Ngày bé, vừa xem người ta gặt lúa, vừa gửi lại tuổi thơ ở những buổi chiều tắm táp bên sông, tôi như chú bé lạc vào xứ sở thần tiên. Làm sao mà quên được trò chơi ném bùn rã rời cả ngày trong dòng nước, đêm đến lại soi đèn bắt ếch, bắt cóc nhái…nấu cháo đậu xanh để húp no nê dưới ánh trăng vàng.
Và khi chảy qua Việt Nam, dòng nước được chọn là đường phân định biên giới tự nhiên giữa hai đất nước. Thả trôi ghe từ Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát xuôi theo dòng chảy, ống kính tôi thu vào hình ảnh vài phum sóc (thôn, bản, ấp) an bình của đồng bào Khmer sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông, khai thác đường thốt nốt, hay lấy dầu từ các trảng rừng được dòng sông bồi đắp.
Vùng nguyên liệu khóm ven sông Vàm Cỏ Đông.
Già làng Keo Ônle có lần kể: “Bà con nơi đây hầu hết có quan hệ họ hàng với người Khmer bên kia biên giới và lấy tên cha, tên ông nội đặt cho con.
Ở vùng đầu nguồn này cũng có loại cây Chhơ tial (họ dầu), bà con Khmer khoét lỗ thân cây rồi đốt, sau một tuần thì thu hoạch dầu bán cho các đội đóng ghe, thuyền để xảm tránh nước rò rỉ. Rồi ghe thuyền đó lại bán cho bà con đi bắt cá, đi thương hồ (mua bán), phục vụ đời sống”.
Ở Tây Ninh xưa và cho đến tận hôm nay, nghề đóng ghe, thuyền vẫn rất hưng thịnh. Chỉ riêng đoạn sông qua huyện Châu Thành, Bến Cầu rồi dài xuống Hòa Thành, có gần chục trại đóng ghe đến 300 tấn với các lễ ghim lô, lẫy ghe (hạ thủy), khai tâm (dựng cột), khai nhãn (vẽ mắt ghe)…
Chính đoạn sông trên đất Việt này đã chứng kiến hàng nghìn bà con Khmer đùm bọc, bảo vệ quân giải phóng xây dựng căn cứ Trung ương Cục. Rồi khi bị máy bay Mỹ ném bom chà xát, người Khmer Tây Ninh lại dắt díu nhau sang Prey Veng, Tboung Khmum, Svay Rieng, Kam Pong Cham, Otdor Mean Chay (Campuchia).
Cũng chính dòng sông dịu dàng này lại chở che ôm ấp người Khmer chạy nạn diệt chủng, sang cộng cư cùng người Việt, người Hoa, người Chăm ở Tây Ninh. Từ dòng sông thượng nguồn đã che chở mình, bà con lại sử dụng những nguyên liệu, sản vật để hình thành nên các món ăn ngon như bánh num chek (bột nếp giã trộn đường chiên phồng), mắm prahok, bún cá num bo choc.
Nói về cá, ngoài các loại thông thường như cá trắm, cá chình ở đầu nguồn hay cá vồ đém, cá tra, cá heo ở đoạn giữa dòng sông, khoảng mươi năm trước, cứ sau mưa đầu mùa, người dân ven sông Vàm Cỏ Đông lại kéo nhau ra sông vớt cá hồng vện. Hiện cá hồng vện có nguy cơ tuyệt chủng và đang được giới chơi cá cảnh săn lùng với giá của mỗi con có khi lên đến cả nghìn USD.
Tại khu vực Bến Sỏi bên bờ sông (huyện Châu Thành), từ mấy năm nay đã thành nơi quần tụ của giới nghệ nhân si mê cá. Ngư dân Nguyễn Văn Lềnh, chỉ tay về phía mặt nước, kể: “Sau cơn mưa, ghe bắt cá dày đặc, có khi chỉ vài chục km mà có đến 400-500 chiếc. Bắt riết đến năm 2010 thì cạn kiệt. Năm trước dịch tui qua Campuchia mua giống về nuôi, năm kia bán chục con được… 14 nghìn USD”.
2. Đi sâu vào nội địa, chảy ven thị xã Hòa Thành, sông Vàm Cỏ Đông yên lặng đến tĩnh mịch. Sự hiền lành của con sông dường như đã góp phần làm nên tính cách người Tây Ninh, với quá nửa dân số là tín đồ đạo Cao Đài. Như phiên chợ lá họp vào ngày 14 tháng Giêng năm Nhâm Dần vừa rồi, tôi đến chợ và lấy lá cây làm tiền rồi mua được gói xôi lá cẩm cùng thanh đường thốt nốt.
