Dân Việt

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang triển khai ra sao?

Thế Anh 19/10/2022 13:11 GMT+7
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa báo cáo Quốc hội về chính sách phát triển và sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư GTVT đường sắt.

Đường sắt cần hơn 15.000 tỷ đồng vốn trung hạn cho giai đoạn 2021 - 2025

Theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 15.467/272.709 tỷ đồng kế hoạch vốn trung hạn, chiếm khoảng 4,73%.

Trong đó, các dự án chuyển tiếp giai đoạn trước là 11.662 tỷ đồng; Các dự án khởi công mới (thực hiện dự án) là 3.222 tỷ đồng; Các dự án khởi công mới (chuẩn bị đầu tư) 583 tỷ đồng.

Năm 2022, nguồn vốn bố trí đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt qua Bộ GTVT là 1.837/50.328 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,65%; Nguồn vốn sự nghiệp kinh tế dành cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt là 3.000 tỷ đồng, đạt khoảng 40% so với nhu cầu.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang triển khai ra sao? - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt quốc gia đang khai thác. Ảnh: VNR

Nguồn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ yếu dùng đầu tư phương tiện, thiết bị vận tải như đầu máy, toa xe... vốn Tổng công ty đường sắt Việt Nam tự huy động năm 2021 là 61 tỷ đồng, năm 2022 dự kiến là 64,6 tỷ đồng.

Đối với nguồn vốn thu hút từ xã hội hóa, theo số liệu báo cáo của Bộ GTVT, giai đoạn 2016 - 2020 đã thu hút được 43,2 tỷ đồng để đầu tư vào bãi hàng tại các ga Yên Viên, Đông Anh; 1.302 tỷ đồng để thực hiện dự án nâng tĩnh không cầu Bình Lợi nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường sắt, đường thủy nội địa khu vực tỉnh Bình Dương và TP.HCM.

"Các tuyến đường sắt đô thị TP.Hà Nội và TP.HCM, nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn các thành phố đến năm 2022 là 66.011 tỷ đồng", báo cáo nêu rõ.

Cũng theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nguồn vốn cho các dự án đường sắt đô thị tại TP.Hà Nội là 36.602 tỷ đồng để thực hiện đầu tư đối với 4 dự án.

Các dự án tại TP.Hà Nội có tuyến số 1 là 2.254 tỷ đồng, tuyến số 2 là 997 tỷ đồng, tuyến 2A là 16.310 tỷ đồng và tuyến số 3 là 17.041 tỷ đồng.

Nguồn vốn với TP.HCM là 29.408 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đối với 2 dự án gồm: Tuyến số 1: 23.864 tỷ đồng; tuyến số 2: 5.544 tỷ đồng.

Về công tác chuẩn bị đầu tư, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các dự án lớn, quan trọng là dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang triển khai ra sao? - Ảnh 2.

Tuyến đường sắt quốc gia sẽ chạy song song với tuyến đường sắt tốc độ cao. Ảnh: VNR

 

Đang thẩm định dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư 6 dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên các tuyến đường sắt hiện có.

Cụ thể, các dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang, Nha Trang - Sài Gòn, khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM; Cải tạo, nâng cấp các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc; Nâng cấp tuyến vận tài thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống).

Đồng thời, triển khai công tác chuẩn bị đầu tư một số tuyến mới quan trọng kết nối các cảng cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đầu mối giao thông làm cơ sở xem xét đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn tiếp theo như: Tuyến Vành đai phía Đông Hà Nội, TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành...

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đã báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM.

Hiện nay, ở Hà Nội và TP.HCM đang triển khai thực hiện đầu tư 6 tuyến đường sắt đô thị, trong đó, Bộ GTVT chủ quản đầu tư 2 dự án, UBND TP.Hà Nội chủ quản đầu tư 2 dự án và UBND TP.HCM chủ quản đầu tư 2 dự án).

"Đến nay, tổng ngân sách đã đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị là 66.011 tỷ đồng, trong đó tại Hà Nội là 36.602 tỷ đồng, TP.HCM 29.408 tỷ đồng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu rõ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện chỉ có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác thương mại, các dự án còn lại đều chậm tiến độ, phải điều chỉnh thời gian nhiều lần và tăng tổng mức đầu tư.