Trên đồng nước lũ.
Nước lũ dâng ngập các cánh đồng, có nơi nước sâu 3m.
Đặt lọp tôm.
“Vài bữa tới con nước có nhiều cá là 1 giờ khuya đi đổ dớn. Giờ cá ít nên 4 giờ sáng mới đi thăm dớn. Mỗi ngày chỉ thăm một cử để kịp đem ra chợ bán”- chị Lệ (xã Nhơn Hội) chia sẻ.
Mỗi mẻ dớn thu hoạch được từ 1 – 2kg cá, tôm, cua đồng.
Ngoài cá, tôm… mùa lũ còn có nhiều sản vật, như: Ốc đồng, cua đồng, lươn, rắn…
Ốc được phân loại, rửa sạch trước khi cân bán cho thương lái.
“Mỗi ngày, vựa ốc đồng thu mua khoảng hơn 1 tấn ốc từ các xuồng đánh bắt và Campuchia về. Trừ hết chi phí, lợi nhuận cũng đủ nuôi sống gia đình”- ông Trần Anh Tuấn (chủ vựa ốc ở xã Nhơn Hội) nói.
Cho ốc vào bao.
Nhộn nhịp chợ cá đồng mùa lũ.
Sản vật mùa lũ có mặt trong thực đơn các nhà hàng, quán ăn ở thành phố.
Tại huyện đầu nguồn biên giới An Phú, nơi đón những dòng nước lũ đầu tiên là khu vực Kênh Bảy Xã và các xã: Khánh An, Long Bình, Nhơn Hội, Phú Hội, Vĩnh Hội Đông, Phú Hữu, Vĩnh Hậu…
Khi nước "nhảy" khỏi bờ là lúc người dân sống bằng nghề "bà cậu" tất bật khai thác bằng nhiều ngư cụ, như: Giăng câu, thả lưới, đặt lờ, lọp, dớn… trên những cánh đồng biên giới mênh mông nước.
Năm nay lũ về nhiều, nước “bơm” đầy các cánh đồng biên giới. “Lâu rồi mới đón một mùa lũ đẹp như vậy. Mặc dù nước ngập chia cắt nhiều nơi, nhưng mình cũng ý thức từ trước nên nhà cửa không bị ảnh hưởng. Lũ lớn là dịp để người dân sống nghề “bà cậu” được làm ăn, đánh bắt kiếm tiền mưu sinh”- ông Nguyễn Văn Thi (xã Vĩnh Hậu) nói.