty liên kết với Công ty CP Tập đoàn Cienco4 (UPCoM: C4G).

Công ty 414 thành lập ngày 10/11/2014, ngành nghề chính là xây dựng công trình đường bộ. Công ty có trụ sở tại Hoàng Mai, Hà Nội, người đại diện pháp luật là ông Võ Huy Bình (SN 1982).

Đến cuối năm 2021, Cienco4 sở hữu 51% cổ phần tại Công ty 414.

Về Cienco4, Công ty thành lập năm 1962 với tiền thân là Cục công trình - Bộ Giao thông vận tải. Ngày 10/12/2018, cổ phiếu C4G giao dịch trên thị trường UPCoM. Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực Xây dựng các công trình giao thông trong và ngoài nước; Xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng, thủy lợi; Mua bán các sản phẩm xây dựng...

Chủ tịch của Cienco4 hiện là ông Nguyễn Văn Tuấn (SN 1970). Vốn chủ sở hữu của Cienco4 tính đến cuối tháng 6/2022 đạt 2.247,1 tỷ đồng.

Cienco4 làm chủ đầu tư lớn của hàng loạt BOT như BOT Nam Bến Thủy - tránh Thành phố Hà Tĩnh, dự án BOT QL38 Yên Lệnh - Vực Vòng, BOT Nghi Sơn - Cầu Giát.

Chân dung "ông chủ" hầm chui Lê Văn Lương vừa thông xe - Ảnh 2.

Cienco 4, Công ty thành lập năm 1962 với tiền thân là Cục công trình - Bộ Giao thông vận tải

Các dự án mà Cienco4 đã từng là nhà thầu triển khai gồm có: Gói thầu Xây lắp số 1 thuộc Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; Gói thầu xây lắp hạng mục giao thông, thoát nước thuộc dự án Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý; Gói thầu số 08 thi công xây dựng hầm Lê Văn Lương – Vành đai 3; Gói thầu XL-02 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ; Gói thầu số 2-XL thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam đoạn Phan Thiết – Dầu Giây...

Và ngay sau khi hoàn thành dự án hầm chui 700 tỷ tại Lê Văn Lương, mới đây, liên danh Cienco4 - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Công trình 3 đã trúng thầu thi công xây dựng hầm chui Vành đai 2,5 Hà Nội. Gói thầu này có tổng giá trị 560 tỷ đồng, thời gian thực hiện gói thầu trong vòng 30 tháng.

Cienco4 làm ăn thế nào?

Năm 2019, Cienco4 đối mặt với nhiều thách thức khi dự kiến kế hoạch kinh doanh của năm không đạt như kế hoạch. Cụ thể, trong năm 2019 CINECO4 dự kiến lên được doanh thu bất động sản của các khu đô thị Long Sơn tại dự án Cầu Hiếu 2 (dự án đầu tư BT). Do vướng các thủ tục hành chính nên Cienco4 chưa kịp lên doanh thu trong năm 2019, qua đó khiến lợi nhuận của Cienco4 sụt giảm đáng kể.

Năm 2020, Cienco4 ghi nhận lợi nhuận sụt giảm khoảng 14% so với kết quả thực hiện năm 2019 chủ yếu đến từ giảm doanh thu hợp đồng xây dựng, doanh thu bán vật tư và giảm cả doanh thu phí BOT. Tuy nhiên, nhờ mảng bất động sản đã giúp kết quả kinh doanh của Cienco4 "giảm sốc" trước tác động của làn sóng Covid thứ nhất và thứ 2 trong năm 2020.

Năm 2021, lợi nhuận hợp nhất Cienco4 ghi nhận gần 62 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 4% so với năm trước đó.

Về tình hình kinh doanh năm 2022, trong quý II, Cienco4 ghi nhận doanh thu đạt 951,72 tỷ đồng, tăng 42,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 52,06 tỷ đồng, tăng 126,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 15,9% về 8,6%.

Cũng theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Cienco4 cho thấy, lãi công ty liên doanh, liên kết tăng 6,4 tỷ đồng lên 6,22 tỷ đồng (cùng kỳ âm 0,18 tỷ đồng); chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 12,3%, tương ứng giảm 2,33 tỷ đồng về 16,6 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Lý giải về doanh thu có được, lãnh đạo Tập đoàn Cienco4 cho biết: "Doanh thu tài chính tăng do tăng lãi tiền gửi, tiền cho vay và chi phí tài chính giảm so với cùng kỳ do giảm chi phí lãi vay".

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Cienco4 ghi nhận doanh thu đạt 1.378,92 tỷ đồng, tăng 33,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 84,35 tỷ đồng, tăng 85,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến 30/6/2022, Tập đoàn Cienco4 chỉ mới hoàn thành được 28,1% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Cienco4 ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 75,6 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 49,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 513,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 561,6 tỷ đồng, chủ yếu là phát hành thêm cổ phiếu huy động vốn.

Cũng liên quan đến Cienco 4, Công ty vừa ra thông báo sẽ tạm dừng kế hoạch đăng ký chào bán thêm cổ phiếu đến khi kết thúc cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường năm 2022.

Theo kế hoạch, ngày 17/10, Cienco4 sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 tại Hà Nội.

Tài liệu dự kiến trình cổ đông gồm tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung điều lệ, quy chế nội bộ về quản trị, quy chế hoạt động HĐQT, quy chế hoạt động Ban kiểm soát và dự thảo điều lệ; tờ trình về việc bầu bổ sung thành viên độc lập HĐQT; và Báo cáo tình hình sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 1.123,59 tỷ đồng lên 2.247,18 tỷ đồng.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, Cienco4 đã thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 50%, cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ nhận quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu (tổng số cổ phiếu chào bán 112,36 triệu cổ phiếu).

Tổng số tiền dự kiến huy động 1.123,59 tỷ đồng. Trong đó, Công ty dự kiến dùng 623,59 tỷ đồng thanh toán các chi phí, bổ sung nguồn vốn lưu động; 300 tỷ đồng thanh toán các khoản nợ của Công ty vay Ngân hàng; và 200 tỷ đồng thanh toán các khoản công nợ dự kiến phải trả cho các nhà thầu phụ và nhà cung cấp hàng hóa/dịch vụ.

Như vậy, nếu phát hành thành công, Công ty sẽ phát hành thêm 112,4 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 2.247,18 tỷ đồng lên 3.370,77 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem