Liên quan tới vấn đề khắc phục các cảnh báo của EU về khai thác IUU, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết: Đến ngày 27/10 tới là tròn 5 năm Việt Nam triển khai các nhiệm vụ giải pháp khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" IUU của EC.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra các địa phương tại TP.HCM và Khánh Hòa. Nội dung chủ yếu là kiểm tra tại các cảng biển; các nguồn nguyên liệu thủy sản khai khác, nhập khẩu tại các cảng biển; công tác truy xuất nguồn gốc; kiểm tra tại cảng cá… Trong tuần này, đoàn công tác liên ngành tiếp tục đi kiểm tra tại Quảng Ninh, Hải Phòng.
EC sắp sang Việt Nam kiểm tra khắc phục "thẻ vàng"
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản thông tin thêm, từ ngày 19 - 28/10 tới, đoàn kiểm tra của EC sẽ sang kiểm tra thực tế tình hình triển khai các giải pháp khắc phục khuyến nghị của EC. Đoàn sẽ tập trung kiểm tra kỹ tại các địa phương, sau đó đoàn có 2 ngày làm việc về các yếu tố kỹ thuật với Tổng cục Thủy sản. Trước đó, ngày 23/10/2017, EC cảnh báo "thẻ vàng" đối với hoạt động khai thác IUU và đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần phải thực hiện để chống khai thác IUU, gỡ "thẻ vàng".
Để kiểm tra kết quả thực hiện các khuyến nghị, phía EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018 và tháng 11/2019 và tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện gồm: Khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật. Sau quá trình gián đoạn do dịch Covid-19, tháng 10/2022, đoàn kiểm tra của EC sẽ sang kiểm tra thực tế tình hình thực hiện các khuyến nghị tại Việt Nam, tập trung vào kiểm tra thực tế tại cảng cá ở các địa phương.
P.V
Về kết quả kiểm tra, về cơ bản các địa phương đã triển khai tương đối tốt những nội dung theo khuyến nghị của EC. Tuy nhiên, thời gian tới các địa phương vẫn phải rà soát lại toàn bộ công tác quản lý tàu cá, cần quản lý tàu cá ra vào cảng chặt chẽ hơn; đẩy mạnh kiểm soát sản lượng lên bến; tiếp tục rà soát toàn bộ hồ sơ liên quan đến công tác truy xuất nguồn gốc…
Về những tồn tại, hạn chế nói chung trong công tác triển khai khắc phục những khuyến nghị của EC, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản nhấn mạnh: Hiện nay, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác tại vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến khá phức tạp. Đây là tồn tại lớn nhất để phía EC xem xét có gỡ "thẻ vàng" cho Việt Nam hay không.
"Thời gian tới, vai trò của địa phương, đặc biệt là chủ tịch tỉnh, người đứng đầu cần quyết liệt hơn nữa, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu"- ông Nguyễn Quang Hùng nói.
Về yếu tố khách quan, ông Hùng phân tích, toàn bộ hạ tầng cảng cá dù đã được quan tâm, đầu tư song chưa đáp ứng được nhu cầu về kiểm soát nghề cá công nghiệp, hiện đại; thời gian tới cần tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp hơn nữa.
Chấm dứt tình trạng vi phạm
Muốn thực sự "xóa sổ" tàu cá vi phạm, tiến tới gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ông Nguyễn Phú Quốc - Phó Cục trưởng Cục Kiểm Ngư, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho rằng, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp để nhận diện tàu cá có nguy cơ vi phạm ngay từ khi xuất bến, từ đó đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp.
Hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân trong 7 tháng năm 2022 gặp nhiều khó khăn. Đến tháng 4/2022, dịch Covid-19 mới cơ bản được kiểm soát. Hoạt động khai thác trên biển trở lại bình thường. Tuy nhiên, giá nhiên liệu tăng cao khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ. Giá sản phẩm khai thác không tăng nên nhiều tàu cá đi khai thác bị thua lỗ. Tình trạng thiếu lao động nghề cá vẫn tiếp diễn. Các chủ tàu cá rất khó tìm lao động khi đi biển.
Đối với ngư trường, ở khu vực Vịnh Bắc Bộ, sau khi Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam và Trung Quốc hết hiệu lực, nhiều tàu cá Việt Nam quay về hoạt động ở phía Tây đường phân định.
Đối với các ngư trường phía Nam vùng nước lịch sử Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, vùng biển giáp ranh Indonesia, Malaysia, ngư dân vẫn duy trì hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên thời gian qua, khu vực này ngư dân Việt Nam bị bắt tương đối nhiều, đặc biệt khi Malaysia tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ ngư dân.
Tính từ đầu năm đến ngày 18/8, cả nước xảy ra 55 vụ, 86 tàu, 782 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong đó, một số tỉnh có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ tương đối nhiều là Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Quảng Ngãi.
Theo ông Quốc, quá trình theo dõi tàu cá Việt Nam vi phạm tại vùng biển nước ngoài trong 10 năm qua cho thấy, đa phần khi tàu cá vi phạm nguyên nhân chính xuất phát từ ý chí chủ quan của chủ tàu cũng như thuyền trưởng.
Đáng chú ý thời gian gần đây, diễn biến vi phạm có nhiều vấn đề phức tạp hơn. Có những tàu cá đã tháo thiết bị hành trình ra để lắp đặt vào tàu khác. Ngoài ra, có trường hợp chủ tàu mua 1 tàu cũ, đăng ký tại cảng, có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Tuy nhiên, khi tàu đi đánh bắt vi phạm tại vùng biển nước ngoài lại là tàu khác. Thậm chí, có nhiều trường hợp ngư dân tại Cà Mau sang Malaysia khai thác thủy sản đi bằng đường hàng không. Trên hồ sơ giấy đăng ký tàu cá có xác nhận của cơ quan NK Malaysia. Điều này chứng tỏ việc đưa tàu cá đi khai thác tại vùng biển nước ngoài là có chủ ý, có tổ chức.