Người bán là thiếu nữ Cao Đài tên Loan vui vẻ lấy lộc, trao hàng và luôn miệng chúc khách bình an. Đến chợ, chỉ cần đưa chiếc lá, là nhận phần thức ăn nho nhỏ, chỉ là các sản vật bên sông: bánh tráng, rau dại, xôi bắp, chè nếp, gỏi đu đủ…
Người đi chợ như lạc vào một cõi khác, thoát tục, quên hết chuyện được mất, hơn thua với cùng quan niệm “Tiền chỉ là phương tiện phục vụ cuộc sống, là phù du như lá. Con người phải sống với đức thiện lương chứ không phải vì tiền mà đánh mất danh dự”.
Trong những ngày tháng Giêng, sau khi “mua sắm” tại chợ, người dân sống ven sông còn say mê với điệu múa trống Chhay-dăm (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia). Để biểu diễn múa trống Chhay-dăm phải có ít nhất 12 người, mỗi người mang trên mình một chiếc trống.
Trống sử dụng trong múa Chhay-dăm được làm bằng thân cây cau, khoét rỗng ruột, bịt da trăn. Các động tác múa trống Chhay-dăm giống như múa võ, người chơi ngoài giữ tiếng trống luôn đều đặn, còn dùng cùi chỏ, đầu gối, gót chân để đánh vào trống của mình và của bạn đồng diễn.
Trong lúc nhào lộn, phần chân trống làm bằng kim loại chạm vào sàn diễn tạo âm thanh lốp cốp đặc trưng riêng. Những câu chuyện múa trống là minh họa cho một cuộc sống dựa vào săn bắt hái lượm từ dòng sông của người Khmer Tây Ninh.
Rời Hòa Thành xuôi Vàm Cỏ Đông, triệu triệu khóm lục bình hoa tím ngát, lững lờ nương theo con nước, chảy vào địa phận xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu với lợi thế được dòng sông mẹ ôm ấp. Thời Minh Mạng, thôn Cẩm Giang được sáp nhập thêm phần đất của làng Hưng Mỹ. Chính vì vậy, xã Cẩm Giang ngày nay có tới hai ngôi đình của hai làng.
Đình Trung Cẩm Long có khoảng trăm năm trước, mặt tiền đình hướng ra sông Vàm Cỏ Đông, thờ thành hoàng. Riêng đình Cẩm An Hưng Mỹ thờ Nguyễn Huỳnh Đức, một khai quốc công thần thời Gia Long Nguyễn Ánh, có mặt sau giáp sông.
Việc năm 1834 nhà Nguyễn cho xây thành Bảo Định Liêu, cho thấy vùng đất Cẩm Giang xưa đã hết sức quan trọng về mặt quân sự chứ không hề đơn giản chỉ là thôn dân cư. Triều đình xưa còn cho quan từ Huế vào trấn nhậm, xây chùa Cẩm Phong. Chùa được xây dựng năm 1849 theo phái Cổ Sơn Môn, tọa lạc ngay bờ sông Vàm Cỏ Đông.
Nơi đây, từ những hạt gạo ngọt thơm hòa với nước sông, nghề truyền thống làm bánh tráng theo chân người di cư Ngũ Quảng vào, định hình ngót trăm năm. Ngày 22/2/2022 vừa qua, UBND tỉnh Tây Ninh đã trao bằng công nhận nghề làm bánh tráng thủ công tại ấp Cây Trắc, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu là nghề truyền thống.
Nguyên liệu làm bánh là bột gạo, tráng thủ công trên nồi hơi, đặt trên vỉ nứa, sau đó đem ra phơi nắng cho bánh khô giòn (muốn ăn mềm thì đem đi phơi sương). Và ăn bánh tráng đặc biệt không thể thiếu món rau sông Vàm Cỏ Đông.
Mà thật kỳ lạ, sau Gò Dầu có bánh tráng ngon, dòng Vàm Cỏ Đông chảy ngang thị xã Trảng Bàng giáp ranh lại có món rau sông, rau rừng danh bất hư truyền. Gọi là thị xã, nhưng thật ra đại đa số người dân ở đây sống bằng nghề nông, làm bánh tráng và thu hái rau dại.
