Cô Nguyễn Thu Thảo, giáo viên Hóa học, Trường THCS Trung Hòa, Cầu Giấy mới đây vinh dự nằm trong đề cử Nhà giáo Tiêu biểu năm 2022 tại Hà Nội. Cô Thảo là giáo viên trẻ nhất trong danh sách đề cử. Cô sinh năm 1990, hiện là tổ trưởng chuyên môn, yêu thích thí nghiệm và giáo dục STEM.
Nhiều năm liền cô là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và Thành phố, Bằng khen của UBND Thành phố năm học 2020-2021; Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm học 2020-2021; Giải Xuất sắc cấp Thành phố, giải Nhất cấp Quận, cuộc thi Kĩ năng công nghệ thông tin dành cho giáo viên 2020-2021; Giải Nhất cấp Quận cuộc thi Thiết kế bài giảng E-learning năm học 2020-2021.
Hướng dẫn học sinh đạt nhiều giải cao cấp Thành phố môn Hóa học, Khoa học. Lớp của cô Thảo chủ nhiệm được tặng nhiều giấy khen trong các phong trào thi đua. Cô còn là chủ biên, tác giả biên soạn 4 đầu sách tham khảo môn Hóa học, 4 bộ học liệu số môn Khoa học Tự nhiên lớp 6, 7; Tham gia thẩm định 5 tài liệu tập huấn Hướng dẫn thực hiện bài dạy STEM và hoạt động trải nghiệm; Sáng kiến kinh nghiệm cấp Thành phố nhiều năm liền.
Ngoài ra, cô còn là Đảng viên xuất sắc; Giấy khen Người tốt - Việc tốt; Đạt danh hiệu Giỏi việc nước – Đảm việc nhà"... Cô Thảo luôn tâm niệm: "Là một giáo viên trẻ, tôi luôn học hỏi, cố gắng mỗi ngày, tận tâm trong giảng dạy, bởi vì "Dạy học cần cả trái tim và trải nghiệm của chính tôi".
"Tôi đã nhận được và tôi cũng sẽ cho đi"
Chia sẻ với PV báo Dân Việt về cảm xúc khi nằm trong danh sách đề cử Nhà giáo Tiêu biểu năm 2022, cô Thảo cho hay: "Quận Cầu Giấy là một trong những đơn vị dẫn đầu của giáo dục Thủ đô, nơi có nhiều đồng nghiệp giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ, sáng tạo trong công việc. Chính vì vậy, khi được biết bản thân được Phòng GDĐT quận tin tưởng, lựa chọn để gửi danh sách đề cử giáo viên tiêu biểu năm 2022, tôi cảm thấy bất ngờ. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục cố gắng hơn mỗi ngày đồng thời cũng nhắc tôi có trách nhiệm hơn, tích cực hơn trong các hoạt động giáo dục của nhà trường và các cấp".
Đến với nghề giáo, cô Thảo cho biết đó là một điều may mắn. Từ nhỏ, cô đã được truyền động lực từ những thầy cô giáo rất tuyệt vời của mình. "Trong ký ức của tôi, những người thầy với bao la kiến thức, rất ân cần mà hết mực uy nghiêm. Tôi nhớ đã từng được cô hiệu trưởng và cô chủ nhiệm lớp 5 quan tâm, mang Bằng tốt nghiệp qua tận nhà. Tôi nhớ cuộc điện thoại cô chủ nhiệm lớp 9 gọi báo điểm thi vào lớp 10 THPT, có lẽ cô còn lo cho tôi hơn cả chính tôi ấy chứ.
Tôi nhớ một dịp 20/11 về thăm ngôi trường cấp 2, nghe những lời dặn dò của cô giáo dạy Văn mà nước mắt cứ thế rơi ở ngay sân trường. Đam mê làm giáo viên cứ thế xuất hiện từ khi nào không hay. Tôi vẫn hay nói các em học sinh và phụ huynh của tôi rằng: "Tôi thật may mắn vì đã gặp những người thầy tuyệt vời trong cuộc đời của tôi. Vì vậy tôi luôn tâm niệm tôi đã nhận được và tôi cũng sẽ cho đi, cũng sẽ cố gắng để làm được những điều như các thầy cô của tôi đã thực hiện".
Với tình yêu nghề, trong quá trình học tập ở trường Sư phạm, cô uôn cố gắng học tập, tham gia các công tác Đoàn để phát triển bản thân, đồng thời có những trải nghiệm quý báu để chia sẻ lại với các học sinh của mình. "Tôi tốt nghiệp bằng giỏi và có nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung Ương Đoàn, Thành Đoàn Hà Nội. Đặc biệt quá trình rèn luyện nhận được tấm Huy chương Vàng Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm toàn quốc đã giúp tôi có những kiến thức tâm lý và kỹ năng nghiệp vụ giúp bản thân nhanh chóng hòa nhập và vững vàng ngay từ lúc tuổi nghề còn rất trẻ", cô Thảo nói.
Luôn đổi mới phương pháp dạy
Tình yêu dành cho nghề, cho học sinh bao nhiêu thì cô Thảo càng trăn trở làm sao đổi mới để mang đến bài giảng hấp dẫn nhất, hiệu quả nhất cho các em.
Cô Thảo chia sẻ, cô có những phương pháp như lập nhóm mạng xã hội để kết nối sự giao lưu học hỏi giữa các thế hệ học sinh giỏi các năm, nhóm các nhà giáo cùng nhau phát triển. Cô đã lập CLB Hóa học THCS Trung Hòa trên nền tảng mạng xã hội để kết nối, giao lưu giữa học sinh các lớp và giữa học sinh các khóa với nhau. Các em có thể hỏi cách giải một bài tập khó, kinh nghiệm làm bài thi học sinh giỏi, những cuốn sách hay, địa chỉ mua "sách hiếm"... hay nhận được lời động viên, tư vấn chọn trường cấp 3 từ chính các anh chị khóa trước.
Bên cạnh đó, cô cũng tổ chức các buổi gặp trực tiếp, mời 1 số học sinh khóa trước về trao đổi với các em học sinh ở đội tuyển và lớp cô chủ nhiệm. Tương tự, cô Thảo cũng thành lập các nhóm giáo viên Khoa học Tự nhiên để trao đổi về chuyên môn và thực hiện các dự án. Hiện tại, có nhóm đã có hơn 10.000 thành viên trong cả nước.
Hay với nhóm "Project Teams" là nhóm các giáo viên tham gia dự án "Trường học công dân xanh", trường của cô Thảo là một trong 6 trường đầu tiên tham gia mạng lưới các trường học của toàn quốc. Cô cùng các đồng nghiệp thực hiện nhiều hoạt động để lan tỏa các hoạt động tốt đẹp của Dự án như: Trại hè công dân xanh, Diễn đàn trẻ em, Cuộc thi Sáng kiến công dân xanh...
Ngoài ra, cô còn thực hiện thêm ý tưởng đồng hành với học sinh trong công tác chủ nhiệm. Nhiều năm liền cô được thử thách phân công chủ nhiệm lớp có học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt và học sinh có cá tính mạnh. Cô đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục như: cho học sinh xem bộ phim điện ảnh "Cậu em lý tưởng" là câu chuyện xoay quanh hai anh em bị khuyết tật, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống; thực hiện thảo luận sau khi theo dõi chương trình truyền hình "Điều ước thứ 7", tới thăm gia đình những bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp, tham quan phòng truyền thống của Sư đoàn 361 Quân chủng Phòng không không quân…
Cũng trong năm học 2020–2021, lớp cô chủ nhiệm có một trường hợp học sinh lưu ban, học lực Kém, hoàn cảnh khó khăn, muốn bỏ học. Cô và đại diện phụ huynh lớp đã tới tận nhà gặp trực tiếp gia đình và học sinh để động viên và xin ý kiến chỉ đạo của Ban giám hiệu để được hỗ trợ giảm học phí. Khi học sinh quay trở lại trường, tôi cũng giao thêm một số công tác lớp như: phụ trách nề nếp ra vào lớp, trọng tài trong các cuộc thi… để học sinh đó cảm thấy được nhìn nhận, có trách nhiệm trong tập thể. Cuối năm, em học sinh đó đã có thành tích tiến bộ vượt bậc.
Tâm huyết với nghề nhưng cô Thảo cho biết cũng rất buồn khi đọc các tin bài về bạo lực học đường, cô giáo xử phạt học sinh chưa hợp lý, phụ huynh đánh giáo viên, lương giáo viên không đủ sống… Đó là những góc khuất trong ngành, không đồng nghĩa với tất cả. "Tôi mong các cấp lãnh đạo sẽ có những cải cách để giảm hồ sơ, áp lực cho giáo viên, mong rằng các báo đài tích cực đưa tin về những tấm gương, những hành động đẹp của các thầy cô giáo trong cả nước nhiều hơn như cô giáo Mường và những tiết học Tiếng Anh xuyên biên giới, như hình ảnh thầy Nguyễn Ngọc Ký vươn lên trong hoàn cảnh đến những người thầy với lớp học tình thương, những người cô nhận nuôi các bản nhỏ không nơi nương tựa… Truyền thông tốt sẽ giúp các cha mẹ học sinh và xã hội có cái nhìn đồng cảm, thấu hiểu hơn với các thầy cô trong nghề, giúp thầy cô vững tin theo nghề và thực hiện sứ mệnh của nghề".
Được biết, hiện tại cô Thảo đã lập gia đình và có 2 con nhỏ. Công việc là giáo viên cũng giúp cô rất nhiều khi đồng hành học với con. Bên cạnh đó, gia đình luôn ở bên, hiểu và hỗ trợ cho những đam mê cho công việc của cô.
"Tôi có một người chồng sẵn sàng chia sẻ, có những đứa con luôn nói lời động viên với mẹ, có Ban giám hiệu nhà trường luôn sẵn sàng lắng nghe, thấu hiểu và rất nhiều đồng nghiệp quan tâm, giúp đỡ. Đó là may mắn của tôi, giúp tôi cân bằng thời gian cho công việc và gia đình".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.