Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa báo cáo Quốc hội về dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo Nghị quyết số 52/2017/QH14, 6 dự án thành phần gồm có Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo có mốc tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2021.
Theo Nghị quyết số 117/2020/QH14, 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc Lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây có mốc tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2022. Ngoài ra, 2 dự án thành phần Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu có mốc tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2023.
Đánh giá về tiến độ các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án Cao Bồ - Mai Sơn có chiều dài 15,2km đã cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2021 và đưa vào khai thác, sử dụng đầu năm 2022, cơ bản đáp ứng tiến độ.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn tiến độ đạt khoảng 94,76%, dự kiến thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 10/2022, đưa vào khai thác sử dụng cuối năm 2022, chậm so với tiến độ.
Nguyên nhân làm chậm tiến độ cao tốc Cam Lộ - La Sơn được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng: "Do ảnh hưởng của bão lũ khu vực miền Trung từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021 và ảnh hưởng của thời tiết bất thường (mưa kéo dài) trong năm 2021 và năm 2022".
Cùng với đó là ảnh hưởng từ dịch Covid-19, khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp (các gói thầu XL5, XL6, XL11); Chậm trễ trong công tác GPMB đối với những đoạn phải xử lý nền đất yếu (gói thầu XL6, XL8).
Nguyên nhân khác là do một số nhà thầu chưa huy động kịp thời về nhân lực, tài chính, máy móc thiết bị để triển khai thi công bù lại khối lượng đã bị chậm.
Kiểm điểm loạt nhà thầu cao tốc Bắc - Nam
Căn cứ quy định hợp đồng, Ban Quản lý dự án đã có văn bản khiển trách 7 nhà thầu, yêu cầu nhà thầu thay thế chỉ huy trưởng công trường đối với 1 nhà thầu, điều chuyển khối lượng đối với 1 nhà thầu. Đồng thời, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý dự án, các nhà thầu rà soát tổng thể tiến độ, có giải pháp tăng cường (tăng ca, bổ sung nhân lực, trang thiết bị…) để bù lại tiến độ phần công việc đã bị chậm.
Đối với dự án cầu Mỹ Thuận 2, tiến độ đạt khoảng 59,4% dự kiến hoàn thành công tác xây lắp, thông xe kỹ thuật cuối tháng 12/2023, chậm so với tiến độ hoàn thành.
Nguyên nhân lùi tiến độ là do Cầu Mỹ Thuận 2 có kết cấu nhịp cầu dây văng với chiều dài nhịp lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, là công trình cấp đặc biệt nên công tác khảo sát, lập và thẩm định phê duyệt hồ sơ TKKT gói thầu XL.03B (thi công trụ và kết cấu nhịp cầu dây văng) mất nhiều thời gian (khoảng 25 tháng) so với các gói thầu khác của dự án (khoảng 10-12 tháng) do cần phải lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra nước ngoài để rà soát, tính toán đối chứng để làm cơ sở thẩm định thiết kế công trình...
Với 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam theo phương thức PPP (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tháng 7/2021 cả 3 dự án thành phần đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư, thương thảo, đàm phán và ký kết hợp đồng dự án với các nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án.
Theo kế hoạch, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt hoàn thành công tác thi công xây lắp trong tháng 5/2024, đoạn Nha Trang - Cam Lâm hoàn thành công tác thi công xây lắp trong tháng 9/2023, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành công tác thi công xây lắp trong tháng 3/2024. Như vậy, tiến độ thực hiện các dự án đang chậm so với tiến độ hoàn thành.
Lý giải nguyên nhân khiến 3 dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay, do đây là hình thức đầu tư phức tạp, quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có sự thay đổi hình thức đấu thầu từ đấu thầu rộng rãi quốc tế sang đấu thầu rộng rãi trong nước.
Ngoài ra, quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng các dự án theo phương thức PPP diễn ra trong thời điểm giao thời, có nhiều thay đổi về quy định pháp luật có liên quan, đặc biệt Luật Đầu tư theo phương thức PPP mới có hiệu lực (từ ngày 1/1/2021) dẫn đến thời gian đàm phán, ký kết hợp đồng các dự án bị kéo dài.
Một số dự án thành phần có công trình cầu lớn, hầm xuyên núi quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp; Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có sản lượng thực hiện đang chậm khoảng 7,7% so với kế hoạch do Nhà đầu tư chậm ký kết Hợp đồng tín dụng, chậm hoàn thành giải ngân vốn vay tín dụng và vốn hỗ trợ của nhà nước (VGF), Doanh nghiệp dự án và các Nhà thầu thi công chưa chủ động được nguồn vốn để triển khai thi công mà chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn vay.
Đối với 5 dự án thành phần (Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo), theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình triển khai, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án thành phần nêu trên.
Theo đó, 3 dự án thành phần có mốc tiến độ chuyển đổi phương thức đầu tư từ phương thức PPP sang đầu tư công vào tháng 6/2020 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP để triển khai, Bộ GTVT đã hoàn thiện các thủ tục liên quan để lựa chọn nhà thầu thi công, đến tháng 9/2020.
Hiện, cả 3 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) đã được khởi công để triển khai thi công trên công trường.
Kết quả thi công đến nay, khối lượng thực hiện đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đạt khoảng 69,5%, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt khoảng 50,65% và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đạt khoảng 56,32% tổng giá trị các hợp đồng.
Trong đó, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết hiện tiến độ thi công đang chậm so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu do nhà thầu chưa chủ động được nguồn vật liệu đất đắp nền đường, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án thực hiện cắt chuyển khối lượng tổng cộng 16,5km của 3 nhà thầu và 7 tổ đội thi công yếu kém, yêu cầu các nhà thầu bổ sung thiết bị, nhân lực, các mũi thi công.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.