Vì không có nhiều tiền để cho con học trường tư thục cùng với quan điểm của gia đình là chỉ cho con học trường công lập, chị Hà Minh Anh, một phụ huynh ở Hà Nội yên tâm đăng ký cho 2 con học học trường gần nhà.
Tuy nhiên, kể từ ngày khai giảng đến bây giờ mới hơn 1 tháng đi học nhưng chị Minh Anh cho biết thực sự chóng mặt vì liên tiếp nhận tin nhắn của cô giáo với các khoản đóng góp.
"Đầu năm tôi đã phải xoay xở để lo đủ tiền đóng học cho 2 con. Nào là tiền đồng phục gần 4 triệu đồng, tiền sách vở, đồ dùng học tập, các khoản quỹ phụ huynh, quỹ trường... tổng cả chục triệu đồng. Chúng tôi xác định dù khó khăn thế nào nhưng cho con đi học là sẽ lo được cho con đầy đủ như các bạn, để các con không tự ti hoàn cảnh gia đình mình. Tuy nhiên, những tuần qua quá nhiều các khoản khiến tôi không hài lòng chút nào", chị Minh Anh cho hay.
Phụ huynh này lấy dẫn chứng, vừa vào năm học nhà trường phát động phong trào tặng vở, đồ dùng học tập cho học sinh vùng cao. Sau đó là phong trào ủng hộ sách truyện cho thư viện, phong trào nuôi heo đất. Chưa hết, mỗi con lại phải đóng tiền mua tăm ủng hộ rồi lại tiếp tục đóng tiền quỹ nhân đạo. Mới đây nhà trường lại quyên góp tiền mặt, nhu yếu phẩm cho vùng lũ lụt...
"Tôi biết đây là những hoạt động với mục đích ý nghĩa, dạy học sinh tương thân tương ái, giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, mỗi kỳ chỉ cần 1-2 hoạt động là ổn, đằng này có quá nhiều phong trào khiến phụ huynh chúng tôi mệt mỏi. Các con còn nhỏ, đâu có tiền để mua hay ủng hộ nhiều như vậy. Tôi nghĩ, những hoạt động đó nên dành cho các doanh nghiệp, cơ quan để người lớn tham gia. Các em học sinh chỉ cần phong trào kế hoạch nhỏ là phù hợp", chị Minh Anh bày tỏ.
Một khoản đóng góp khác là mặc dù mới lớp 1, 2 chưa vào Đội nhưng nhiều học sinh khối lớp này phải đóng khoản phí khiến phụ huynh thấy... ấm ức.
Có con học lớp 2 một trường tiểu học tại quận Long Biên, anh Lê Minh Đạt thấy khó hiểu khi các khoản phí đầu năm học của con anh có tiền quỹ Đội 18.000 đồng/năm. Chưa vào Đội nhưng vẫn phải đóng quỹ Đội tuy nhiên anh Đạt cũng không dám công khai ý kiến vì sợ mang tiếng.
Cùng chung tâm trạng, chị Phạm Thị Thu Hà, quận Cầu Giấy cũng bất ngờ khi nhận thông báo dãy phí, trong đó quỹ Đội 18.000 đồng/năm của con trai đang học lớp 1. "Số tiền tuy nhỏ nhưng tôi thấy vô lý vì con tôi đã vào Đội đâu. Ở cơ quan tôi, ai vào Đảng sẽ nộp đảng phí, ai là hội viên hội đoàn thể nào đó sẽ đóng hội phí; nhưng con tôi chưa vào Đội, việc yêu cầu con đóng Đội phí tôi thấy không thỏa đáng", chị Thu Hà bày tỏ.
Một phụ huynh khác có con học lớp 3 cũng chưa vào đội nhưng phải đóng 13.500 đồng/năm. "Tại sao lại có khoản tiền lẻ như vậy? Tôi có hỏi giáo viên thì cô giải thích rằng, mỗi học sinh đều trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia và thụ hưởng các phong trào và hoạt động Đoàn Đội. Việc đóng số tiền này là để duy trì các hoạt động Đội nói chung. Do vậy mỗi học sinh đều có trách nhiệm đóng góp khoản phí này dù là đội viên hay chưa".
Liên quan đến vấn đề đóng quỹ Đội, ông Bùi Mạnh Hướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội cho hay: "Mục đích của thu phí là để tăng cường đầu tư cho Đoàn- Hội- Đội nhằm góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn- Hội- Đội trong nhà trường; phí được thu với 9 tháng học tập của năm học và đảm bảo 100% học sinh tham gia đóng góp.
Theo văn bản này, mức thu phí được quy định: Khối Tiểu học và THCS ở các quận đóng góp 2.000 đồng/học sinh/tháng (thu trong 9 tháng) - tương đương 18.000 đồng/năm; ở các huyện đóng góp 1.500 đồng/học sinh/tháng (thu trong 9 tháng) - tương đương 13.500 đồng/năm.
Kinh phí thu được sẽ chi để tổ chức thực hiện các hoạt động Đoàn- Hội- Đội theo chương trình công tác do các cấp trên hướng dẫn, chi trang bị cơ sở vật chất Đoàn- Hội- Đội (trống, cờ, quần áo nghi thức, sổ sách ghi chép…), chi cho các hoạt động đột xuất của Đoàn- Hội- Đội do cấp trên chỉ đạo và chi cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo.
Nói về các khoản thu hiện nay, anh Bùi Ngọc Phúc, tác giả sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" cho hay: "Phong trào lá lành đùm lá rách vốn là truyền thống và đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Việc các con tham gia ủng hộ các bạn chịu nhiều thiệt thòi do thiên tai và vung khó khăn là điều cần thiết. Nó mang lại lợi ích thiết thực về sự sẻ chia và giáo dục các con sự hướng thiện. Tuy nhiên nhà trường hay hội phụ huynh không nên lạm dụng để kêu gọi các con đóng góp nhiều quá, bởi như vậy sẽ mất đi ý nghĩa nhân văn. Thậm chí khiến phụ huynh phản đối, các con sẽ mất đi sự hào hứng. Làm thiện nguyện nên xuất phát từ thiện tâm, tránh chạy theo phong trào".
Chuyên gia giáo dục sáng tạo Tô Thụy Diễm Quyên cũng nêu quan điểm: "Đây là vấn đề khá phổ biến. Trách nhiệm cộng đồng, tinh thần công dân toàn cầu cho học sinh chắc chắn phải có nhưng phải xây dựng từ nội lực, từ góc nhìn giáo dục chứ không phải để học sinh về "moi" tiền phụ huynh. Như vậy là phản cảm. Đó chỉ là thể hiện hành động nhà trường có tham gia chứ không có giáo dục.
Ví dụ như chuyện mua tăm ủng hộ người mù thì tôi cho rằng đó là trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan. Còn học sinh sẽ có phương án khác như tổ chức hoạt động trải nghiệm như hội chợ để có tiền làm từ thiện.
Ngoài ra, thực trạng hiện nay phụ huynh quá đau đầu, mệt mỏi, chán ngán vì có quá nhiều chi phí dồn vào đầu năm. Nên có kế hoạch, những khoản phù hợp và phụ huynh đóng dần từng tháng, từng quý. Và việc cô giáo phải thông báo thu tiền là không hợp lý. Giáo viên là đi dạy điều hay lẽ phải chứ không phải đi "đòi" tiền. Và việc chi tiêu trong nhà trường cần phải có kế hoạch rõ ràng từ năm trước".