Liên tiếp các vụ học sinh, sinh viên đánh nhau kinh hoàng: Lý do từ đâu?

Tào Nga Thứ bảy, ngày 15/10/2022 15:27 PM (GMT+7)
Các vụ đánh nhau gây thương tích, thậm chí tử vong đã cảnh báo về tình trạng bạo lực học đường đang gây nhức nhối.
Bình luận 0

Liên tiếp xảy ra bạo lực học đường

Mới đầu năm học nhưng dư luận đã chứng kiến nhiều vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra. Có thể kể đến mới đây nhất như vụ đánh nhau kinh hoàng ở Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường do chuyện tình cảm hay vụ nam sinh lớp 11 nghi đâm bạn lớp 12 tử vong do bị bạn bắt nạt...

Liên quan đến nạn bạo lực học đường, trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: "Luận bàn về bạo lực học đường chúng ta nhìn thấy hiện tượng có điểm giống nhau nhưng về bản chất nó hoàn toàn khác nhau. Khoa học tâm lý trong phát triển mỗi độ tuổi có một giai đoạn vàng để giúp học sinh, sinh viên vui chơi lành mạnh.

Đối với cuối Tiểu học và THCS, học trò thường thích nổi trội và đi tìm bản sắc của mình nên có 5 nhóm biểu hiện: Trêu chọc, cô lập, bắt nạt, phao tin đồn và băng nhóm vì tính nổi trội và nổi loạn.

Mọi người thấy có thể lên đến cấp THPT như học sinh vụ học sinh lớp 12 đâm bạn tử vong, hay đánh bạn dã man ở trường ĐH Tài nguyên và Môi trường không hề thương tiếc... Bản chất tâm lý của giai đoạn THPT, học sinh đang ở giai đoạn thử tính độc lập và vai trò bạn khác giới rất quan trọng nên mới tính đến sự thể hiện, sự sở hữu của bản thân qua các cuộc đánh ghen để tạo ra động cơ hành hung. Với sinh viên bước vào giai đoạn sống tự lập nên các em có môi trường tạo ra những cộng đồng hay nhóm bạn để bảo vệ lẫn nhau.

img
img

Nam sinh đánh bạn học ở Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường. Ảnh cắt từ clip.

Câu hỏi tại sao nhà trường cần chú ý đến những nguyên nhân? Bản chất tâm lý lứa tuổi 16 đến 23, sự ảnh hưởng của mạng xã hội và internet, game cũng đã làm méo mó góc nhìn và thay đổi nhân cách của học sinh, sinh viên. Do cách quản lý về thông tin trên vũ trụ internet ào vào bộ óc mà không có những tiêu chí hay những bộ quy tắc lọc khiến lượng thông tin rác chiếm khá nhiều.

Vào trong trang chủ của trường, bạn cũng khó tìm thấy hoạt động dành cho sinh viên hay những văn bản qui ước về nếp sống của trường. Cũng có thể ở ngoài sẽ có, nhưng thực tế ở nhiều trường cũng chỉ có một vài hoạt động mang tính nghề nghiệp mà thôi. Ở bậc THPT rất ít trường có phòng tâm lý học đường và những hoạt động định hướng giúp học sinh vui chơi lành mạnh. Phải chăng ở đây giáo dục có ba mảng sức khỏe trí tuệ, sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất, ta mới đang tập trung vào sức khỏe trí tuệ mà thôi.

Cách xử lý của các trường mang tính sự vụ khi có sự việc xảy ra nhà trường mới mời cơ quan công an và các cơ quan hữu quan vì cho đó là hiện tượng ở bên ngoài trường. Nếu chúng ta chú trọng đến đúng với những sức khỏe tinh thần qua các hoạt động đa dạng để giúp các em sống nhân ái hay có những hoạt động thể chất giúp học sinh giải phóng năng lượng và gắn kết thì kết quả sẽ khác nhiều. Ví dụ như Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội có tỉ lệ học sinh cá tính cao, Ban giám hiệu đã tập trung vào vấn đề hoạt động, và đoàn kết nên không có vụ việc nào đáng tiếc xảy ra. Đó chính là phương châm giáo dục nhân ái của người hiệu trưởng".

Liên tiếp các trường hợp học sinh, sinh viên đánh nhau kinh hoàng: Lý do từ đâu? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. Ảnh: NVCC

Làm thế nào giảm bớt bạo lực học đường?

Để hạn chế bạo lực học đường, chuyên gia Nguyễn Đình Sơn cho hay: "Đầu tiên cần trang bị cho học sinh, sinh viên hiểu được trách nhiệm hành vi dân sự từ những bộ bộ qui ước cho hành vi chuẩn đạo đức, hành vi vi phạm luật. Nếu các trường có thì không phải đăng trên trang mạng mà cần biến nó thành những giờ học trải nghiệm giúp học sinh hóa thân qua hoạt động câu lạc bộ, hoạt động xã hội và hoạt động sự kiện của nhà trường. Nếu bạn thử tìm những hoạt động hay sự kiện tương tự chắc không có nhiều ở các ký túc xá và ở trường.

Tiếp theo là tổ chức các hoạt động trong trường. Có lẽ chăng các trường thiếu các hoạt động thể thao, hoạt động câu lạc bộ theo các chuyên đề mà các nước phát triển họ tập trung giải tỏa giúp sinh viên và học sinh sau những giờ học căng thẳng. Đây là những hoạt động gắn kết học sinh sinh viên với nhau.

Những hoạt động xã hội mang tính cộng đồng xã hội sẽ tạo ra những nét nhân văn, tương ái cần tổ chức thường xuyên cho học sinh, sinh viên. Điều này chắc phụ thuộc vào đường hướng phát triển của mỗi trường. Vì mâu thuẫn của các em có thể qua việc xung đột ngay trong mối quan hệ và mạng xã hội và các diễn đàn dẫn đến những hành vi ngoài ý muốn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem