Dân Việt

Hỗ trợ các hộ nuôi tôm ở Cần Giờ phát triển kinh tế

Bạch Dương 14/10/2022 15:43 GMT+7
Nuôi trồng thuỷ sản là thế mạnh kinh tế của huyện Cần Giờ (TP.HCM). Chỉ trong tháng 10, hiệu quả của nghề nuôi tôm đã tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó, nhiều hộ nuôi tôm theo mô hình HTX đã ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, hiệu quả rõ rệt...
Cần Giờ hỗ trợ các hộ nuôi tôm phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ cao, nuôi tôm đảm bảo sinh thái

Thời gian gần đây, Sở NNPNT đã có nhiều hỗ trợ cho các HTX về ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng. HTX Thuận Yến, xã An Thới Đông (huyện Cần Giờ) là một trong những HTX ứng dụng thành công áp dụng khoa học công nghệ, hiệu quả sản xuất nâng cao.

Cụ thể, HTX Thuận Yến đã chủ động thay đổi từ cách nuôi truyền thống sang mô hình nuôi công nghệ cao. Việc theo dõi môi trường nước nuôi tôm của HTX Thuận Yến hiện nay đã được số hóa thông qua phần mềm quan trắc tự động. Bên cạnh đó, các khâu từ cho ăn, điều hệ thống quạt, sục khí oxy, đo đạc môi trường nước đều được thực hiện tự động. 

Với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, HTX Thuận Yến được xem là tiên phong trong ứng dụng công nghệ, sản xuất hiệu quả.

Ông Hồ Ngọc Thiện, Trưởng phòng kinh tế huyện Cần Giờ cho biết, trong tháng 10 có 136 hộ thả nuôi 58,36 triệu con tôm giống trên diện tích 109,85 ha; sản lượng thu hoạch ước đạt trên 830 tấn, tăng 6.6% so tháng trước và tăng 20% so cùng kỳ.

Trong tháng có 88,7% diện tích thu hoạch có lãi (mức lãi bình quân đạt 158 triệu đồng/ha), diện tích thu hoạch hòa vốn là 7.06% và 4,24% diện tích thu hoạch lỗ (mức lỗ bình quân 75 triệu đồng/ha, giảm 53,8% so mức lỗ tháng trước).

Tính chung 10 tháng, diện tích thả nuôi tôm đạt hơn 4.650 ha, sản lượng thu hoạch đạt hơn 7.870 tấn, tăng 37,5%, giá tôm tăng 19,3% nên hiệu quả nghề nuôi đạt 156,53 triệu ha, tăng 8% so cùng kỳ.

Về mô hình nuôi tôm công nghệ cao, ông Thiện cho biết, trong tháng có 11 lượt nuôi, lượng giống nuôi 14,73 triệu con trên 9,55 ha mặt nước nuôi. Đã có 8 lượt hộ thu hoạch trên diện tích 3,81 ha, sản lượng đạt 156 tấn, thu lãi 7,8 tỷ đồng.

Chính từ hiệu quả của nuôi tôm công nghệ cao, đến nay toàn huyện Cần Giờ đã có  121 lượt thả nuôi 118 triệu con trên 79,51 ha, tăng 32,68 ha cùng kỳ. Có 104 lượt hộ trợ thu hoạch hơn 1.440 tấn, lãi 87,612 tỷ đồng.

Các hộ nuôi theo mô hình kinh tế tập thể, HTX còn góp phần lớn trong việc thả nuôi 1,5 tấn hàu, sản lượng thu hoạch ước tăng 13% so với tháng trước và tăng hơn 6,8% so với cùng kỳ. Giá bán các loại sản phẩm ổn định khiến thu nhập của người dân được đảm bảo.

Bên cạnh đó, còn có 46 hộ thả nuôi giống cá bóp, cá dứa, cá đối mực, cua… Hầu hết các mô hình, đối tượng nuôi đều có lãi, trong đó nuôi ca dứa đạt mức lãi bình quân 250-300 triệu đồng/ha; nuôi cua lãi 20-40 triệu đồng/hộ.

Hỗ trợ kỹ thuật, thuốc men để các hộ nuôi tôm phát triển kinh tế 

Trước tình hình một số lượt hộ thả nuôi tôm có tôm bị bệnh, Phòng Kinh tế huyện đã phối hợp Chi cục thú y xử lý bệnh trên tôm cho 19 hộ bằng thuốc từ quỹ phòng ngừa dịch bệnh.

Cần Giờ hỗ trợ các hộ nuôi tôm phát triển kinh tế - Ảnh 3.

Nuôi tôm tại huyện Cần Giờ. Ảnh: P.V

Cùng với đó, huyện triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, tập trung vào các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi; thông báo về khung lịch mùa vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2022; thông báo kết quả quan trắc, môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản trên địa huyện; phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan sang công tác kiểm tra, kiểm tra giống thủy sản nhập vào địa bàn huyện; 

Tiếp tục khuyến cáo người thả giống mật độ thưa, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để hạn chế rủi ro; Theo dõi và hướng dẫn nuôi trồng các biện pháp phòng tránh bệnh trong điều kiện thời tiết lạnh. Trong tháng 10, trạm thủy sản đã tiến hành lấy 38 mẫu nước (20 mẫu ở các điểm nuôi nhuyễn thể, 18 mẫu nước đầu nguồn nuôi tôm), thông báo kịp thời kết quả quan trắc môi trường đến người dân.

Ngoài ra trong tháng 10, Phòng Kinh tế huyện đã tổ chức đào tạo, huấn luyện cho 186 lao động về kỹ thuật trồng rau ăn lá, nuôi hàu, nuôi tôm; tham mưu UBND huyện chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh nguy hiểm thủy sản nuôi; ngăn chặn trạng thái sử dụng điện, chất độc, chất nổ, nghề và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất.