Trong ngày 14/10 và sáng 15/10, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa to, đến rất to diện rộng cả đồng bằng và miền núi. Lượng mưa đo được từ 0h ngày14/10 đến 9h ngày 15/10 trung bình từ 500-600mm. Có nhiều nơi lượng mưa cao hơn như: Khe Tre 802mm, Thủy Yên 752mm; Lộc Tiến 641mm, An Tây (TP.Huế) 664 mm, Hương Sơn 673mm, Phú Bài 624mm.
Mực nước sông Hương lúc 8h ngày 15/10 tại Kim Long +4,0m, trên báo động III 0,5m; mực nước sông Bồ tại Phú Ốc lúc +4,92m, trên báo động III 0,42m.
Mực nước tại hồ thủy điện Hương Điền: +57,53m, lưu lượng đến hồ 5.293m3/s, lưu lượng xả về hạ du 4.180m3/s. Lưu lượng đến hồ Hương Điền lớn nhất là 8.198m3/s lúc 7h ngày 15/10. Tại hồ Tả Trạch, mực nước hồ +43,88m, lưu lượng đến hồ 2.558m3/s, lưu lượng về hạ du 2.381m3/s. Lưu lượng đến hồ lớn nhất là 7.205m3/s lúc 2h ngày 15/10.
Hồ thủy điện Bình Điền mực nước 83,43m, lưu lượng đến hồ 2.558m3/s, lưu lượng về hạ du 1.291m3/s. Lưu lượng đến hồ lớn nhất 6.582m3/s lúc 5h ngày 15/10.
Mưa lớn trên diện rộng cộng với việc thủy điện xả lũ lưu lượng lớn đã khiến đã khiến khoảng 19.918 nhà dân ở tỉnh bị ngập với độ sâu từ 0,3-0,8m.
Trong đợt lũ này, hết các tuyến đường tỉnh đã ngập sâu, ách tắc giao thông. Hệ thống đường ở các huyện, thị xã hầu hết cũng ngập úng, bị cô lập.
Tại thành phố Huế, hơn 70% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập. Các tuyến đường khu vực bắc sông Hương (như Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan...) ngập bình quân 0,4-0,6m; các tuyến đường khu vực nam sông Hương (Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa...) ngập bình quân 0,3-0,5m.
Tại huyện Phong Điền, quốc lộ 49B, tỉnh lộ 17, tỉnh lộ 11B, tỉnh lộ 6, hệ thống đường liên thôn bị ngập từ 0,4-0,8m, thuộc địa bàn các xã Phong Hòa, Phong Bình, Điền Hương, Điền Môn, Phong An, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Chương và thị trấn Phong Điền.
Tại thị xã Hương Thủy cũng bị ngập diện rộng với tổng diện tích ngập ước tính hơn 20%, độ sâu ngập trung bình từ 0,4-0,6m, có nơi ngập sâu 0,8m. Tình trạng này xảy ra ở các xã, phường: Thủy Thanh, Thủy Dương, Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Lương, Thủy Phù, Thủy Tân.
Tại huyện Phú Vang, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập với độ sâu ngập trung bình từ 0,3-0,6m. Các tuyến tỉnh lộ 10A, tỉnh lộ 10C, tỉnh lộ 2, quốc lộ 49A, tuyến đường nối tỉnh lộ 2 đến cầu Thảo Long ngập sâu trung bình 0,5-0,7m.
Tại huyện Phú Lộc, tuyến quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì và đoan qua xã Lộc Sơn, Lộc Bổn ngập khoảng 40-90cm. Công an huyện đã phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại khu vực đường bị ngập để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn.
Tuyến đường ven đầm Cầu Hai đoạn qua thị trấn Phú Lộc và xã Lộc Trì dài khoảng 5,2km ngập khoảng 0,4-1,0m. Tuyến đường ven biển Cảnh Dương - Lăng Cô đoạn qua khu vực Đập Tràn (thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh) ngập từ 0,4-1,2m.
Tại huyện Quảng Điền, các tuyến đường chính bị ngập, có đoạn ngập sâu 1,0-1,2m. Các đường trục thôn, trục xã đã bị ngập hoàn toàn, giao thông đã bị chia cắt ở các xã vùng thấp trũng Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Vinh, Quảng Phước, thị trấn Sịa.
Tại thị xã Hương Trà, các tuyến đường trục chính, tuyến đường liên thôn, xóm tại hầu hết các xã, phường vùng đồng bằng Hương Toàn, Hương Xuân, Hương Văn… bị ngập sâu từ 0,5-0,7m làm chia cắt nhiều vùng…
Mưa lũ gây sạt lở đã khiến 1 nhà dân ở tại thôn Nam Trung Phước, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc bị sập do sạt lở đất. Ngoài ra, 2 nhà dân ở tổ dân phố Hải Vân, thị trấn Lăng Cô bị sạt lở làm đất đá tràn vào nhà…
Thừa Thiên Huế đã sơ tán khẩn cấp 3.687 hộ dân với 10.322 nhân khẩu ở các vùng ngập sâu, vùng sạt lở đến nơi an toàn.