Những ngày này, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể trở thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện khi những lời đe dọa hạt nhân liên tục được đưa ra. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba có thể có những bài học quan trọng nhất để tránh một cuộc chiến như vậy, theo 19fortyfive.
Cuộc chiến ở Ukraine đã diễn ra trong gần 8 tháng, với việc giới lãnh đạo Nga leo thang các lời đe dọa, ám chỉ rằng họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần thiết.
Tổng thống Nga Putin vốn cho biết ông đã đặt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao chỉ vài ngày sau khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine. Nhiều lời đe dọa hạt nhân tương tự tiếp tục được đưa ra trong suốt cuộc xung đột đã kéo dài gần 8 tháng qua.
Một số người theo dõi Nga tin rằng, đây có thể là một trong những chiến thuật gây sợ hãi, nhưng khi cuộc chiến ngày càng không diễn ra theo tính toán của Nga, ngày càng có nhiều lo ngại, liệu rằng ông Putin có hiện thực hóa những lời đe dọa của mình hay không? Chính quyền Biden đã cảnh báo Nga rằng, sẽ có "hậu quả thảm khốc" nếu nước này sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây thậm chí nói rằng thế giới hiện đang ở thời điểm gần thảm họa hạt nhân nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba kết thúc. Bình luận của ông đã gây ra những lời chỉ trích, nhưng không ít chuyên gia cđồng ý với đánh giá của ông Biden.
Các nhà sử học và chuyên gia hạt nhân cảnh báo rằng cuộc chiến ở Ukraine đã tạo ra một thời khắc nguy hiểm tương tự cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, trong đó, một số nhà quan sát thậm chí cho rằng tình hình hiện nay thậm chí còn bấp bênh và tồi tệ hơn.
“Cuộc khủng hoảng hiện tại còn tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, một phần là do trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, cả ông Kennedy (Tổng thống Mỹ thời đó) và Khrushchev (nhà lãnh đạo Liên Xô) đều sẵn sàng thảo luận về cách rút lui khỏi cuộc đối đầu. Ngày nay không có lựa chọn nào như vậy ở đây", Cynthia Hooper, một giáo sư lịch sử và chuyên gia về Nga tại Đại học Holy Cross bình luận với Insider.
Các chuyên gia nhận thấy sự mất liên lạc giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Nga có thể góp phần vào một tính toán sai lầm nghiêm trọng - trái ngược hoàn toàn với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Vào đầu những năm 1960, khi Mỹ phát hiện ra rằng Liên Xô đang lắp đặt các điểm đặt tên lửa hạt nhân ở Cuba, chỉ cách lục địa Mỹ 145km, Tổng thống John F.Kennedy đã ban hành lệnh phong tỏa Cuba để ngăn chặn nhiều vũ khí hơn nữa được chuyển giao và triển khai. Tổng thống Mỹ thời điểm đó cảnh báo rõ rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần thiết và yêu cầu Liên Xô tháo dỡ các địa điểm đặt tên lửa hạt nhân và đưa chúng ra khỏi Cuba.
Nhưng khi căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô tăng vọt, những chính sách ngoại giao và liên lạc có chủ ý giữa ông Kennedy và nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã ngăn chặn sự leo thang hơn nữa.
Liên Xô sau đó đã đồng ý tháo dỡ và loại bỏ tên lửa của họ, vì Tổng thống Kennedy cam kết sẽ không bao giờ xâm lược Cuba và bí mật đồng ý rút tên lửa của Mỹ ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà sử học coi đây là sự kiện gần nhất mà thế giới từng phải đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc sở hữu nhiều bom nguyên tử nhất.
Rose Gottemoeller, người từng là cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí ở Cuba nhấn mạnh rằng, việc thiếu liên lạc giữa Tổng thống Biden và Putin hiện nay là điều khiến bà cảm thấy lo lắng.
Bà nói: “Hiện nay, hai tổng thống không nói chuyện với nhau. Tổng thống Biden đã cáo buộc Tổng thống Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh. Và ông Putin đã đáp lại rằng những nhận xét này là không thể tha thứ được".
“Vì vậy, việc liên lạc giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu đã rất lạnh nhạt. Nhưng tôi nghĩ rằng giao tiếp ở cấp độ cao vào một thời điểm nào đó trong cuộc khủng hoảng này sẽ là điều cần thiết", bà Gottemoeller nói thêm.
Ông Andy Weber, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các chương trình hạt nhân, hóa học và sinh học cũng bình luận ttrên Politico gần đây rằng: “Cuộc khủng hoảng này còn nguy hiểm hơn cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Cảnh báo của Tổng thống Biden về một thảm họa hạt nhân không phải là cường điệu".
“Thật đáng buồn khi phải nói về nguy cơ chiến tranh hạt nhân cao hơn chỉ sau 30 năm khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và 60 năm khi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào tháng 10/1962 được hóa giải", nhà phân tích Daryl Kimball bình luận.
Tuy nhiên, bất chấp những nguy cơ đáng lo ngại này, một số chuyên gia hàng đầu tin rằng nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng vẫn ở mức thấp.
Ông Hans M. Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ thậm chí cho rằng không có khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine bởi nếu Moscow làm như vậy, cuộc xung đột sẽ “leo thang đáng kể” thành một “cuộc đụng độ trực tiếp giữa NATO và Nga”. Moscow rõ ràng không muốn điều đó xảy ra.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN gần đây, bản thân Tổng thống Biden cũng bày tỏ suy nghĩ rằng, ông không tin ông Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine ngay cả khi căng thẳng gia tăng.
“Tôi không nghĩ ông ấy sẽ làm như vậy”, ông Biden nói.