Dân Việt

Đồng Nai: Giá thu gom rác và xử lý chất thải 4 năm qua vẫn như cũ, doanh nghiệp muốn tăng

Nha Mẫn 13/10/2022 17:41 GMT+7
Nhiều doanh nghiệp xử lý rác cho rằng một trong những khó khăn của họ là giá thu gom rác và xử lý chất thải từ 2018 đến nay vẫn "giậm chân tại chỗ".

Xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải gặp nhiều khó khăn

Ngày 13/10, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với các sở ngành cùng đại diện các khu xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn về tình hình đầu tư và khả năng tiếp nhận chất thải.

Đồng Nai: Giá thu gom rác và xử lý chất thải 4 năm qua vẫn như cũ, doanh nghiệp muốn tăng - Ảnh 1.

Xử lý rác thải tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất. Ảnh: Tuệ Mẫn

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Trọng Toàn, Phó giám đốc Sở TNMT Đồng Nai cho biết, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 7 khu xử lý chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 4 khu xử lý chất thải còn tiếp nhận rác, 3 khu còn lại không trúng thầu hoặc không đủ điều kiện tiếp nhận. 

Một số khó khăn vướng mắc hiện nay là nhiều khu xử lý rác đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp,... nên hạn chế "sức" tiếp nhận rác. 

Trong đó, khu xử lý rác tại xã Quang Trung (huyện Thống Nhất) kiến nghị giảm công suất từ 1.200 tấn/ngày còn 800 tấn/ngày từ đầu năm 2023 để bảo dưỡng máy móc và đầu tư thêm một số công trình. Khu xử lý rác Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) xin tạm ngưng tiếp nhận rác để hoàn thiện hạ tầng. Khu xử lý rác Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) báo rằng khoảng 2-3 năm nữa hết đất chôn lấp rác. Khu xử lý Túc Trưng (huyện Định Quán) xin chủ trương đổi sang công nghệ đốt rác phát điện. 

Đại diện các khu xử lý chất thải sinh hoạt đưa ra những khó khăn, bất cập gồm: giá thu gom rác từ hộ gia đình và đơn giá xử lý chất thải từ năm 2018 đến nay không thay đổi trong khi mọi giá cả đều biến động nhất là xăng dầu, nhân lực... khiến doanh nghiệp gặp khó. 

Đồng Nai: Giá thu gom rác và xử lý chất thải 4 năm qua vẫn như cũ, doanh nghiệp muốn tăng - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn nhiều vấn đề trong đó có giá xử lý rác. Ảnh: Tuệ Mẫn

Bên cạnh đó, các địa phương đã và đang triển khai phân loại rác tại nguồn nhưng trên thực tế khi xe rác về khu xử lý thì rác hỗn hợp, không phân loại. Ngoài ra còn thiếu điểm trung chuyển chất thải. 

Đại diện các khu xử lý rác đề nghị tỉnh Đồng Nai điều chỉnh chu kỳ đấu thầu xử lý rác sinh hoạt lên 3-5 năm thay vì hàng năm như trước đây. Đồng thời, có hỗ trợ khấu hao tài sản khi doanh nghiệp đổi mới công nghệ theo chủ trương. 

Từ báo cáo của sở ngành cũng như ý kiến từ các khu xử lý rác thải, ông Võ Văn Phi nói, về phần rác thải sinh hoạt phải rà soát lại hoạt động, mức độ đầu tư máy móc của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện sẽ giao doanh nghiệp khác làm. 

Ông Phi cũng lưu ý doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, tăng tái chế và tái sử dụng để giảm chôn lấp rác mức thấp nhất, dưới 5%. "Riêng việc một số khu xử lý xin chuyển đổi, đầu tư thêm công nghệ đốt rác phát điện, cần cân nhắc hiệu quả kinh tế dựa trên nguồn nguyên liệu rác đầu vào, quy hoạch các điểm xử lý chất thải của tỉnh sao cho phù hợp", ông Phi nhấn mạnh.