Rồi khi đã định hình món ăn bánh tráng phơi sương, thì hàng trăm loại rau rừng sông Vàm Cỏ Đông đã được nhà nông thu hái (sau là vun trồng). Rất dày công, tôi mới thuyết phục được anh Nguyễn Văn Tài (Hai Tài) đưa mình đi săn rau rừng bởi anh đã bỏ nghề hái, chuyển sang trồng. Chiếc ghe nhỏ chòng chành rẽ nước Vàm Cỏ Đông làm từng đàn cá thòi lòi giật mình, nhảy loi choi trên mặt bùn.
Lũ còng đỏ, còng xanh thấy người lạ cũng giương cao đôi mắt rồi khẽ thụt lùi vào hang, chừa lại đôi càng chiếc to chiếc nhỏ như cảnh giới. Nắng sớm ven sông Vàm Cỏ Đông đã soi rõ mặt người đàn ông khắc khổ. Rẽ qua một nhánh rạch, anh chụp bụi cỏ ven bờ đã hãm tốc độ xuồng, tay kia cầm cây sào dài có gắn lưỡi liềm bén, giật liên tục.
Chiếc xuồng còn trớn trờ đến cùng lúc với mấy chùm lá lộc vừng non rớt xuống khoang xuồng. Tôi đưa lá lên miệng nhai, vị chát và bùi rất nhẹ, mùi lá non đương thì con gái tinh khôi, có ướp vài giọt sương sớm còn đọng trên đó.
Hai Tài nói các loại rau rừng mọc ven sông Vàm Cỏ Đông này có hơn chục món ăn được với bánh tráng phơi sương, tỷ như bù lời, bía bái, lộc vừng, trâm ổi, bằng lăng, săng máu, cách, cóc dại… và có loại thì hái được bằng tay vì mọc thấp, có loại hái bằng sào vì nó chòi đạp vươn lên tìm ánh sáng. Xuồng đi cặp bờ. Hai Tài khom người vào phía trong nhìn nhìn ngó ngó, rồi dừng lại hái chùm lá mà anh nói là lá mặt trăng và lá săng máu.
Anh bảo nó khó nhận ra nhưng do săng máu có vị chua, mặt trăng lại chát chát, chua chua… nên có giá trị trong món bánh tráng cuốn rau rừng nhằm “hãm” lại cái sự béo của thịt mỡ. Khi cuốn một cuốn bánh tráng phơi sương mà có lá mặt trăng, cùng với vị nước mắm chua ngọt thanh nhẹ, sẽ kéo người ta vào cõi đê mê.
3. Đoạn đầu của nguồn chính Vàm Cỏ Đông khi vào Việt Nam gọi là sông Suối Mây, đi qua Tây Ninh với thủy trình khoảng 98 km. Đoạn tiếp theo dài khoảng 6 km là ranh giới hai tỉnh Tây Ninh, Long An. Dọc theo đoạn này, nhiều nghề thủ công ra đời phục vụ cho công cuộc khẩn hoang xưa hay cuộc sống sông nước của người dân như nghề đan đệm bàng vốn còn rất phổ biến ở đoạn sông giáp giữa Trảng Bàng (Tây Ninh) và Đức Hòa, Đức Huệ (Long An). Với những cọng bàng dẻo dai được phơi khô, người dân còn đan được đệm trải nằm, nóp, bao đựng lúa, võng…
Gần đây, đệm bàng còn được dùng làm túi xách, nón, ví… để xuất khẩu rất được ưa chuộng. Riêng phần sông kéo dài đến cuối huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước (Long An), chính là quê ngoại tôi. Tại Long An, sông Vàm Cỏ Đông kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây tạo thành sông Vàm Cỏ để đổ vào sông Soài Rạp và ra Biển Đông.
Chính nhờ nước từ dòng sông, những cánh đồng phì nhiêu vùng Bến Lức, Tân Trụ, Thủ Thừa, Cần Đước mới thành vựa khóm, vựa thanh long, vựa mía của khu vực. Tuổi thơ tôi là những ngày bên sông. Mỗi khi bắt được con tép bạc, cậu tôi lại cuốn vào lá ổi non, chấm muối cho tôi nhai… sống. Hay lúc cháy khát, nước từ mương vườn sau khi lóng phèn chính là thứ xoa dịu cổ họng.
Dòng sông êm ái đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi cho đến lúc vào đời, mãi mãi không bao giờ xóa nhòa ký ức. Dù là dòng đời, đôi lúc không êm ái như dòng sông!