Bảo tàng Lịch sử TP.HCM nằm ở số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 (TP.HCM), bên hông Sở Thú, ngay khu vực trung tâm thành phố. Sẽ thật thú vị khi biết rằng đây chính là bảo tàng đầu tiên ở khu vực phía Nam nước ta.
Tiền thân Bảo tàng Lịch sử TP.HCM là Bảo tàng Blanchard de la Brosse - tên viên Thống đốc Nam Kỳ - thành lập từ năm 1929, tức đến nay, bảo tàng này có lịch sử hình thành, phát triển hơn 90 năm.
Từ năm 1956, nơi đây có tên Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn. Đến năm 1979, bảo tàng chính thức đổi tên là Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.
Bản thân tòa nhà của bảo tàng đã là một công trình độc đáo, được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 2012. Đó là quần thể kiến trúc gồm hai tòa nhà. Tòa nhà trước mặt, hướng về Đền thờ Vua Hùng trong Thảo Cầm Viên hiện nay, được xây từ năm 1927, với điểm nhấn là khối tháp bát giác làm trục đối xứng cho hai dãy nhà hai bên. Tòa nhà sau có từ năm 1970, được xây nối tiếp vào tòa nhà cổ, đảm bảo hài hòa với kiến trúc đã có.
Chúng tôi mua vé vào tham quan bảo tàng, giá vé 30.000 đồng/người lớn. Trẻ em, học sinh, sinh viên và một số đối tượng khác được giảm 50% giá vé hoặc miễn vé.
Đến Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, chúng tôi cảm thấy rất thú vị, khi chỉ cần rảo bước lần theo các phòng trưng bày của bảo tàng, tức là ta cũng đã đi qua suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Chúng tôi lần lượt đi qua các phòng từ Thời Nguyên thủy, Thời Dựng nước và Giữ nước, Thời Ngô - Đinh - Tiền Lê, Thời Lý, Thời Trần - Hồ… cho đến phòng cuối cùng là thời Nguyễn.
Các phòng có hiện vật khá phong phú, trưng bày hiện đại, thông tin chú thích rõ ràng. Tuy nhiên, theo cảm nhận riêng của chúng tôi, có những phòng, ví dụ như phòng Thời Nguyễn, các hiện vật cũng chưa thật đặc sắc, đầy đặn như các bảo tàng mình từng có dịp tham quan khi đến Cố đô Huế, ví dụ như Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Ngoài các phòng trưng bày theo phân kỳ lịch sử như thế, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM còn có những phòng tập trung cho các chủ đề như Văn hóa Champa, Văn hóa Óc Eo, Văn hóa các dân tộc phía Nam Việt Nam… Đến đây, bạn cũng có thể tận mắt nhìn ngắm những bảo vật quốc gia. Bảo tàng Lịch sử TP.HCM hiện lưu giữ 12 bảo vật quốc gia thuộc nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo của văn hóa Phù Nam - Óc Eo (thế kỷ 1-7) và văn hóa Champa (thế kỷ 2-17), phát triển ngay trên vùng đất Nam bộ và Trung bộ nước ta.
Ngoài ra, chúng tôi cũng rất ấn tượng với phòng trưng bày Tượng Phật giáo một số nước châu Á. Chiêm ngắm các bức tượng Phật ở đây, cũng là lúc người xem có thể nhận ra nhiều nét đặc trưng trong nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, mỹ thuật… qua so sánh lẫn nhau giữa các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á.
Phòng Sưu tập Dương Hà hay Sưu tập Vương Hồng Sển cũng làm chúng tôi xúc động không kém trước tấm lòng say mê và đóng góp tận hiến của những trí thức, nhà nghiên cứu văn hóa, sưu tập cổ vật Nam bộ đối với di sản văn hóa dân tộc. Đó chính là hai vợ chồng Giáo sư Dương Minh Thới (1899?-1976) - Hà Thị Ngọc (1902?-1979) và cụ Vương Hồng Sển (1902-1996), một tên tuổi nổi tiếng ở miền Nam.
Hôm chúng tôi đến, tiếc là phòng Xác ướp Xóm Cải (thế kỷ 19) đang tạm đóng cửa để chỉnh trang. Đây cũng là một điểm thú vị du khách không thể bỏ qua khi đến bảo tàng.
Đến Bảo tàng Lịch sử TP.HCM lần này, chúng tôi không thể bỏ qua múa rối nước, do Nhà hát nghệ thuật Phương Nam biểu diễn. Địa điểm sân khấu nằm ngay trong khuôn viên bảo tàng.
Cứ mỗi thứ 7, chủ nhật hàng tuần, nhà hát sẽ có suất diễn vào lúc 10h30 sáng và 14h30 chiều để phục vụ khán giả. Hôm nay, chúng tôi xem suất diễn sáng.
