Giá dầu tiếp tục đi lên khi thị trường kỳ vọng Trung Quốc nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo dự trữ an ninh năng lượng trong nước.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 18/10/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,47% lên 85,859 USD/thùng vào lúc 7h38 (giờ Việt Nam) ngày 18/10. Giá dầu thô Brent cũng tăng 0,35% lên 91,942 USD/thùng.
Giá dầu hôm nay có xu hướng đi lên trong bối cảnh thị trường lại dấy lên lo ngại nguồn cung bị thắt chặt hơn nữa.
Trung Quốc đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu năng lượng quốc doanh của nước này gồm PetroChina, Sinopec và CNOOC ngừng việc bán lại LNG cho khách hàng nước ngoài để đảm bảo nguồn cung cho mùa đông. Điều này có nghĩa tình trạng thiếu hụt năng lượng, đặc biệt khi mùa đông đến gần, tại châu Âu sẽ trầm trọng hơn, buộc các quốc gia trong khu vực phải tìm kiếm các nguồn thay thế, trong đó có dầu thô.
Thời điểm các lệnh cấm vận, trừng phạt đối với dầu thô Nga của EU, G7 cũng đang đến gần và nếu không có sự thay đổi bất ngờ nào, một lượng lớn dầu thô từ Nga sang châu Âu có thể bị ngừng giao dịch.
Giá dầu ngày 18/10 tăng còn do đồng USD giảm mạnh. Thị trường dầu thô cũng đặt kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc sớm phục hồi khi nước này tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới được cải thiện so với quý trước.
Giá dầu tăng tại châu Á trong phiên giao dịch chiều 17/10 sau khi Trung Quốc đưa ra các biện pháp thanh khoản để hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Động thái này làm dấy lên hy vọng về triển vọng nhu cầu nhiên liệu tốt hơn từ nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới này.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) đã gia hạn những khoản vay trung hạn đáo hạn, trong khi giữ nguyên lãi suất tháng thứ hai liên tiếp vào ngày 17/10. Các nhà phân tích cho biết việc này là một tín hiệu cho thấy PBoC sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ.
Giá dầu đã tìm thấy sự hỗ trợ bởi kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc nhằm đưa ra các chính sách thích ứng cho nền kinh tế, một dấu hiệu tích cực cho triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Các chuyên gia nhận định rằng sắp tới giá dầu dự kiến sẽ tiếp tục biến động do việc Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) cắt giảm sản lượng sẽ thắt chặt nguồn cung trước lệnh cấm vận của EU đối với dầu của Nga, trong khi đồng USD mạnh và Fed tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.
Các nhà phân tích tại ANZ Research nhận định rằng dự trữ dầu và các sản phẩm dầu ngày càng thắt chặt cùng với rủi ro nguồn cung thấp sẽ khiến giá dầu biến động trong thời gian tới.
Phó Cục trưởng Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ gia tăng kho dự trữ than và dầu, báo hiệu nước này sẽ thúc đẩy thu mua các mặt hàng năng lượng. Lo ngại về tiêu thụ năng lượng sụt giảm tại Trung Quốc là một trong các nguyên nhân lớn nhất khiến cho giá dầu giảm mạnh từ đỉnh tháng 6, do đó, một tín hiệu tích cực từ nước này cũng gúp cho lực mua gia tăng.
Tuy vậy, rủi ro vẫn còn lớn, khi chính sách Zero-Covid đang khiến cho nhu cầu đi lại trong ngắn hạn được kỳ vọng sẽ tiếp tục thấp. Trung Quốc vẫn tiếp tục phong tỏa gần 1 triệu dân ở Trịnh Châu. Khi mà chính phủ vẫn còn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ trong các biện pháp hạn chế dịch, sẽ khó để người dân có thể gia tăng các hoạt động đi lại, du lịch. Hoạt động sản xuất cũng khó tăng trưởng theo được nếu các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với khả năng có thể phải đóng cửa đột ngột.
Tại thị trường trong nước, ngày 11/10, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 11/10.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10, giá xăng tăng 560 - 564 đồng/lít, trong khi đó, giá dầu tăng mạnh, lên tới gần 2.000 đồng/lít do nguồn cung bị cắt giảm.
