Chiêm ngưỡng "báu vật" bên trong gia đình Việt giàu có ở thế kỷ 20
Triển lãm góp phần khơi gợi lại cuộc sống của các gia đình khá giả thành thị với nhiều hiện vật phong phú và những tư liệu được sưu tầm trong nước và nước ngoài, giúp công chúng hiểu rõ hơn về đời sống ở thế kỷ 20.
Nhiều hiện vật phong phú gợi nhớ cuộc sống của các gia đình khá giả thành thị, qua đó khắc họa một phần giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.
Triển lãm "Nếp xưa" được bắt đầu từ ngày 6/10, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân tới chiêm ngưỡng, tìm hiểu, sống lại một thời xa xưa.
Không gian phòng khách được xem như bộ mặt của ngôi nhà. Nơi đây thường bày đồ gỗ chạm trổ tinh xảo, đôi khi có thêm chiếc sập.
Hoành phi gỗ sơn son thếp vàng khắc hai chữ Hán "Hòa khí" đặt tại phòng khách, thể hiện mong muốn gia đình hòa thuận, vui vẻ.
Ngai, bài vị, chân dung người đã khuất đặt ở giữa. Xung quanh bày đồ thờ như: Bát hương, mâm bồng, lọ hoa, chân nến... Phía trên thường treo bức hoành phi câu đối.
Theo truyền thống xưa, các gia đình đều dành nơi trang trọng nhất của ngôi nhà để đặt ban thờ gia tiên. Thông thường đó là chiếc bàn hay tủ thờ được chạm khắc, sơn son, thếp vàng.
Bộ bàn ghế gỗ khảm trai ở không gian phòng khách. Người xưa khi mời rượu nhau thường gọi "chén tạc chén thù". Trong đó gia chủ rót rượu mời khách gọi là "thù". Khách đáp lễ là "tạc".
Tủ vừa dùng để được các món đồ kỷ niệm, vừa là vật trang trí cho không gian phòng khách.
Triển lãm góp phần khơi gợi lại cuộc sống của các gia đình khá giả thành thị với nhiều hiện vật phong phú và những tư liệu được sưu tầm trong nước và nước ngoài, giúp công chúng hiểu rõ hơn về đời sống thời kỳ này. Đồng thời truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cho lớp người sau, tạo sự kết nối giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện nay.
Triển lãm trưng bày giới thiệu gần 200 tài liệu hiện vật theo 4 nội dung chính: Phòng khách; Phòng thờ; Nhà biệt thự; Trang phục áo dài.