Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri Hóc Môn chiều 12/10. Ảnh: Hoàng Hùng
Cử tri Phan Thị Yến Anh phản ánh tình hình biến động giá xăng dầu những ngày qua gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Theo cử tri, nhiều người dân buôn bán nhỏ, lẻ cũng bị ảnh hưởng vì không có đủ xăng để di chuyển, mỗi lần đổ cũng chỉ được mua 20.000 đồng-30.000 đồng khiến người dân có tâm lý mua xăng về tích trữ, rất nguy hiểm và mất an toàn.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, vấn đề về giá, nguồn cung xăng dầu thời gian qua đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trên cả nước và đặc biệt là TP.HCM.
"Chúng ta có nguồn dự trữ lớn của quốc gia, chúng ta cũng tự đáp ứng 2/3 nguồn cung xăng dầu chứ không hoàn toàn nhập khẩu. Nhưng tình trạng thiếu hụt vẫn xảy ra, lặp lại lần thứ hai thì có khuyết điểm trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan có chức năng", Chủ tịch nước nhận định.
Trước vấn đề cử tri nêu do chiết khấu quá thấp dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không muốn kinh doanh, Chủ tịch nước yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công thương và UBND TP.HCM phải có trách nhiệm về vấn đề này.
Chủ tịch nước đánh giá, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế phục hồi, sản xuất tiêu dùng tăng nhưng không dự đoán đúng được nhu cầu xăng dầu. Cùng với giá cả biến động trong khi điều hành không kịp thời nên dẫn đến tình trạng như hiện nay.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi sáng 12/10, Chủ tịch nước cho biết đã đề nghị Bộ Công Thương có giải pháp chỉ đạo, điều hành thị trường xăng dầu, không để tình hình xấu xảy ra, nhất là những thành phố đông dân như TP.HCM. Đồng thời cũng sẽ có ý kiến với Quốc hội để có chỉ đạo Chính phủ có những giải pháp kịp thời, sát hơn để ổn định tình hình và phát triển kinh tế hơn nữa.
Tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 12/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã xin lỗi người dân Củ Chi về những dự án, quy hoạch treo.
Ông Mãi cho biết, tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn đang vướng thủ tục để quyết toán bàn giao dự án nên chưa hoàn tất được. Tuy nhiên, những sửa chữa nhỏ, gia cố đã được triển khai. Dự án này cũng đã ghi vốn chuẩn bị đầu tư xây dựng mới với tổng mức đầu tư khoảng 770 tỷ đồng. Dự kiến trong thời gian sắp tới thành phố sẽ xây dựng dự án và thực hiện các thủ tục đầu tư để triển khai.
Đối với Dự án Khu đô thị Tây Bắc, theo quy trình thủ tục thì phải báo cáo với các cơ quan Trung ương, Thủ tướng Chính phủ. UBND TP.HCM sẽ tập trung đeo bám, để sớm có kết quả.
Đối với Khu công nghiệp Bàu Bưng, đây là một trong 3 khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM không phù hợp để tiếp tục thực hiện nữa. Do đó, TP.HCM đề nghị Chính phủ cho xóa 3 khu công nghiệp để thay thế bằng một khu công nghiệp khác. TP.HCM cũng đang chờ ý kiến của Thủ tướng.
Đối với Khu công nghiệp Đông Nam, Sở Tài nguyên Môi trường đã xong các thủ tục và đã chuyển cho Sở Kế hoạch Đầu tư. Trong tháng này 10, 11 sẽ xong thủ tục để triển khai cái dự án và tiến hành định cư cho các hộ dân. "Tôi cũng rất chia sẻ và thấy trách nhiệm của chính quyền trong việc ổn định cuộc sống của mấy chục hộ này đã kéo dài hàng chục năm qua. Tôi xin thay mặt cho UBND TP xin nhận trách nhiệm, xin lỗi bà con và sẽ tập trung chỉ đạo về việc này để triển khai sớm", ông Phan Văn Mãi nói.