Dạo chơi, tham quan một vòng bảo tàng, gần đến giờ diễn, chúng tôi đến mua vé trực tiếp ngay tại điểm diễn. Bạn cũng có thể đặt vé trước và chọn chỗ ngồi ưng ý. Giá vé là 100.000 đồng/người lớn và 50.000 đồng/trẻ em.
Khu vực biểu diễn vốn là một không gian ngoài trời. Song, gần sát giờ mở màn, trần được đóng lại, biến nơi đây thành một nhà hát mini, "tắt" hết các ánh sáng cần thiết, chỉ còn lại bóng tối để phục vụ biểu diễn.
Âm nhạc nổi lên, đèn màu bật sáng. Những chú rối dần xuất hiện trên mặt nước. Hôm nay chúng tôi được xem vở Tứ linh hội tụ. Được biết, nhà hát có những vở diễn khác nhau phục vụ theo tháng, du khách có thể tham khảo thông tin để đón xem vở diễn mình thích.
Múa rối nước tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Video: Nguyên Thịnh
Với vở Tứ linh hội tụ này, chúng tôi thưởng thức sự biến hóa kỳ ảo của Tứ linh Long - Lân - Quy - Phụng với những trò diễn đặc sắc. Giây phút Rồng Vàng phun lửa thực sự khiến người xem thích thú. Cả sân khấu sáng bừng lên. Các em nhỏ "ồ, à" rộn rã.
Một cảnh khá ấn tượng khác với chúng tôi là lúc Long - Phụng "ấp trứng". Quả trứng ẩn hiện giữa làn khói mờ ảo, lắc lư, rung rinh một hồi lâu, để rồi cuối cùng, bất ngờ tách đôi ra, nhiều chú rối nước khác trong hình hài những chú bé con ùa xuất hiện.
Tất cả tất nhiên đều diễn ra trên mặt nước, với sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh, ánh sáng và kỹ thuật biểu diễn rối của diễn viên. Cảnh ấp trứng này gợi nhắc người xem truyền thuyết "trứng nở trăm con" của Lạc Long Quân và Âu Cơ, nên ai ai khi xem cũng cảm thấy xúc động, dậy lên cảm giác hướng về cội nguồn dân tộc.
Xen giữa các màn biểu diễn của Tứ linh là cảnh sinh hoạt bình dị, đáng yêu của làng quê Việt, như nông dân chăn trâu, cày ruộng, chăn vịt, câu cá, lũ trẻ bơi lội…, hoặc cũng có cảnh các nàng tiên nữ xinh đẹp say mê múa những vũ khúc thần tiên trong khung cảnh sơn thủy hữu tình.
Từng có dịp xem biểu diễn múa rối nước tại Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, gần bờ hồ Hoàn Kiếm ở thủ đô Hà Nội, chúng tôi nhận thấy một vài điểm khác biệt thú vị.
Ở Nhà hát Thăng Long, vở diễn có các nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc live (chơi nhạc sống) ngay hai bên cánh gà sân khấu, lời thoại cho các con rối chắc chắn là tiếng Bắc. Trong khi đó, ở Nhà hát Phương Nam, lời thoại cho các chú rối "rặt" tiếng Nam bộ, phần âm nhạc cũng có màu sắc miền Nam. Điều này tạo nên nét đặc trưng văn hóa vùng miền cho vở diễn, dù về hình thức múa rối nước cơ bản là giống nhau.
Kết thúc vở diễn Tứ linh hội tụ, màn được kéo lên, các nghệ sĩ múa rối nước xuất hiện, vẫy tay chào khán giả. Mọi người thích thú vỗ tay chào đón những diễn viên "bí ẩn" đã ngâm mình dưới nước, điều khiển các chú rối suốt từ nãy đến giờ. Trên tay các diễn viên còn cầm theo các con rối để giao lưu với khán giản, nên lúc này, các em nhỏ được dịp chạm tay thật gần các nhân vật rối đáng yêu ấy.
Vở diễn khá thú vị, song cũng còn có những cảnh khá dàn trải, cử động của các chú rối lặp đi lặp lại, mang đến người xem cảm giác có phần nhàm chán. Ngoài ra, khu vực ghế ngồi của khán giả nói chung cũng chưa thật chỉn chu.
Kết thúc buổi diễn, những khán giả có vé tham quan bảo tàng có thể tiếp tục hành trình khám phá các phòng trưng bày ở đây. Dù vậy, theo chúng tôi thấy, thời điểm này cũng gần đến lúc bảo tàng đóng cửa, tạm nghỉ trưa (từ 11h30 đến 13h chiều), vì thế bạn có thể lưu ý để sắp xếp lịch trình tham quan được trọn vẹn hơn.