Người đứng đầu Đảng bộ TP.Hà Nội nói như vậy tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại quận Hoàng Mai, chiều 12/10.
Theo đó, tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng Hà Nội cho rằng, đặc trưng lớn về bất cập ở Hoàng Mai là thiếu trường học. Ở Hoàng Mai dân cư rất đông, nếu không mở rộng đầu tư cho giáo dục, y tế thì rất khó khăn.
"Khi mình có trường học tốt thì nguồn nhân lực tốt lên. Khi có hệ thống y tế tốt thì đời sống, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Có di tích thì khách du lịch đến, kích thích tăng trưởng...", ông Dũng nói.
Nêu ví dụ về việc Gia Lâm xin muốn xây một ngôi trường cấp 3 mà địa phương xin 3 năm không được; huyện này xin bỏ tiền ra tự làm nhưng vướng thủ tục trên sở ngành nên 3 năm vẫn chưa xong... do nhận thức pháp luật, áp dụng quy định của pháp luật không đúng.
"Tư tưởng không thông thì vác bình tông không được. Nhận thức pháp luật không đúng nên áp dụng pháp luật không xong. Như thế là trì trệ, như thế là kìm hãm sự phát triển", ông Dũng nói và cho rằng, từ những vấn đề này dẫn đến mất việc, mà nhân dân oán trách.
"Thiếu trường, thiếu lớp, thiếu y tế nên nhân dân oán trách. Cho nên Hoàng Mai mới phải tổ chức bốc thăm vào lớp học mầm non. Tôi nghe báo chí đăng tải mà xót ruột quá", Bí thư Hà Nội chua chát nói.
Về kiến nghị của người dân liên quan đến đất xây trường học, đất bãi đỗ xe, Bí thư Hà Nội cho biết, ngay khi tiếp nhận được thông tin từ các kỳ tiếp xúc trước, ông đã chỉ đạo xử lý. Hiện Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) đã có văn bản báo cáo TP xin trả lại 7 bãi xe và 3 ô đất để xây trường học.
"Họ trả lại thì ta nhận. Mà chúng ta đang muốn thu lại", ông Dũng nói, đồng thời nhấn mạnh rằng "rất bực mình" bởi 10 - 15 năm mà không xây, để thiếu trường học.
Về việc này, Bí thư Hà Nội lưu ý, sau khi tiếp nhận 3 ô đất từ Tổng Công ty HUD phải giao ngay cho quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư xây dựng trường học. Bởi vì, nếu không phân cấp, phân quyền về cho quận thực hiện dự án thì rất dễ dẫn đến tình trạng như ở huyện Gia Lâm.
Cũng tại hội nghị, Bí thư Hà Nội cũng cho biết, vừa qua, TP đã khánh thành hầm chui Lê Văn Lương để giải quyết ùn tắc tại đây, hay khởi công hầm chui đường Vành đai 2,5 sau khi kéo dài hơn chục năm...
Trong thời gian tới, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo, thúc đẩy các dự án trọng điểm đang chậm. "Năm ngoái, nếu không quyết tâm, quyết liệt thì không thể đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động. Một dự án lớn khác là tuyến Nhổn - ga Hà Nội, phần nổi hơn chục cây số sẽ đưa vào hoạt động cuối năm nay, nhưng phần ngầm 4 cây số chậm hơn 4 năm nay", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, vừa qua, Hà Nội đã giải quyết một số vấn đề của dự án này. Về phần giải phóng mặt bằng, khi làm ngầm khiến nhà của một số hộ dân bị nứt, phải có chính sách cụ thể.
"50 hộ bị ảnh hưởng, 7 hộ thì khả năng phải đập đi xây lại, 43 hộ còn lại di cư, sau đó sẽ quay về", ông Dũng nói và cho biết, đây là dự án quan trọng, nếu không làm đường sắt đô thị sẽ không giải quyết được vấn đề giao thông, khói bụi, ô nhiễm...
Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nêu, một vấn đề cần giải quyết là phân cấp giải quyết thủ tục hành chính. "Người ta nói Hà Nội không vội được đâu. Tôi trăn trở với câu này, nghĩa đen cũng có nghĩa bóng cũng có", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, qua rà soát, vừa qua, thành phố đã tiến hành phân cấp hơn 600 thủ tục hành chính về quận, huyện. Trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, phân cấp triệt để hơn nữa.