Mô hình trồng kiểng thú giúp người kinh doanh hoa kiểng và thợ sửa kiểng ở làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp có thêm thu nhập từ công việc khéo tay này.
Là công việc cha truyền con nối và đã có 5 năm gắn bó với nghề tạo dáng kiểng thú, anh Nguyễn Khắc Hải - thợ sửa kiểng ở TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, tùy vào nhu cầu của người chơi mà người thợ sẽ tạo tác theo ý muốn.
Từ những cây bông trang chưa có hình dáng cụ thể nhưng chỉ qua 4 ngày, anh Hải cùng với 1 người thợ phụ đã tạo tác thành 1 bình trà cao gần 2m, đường kính hơn 2m.
Anh Hải cho biết, tác phẩm được tạo dáng đẹp hay không còn tùy thuộc vào tay nghề của người thợ, tay nghề và sự sáng tạo càng cao thì tác phẩm càng đẹp, càng tinh xảo, giá trị càng cao.
Người thợ làm cây kiểng thú ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) phải tập trung cao độ và dồn hết đam mê vào công việc. Ảnh: Ngọc Duy
Anh Hải cho biết thêm, tạo ra những tác phẩm có hồn, đòi hỏi người thợ phải có sự đầu tư, suy nghĩ bởi có những sản phẩm tạo hình những con vật không hề có thực ngoài đời, chủ yếu dựa vào trí tưởng tượng và thông qua những hình vẽ.
“Làm các tác phẩm phải tập trung cao độ, dồn hết niềm đam mê vào công việc. Nghề này khó ở chỗ đòi hỏi trí tưởng tượng vì có những con thú mình chưa từng gặp như kỳ lân, rồng, phụng... chỉ biết qua tranh vẽ, nên phải dựa vào sự tưởng tượng là chính”, anh Hải bộc bạch.
Cũng gắn bó với nghề tạo dáng kiểng thú được gần 5 năm nay, anh Huỳnh Ngọc Anh ngụ phường Tân Quy Đông được nhiều người biết đến là một thợ sửa kiểng thú giỏi ở địa phương.
Vốn xuất thân không phải là thợ sửa kiểng nhưng nhờ chịu khó học hỏi, tìm tòi mà đến nay anh đã làm thành thục các loại kiểng thú, không chỉ sản xuất tại vườn nhà để bán cho khách, anh còn nhận làm gia công cho các cơ sở lân cận.
Hiện nay, thị trường kiểng thú khá đa dạng, ngoài 12 con giáp còn có tứ linh: long - lân - quy - phụng hay các vật được tạo hình bằng cây xanh cũng được nhiều người chơi đặt làm như: bình trà, lộc bình, hình tháp... với nhiều mức giá khác nhau, từ vài triệu đồng mỗi sản phẩm cho đến vài chục triệu đồng, tùy vào kích thước cũng như độ khó tạo dáng của sản phẩm.
Những thợ sửa kiểng thú cũng được trả tiền công theo 2 hình thức là nhận khoán sản phẩm hoặc trả công theo ngày với mức từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/ngày, tùy vào tay nghề của thợ.
Các loại cây kiểng thú được khách hàng ưa chuộng do ít tốn công chăm sóc. Ảnh: Ngọc Duy
Các loại cây kiểng được sử dụng nhiều trong việc tạo dáng kiểng thú là hoa trang lá nhỏ, mai chiếu thủy, sanh...
Các chủ cơ sở kinh doanh cây kiểng thú ở Sa Đéc cho biết, sản phẩm kiểng thú bán khá đắt hàng, không chỉ ở khu vực miền Tây mà nhiều khách hàng ở tận miền Bắc cũng vào mua do những loại cây này dễ trồng, ít tốn công chăm sóc.
Được mệnh danh là vựa hoa kiểng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, những tác phẩm kiểng thú ở Làng hoa Sa Đéc đã góp phần làm cho bức tranh làng hoa thêm tươi mới, thu hút sự chú ý của nhiều người yêu hoa kiểng.