Ông Summers cho biết tại cuộc họp thường niên của Viện Tài chính Quốc tế ở Washington: "Đây là những thách thức phức tạp, khác biệt và xuyên suốt nhất mà tôi có thể nhớ trong 40 năm qua". Ông chỉ trích Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, cùng với các ngân hàng trung ương, vì đã đánh giá thấp những rủi ro do lạm phát cao kéo dài và không hành động phù hợp để đối phó với khủng hoảng.
"Thành thật mà nói, tôi nghĩ những biện pháp ứng phó hiện tại vẫn là chưa đủ… Tôi rất thất vọng về điều này", ông nói.
Theo ông Summers, với tình trạng thiếu hụt năng lượng và lương thực, căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu ngày càng đáng lo ngại, "ai đó nên đề xuất một phương án" để thay đổi tình hình theo hướng tốt hơn.
Trong năm nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng lãi suất 5 lần và các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng đã làm theo. Tuy nhiên, ông Summers nói rằng các nhà quản lý đã chờ đợi quá lâu để hành động.
"Nếu cố gắng tránh điều đó, bạn sẽ chỉ thấy mình đang rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ. Điều đó sẽ dẫn đến hậu quả cho phần còn lại của thế giới", ông cảnh báo.
Ông Summers đưa ra ví dụ về những diễn biến gần đây ở Anh. Ngân hàng Trung ương Anh đã khởi động một chương trình mua trái phiếu chính phủ khẩn cấp vào tháng trước để đối phó với việc giá trái phiếu giảm mạnh sau khi chính phủ tuyên bố cắt giảm thuế lớn.
"Diễn biến xảy ra ở Vương quốc Anh, một số là do họ tự gây ra, nhưng một số là do tác động từ những gì đang xảy ra trong hệ thống toàn cầu… Chúng ta nên chuẩn bị trước cho tất cả mọi trường hợp có thể xảy ra", ông giải thích.