Liên Bộ Công thương - Tài chính cho biết, trong kỳ điều hành lần thứ 2 trong tháng 10, giá xăng dầu thế giới tăng mạnh cùng với việc tỷ giá USD/VND tăng, một số chi phí kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Tài chính công bố điều chỉnh tăng nên giá cơ sở xăng dầu đều tăng.
Để hỗ trợ cho đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu, chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Cụ thể, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 451 đồng/lít); xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 600 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg (kỳ trước là 741 đồng/kg).
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng thực hiện chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi quỹ đối với các loại xăng dầu khác.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 18/10 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 21.292 đồng/lít (tăng 560 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 715 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 22.007 đồng/lít (tăng 564 so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 24.187 đồng/lít (tăng 1.979 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu không chi Quỹ Bình ổn giá 200 đồng/lít, giá sẽ tăng 2.179 đồng/lít và giá bán sẽ là 24.387 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 22.820 đồng/lít (tăng 1.132 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.094 đồng/kg (ổn định so với giá bán hiện hành).
Cũng theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 3/10 - 11/10) có diễn biến tăng khá cao, nhất là đối với mặt hàng dầu diesel. Nguyên nhân của việc tăng giá mạnh là do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng cao hơn mức dự kiến khá nhiều của OPEC+.
Cụ thể, mức dự kiến là 500 thùng/ngày nhưng thực tế đã xem xét giảm sản lượng cho tháng 11 tới hơn 1 triệu thùng/ngày - mức giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 và dự kiến xem xét cắt giảm 2 triệu thùng/ngày cho thời gian tiếp theo.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện các hành vi vi phạm.
Bộ Công Thương cho biết, lượng hàng xăng dầu tồn trong kho vẫn đủ đáp ứng nhu cầu xăng dầu cho thị trường nội địa. Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống như Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489 nghìn m3 (gồm 208 nghìn m3 xăng và 280 nghìn m3 dầu); Pvoil còn khoảng 230 nghìn m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19 nghìn m3; Saigon Petro còn khoảng 11 nghìn m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45 nghìn m3; Thanh Lễ còn khoảng 60 nghìn m3...
Qua trao đổi, các doanh nghiệp cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình.
Diễn biến mới nhất, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan rà soát thật kỹ cơ chế, chính sách, quy định để sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình, trong đó, nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá, điều chỉnh các quy định liên quan chi phí cấu thành giá xăng dầu…
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ đạo việc thông quan, lưu thông hàng hóa cần khẩn trương, thông suốt, hiệu quả. Các cơ quan hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện các doanh nghiệp xăng dầu hoạt động đúng pháp luật. Thông tin khách quan, phù hợp, chính xác, không làm người dân hoang mang, lo lắng.
Tại buổi họp với Bộ Công Thương mới đây, nhiều doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh định mức premium và chi phí kinh doanh xăng dầu để doanh nghiệp có thể nhập thêm hàng hóa, đảm bảo cung ứng cho thị trường.
Được biết, giá dầu thô tiếp tục biến động nên giá xăng dầu trong nước dự kiến tăng tiếp trong kỳ tới.
Theo dữ liệu của Trading Economics, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore diễn biến tăng giảm trái chiều. Dữ liệu từ doanh nghiệp đầu mối cho thấy nếu giá xăng RON 92 ngày 11/10 ở mức 90,9 USD/thùng thì ngày 13/10 đã tăng lên 91,2 USD/thùng và 92,09 USD/thùng vào ngày 14/10.
Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 91,3 USD/thùng xăng RON 92; 94,2 USD/thùng xăng RON 95.
Theo số liệu ngày 14/10, giá xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore đang cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 200-250 đồng/lít, còn dầu diesel khoảng 100 đồng/lít.
Do đó, giá xăng kỳ tới có thể quay đầu tăng tương ứng 200-250 đồng/lít. Tuy nhiên, mức tăng còn phụ thuộc vào tình hình giá dầu thô thế giới trong vài ngày tới và mức chi/trích quỹ bình ổn giá. Ngược lại, nếu dầu thô giảm, giá xăng dầu trong nước có cơ hội giữ nguyên hoặc giảm. Việc điều hành giá xăng dầu trong nước còn tùy thuộc và diễn biến dầu thô trong những ngày tới.