Sản phẩm ngọc trai ở Quy Nhơn, Bình Định có thể xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Quốc, Nhật Bản, EU...
Trước đây, Sở NNPTNT tỉnh Bình Định từng quy hoạch nuôi trai ngọc tại vùng biển thuộc thôn Hải Giang, xã Nhơn Hải, TP.Quy Nhơn.
Diện tích khu vực thực hiện dự án rộng khoảng 70ha. Vùng biển này là nơi kín gió nhờ sự che chắn của dãy núi Phương Mai, nước có độ sâu vừa phải, đáy biển tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho các phương tiện đi lại trong quá trình nuôi cấy ngọc trai, lại có sẵn nguồn nước ngọt cung cấp cho việc thực hiện các dự án nuôi trai lấy ngọc.
Ở Bình Định từ lâu đã có các cơ sở nuôi trai nguyên liệu và nuôi trai cấy ngọc với quy mô 3-5 triệu con trai nguyên liệu/năm.
Sản lượng ngọc trai thu được bình quân ban đầu khoảng 600.000 viên/năm. Ngọc trai nuôi sau khi khai thác và chế biến có độ sáng, bóng, chất lượng khá tốt, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Kichinosuke Hiraga - chuyên gia người Nhật Bản, Giám đốc Công ty Ngọc trai Vạn Ninh đánh giá: Màu sắc của ngọc trai Bình Định đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Các chuyên gia ngành thủy sản cho biết, tại Trung Quốc hằng năm ngư dân sản xuất bình quân khoảng 75 tấn ngọc trai, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động. Theo các chuyên gia đồ trang sức thì ngọc trai khu vực châu Á được xem là "nữ hoàng" của tất cả các loại ngọc trai trên thế giới. Kích thước viên ngọc có thể lên đến 22mm.
Thông thường ngọc trai chất lượng tốt được sản xuất từ giống trai Pinctada. Đây là loại trai ngọc "khổng lồ" phải mất gần 3 năm mới tạo được ngọc hoàn chỉnh. Điều lý thú là tất cả các viên ngọc trai loại này có hình dáng khác nhau, tạo ra những nét độc đáo riêng biệt để kích thích người mua. Riêng loại ngọc trai đen có thể bán với giá 100.000USD/chuỗi.
Ở nước ta, thiên nhiên ưu đãi bờ biển dài hàng ngàn km với nhiều vùng sinh thái phù hợp cho nghề nuôi trai lấy ngọc phát triển.
Các nhà khoa học đã xác định nhiều giống trai ngọc quý đang sinh trưởng khá phổ biến ở một số vùng bờ biển từ tỉnh Quảng Ninh, đến tận Phú Quốc (Kiên Giang)…
Nghề nuôi trai ngọc ở miền Trung bắt đầu phát triển vào những năm cuối thế kỷ XX. Tuy vậy, đến nay mới chỉ có vài chục cơ sở nuôi trai lấy ngọc quy mô nhỏ và vừa; một số cơ sở 100% vốn đầu tư của nước ngoài đang nuôi trai cấy ngọc nằm rải rác ở vùng biển duyên hải miền Trung.
Nhiều ngư dân ở TP.Quy Nhơn (Bình Định cho biết), ở các vùng biển thuộc bán đảo Phương Mai, Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải đang có nhiều giống trai ngọc sinh sống và phát triển tự nhiên, nhưng chưa được quan tâm đầu tư phát triển cả của người dân cũng như các nhà khoa học.
Loại trai có khả năng làm ngọc ở đây nhiều năm phải sống "ẩn tích" cùng với các sinh vật ít giá trị khác dưới vùng nước san hô ven bờ.
Quan tâm phát triển nghề làm giàu mới
Đề tài nuôi trai ngọc tại vùng biển Quy Nhơn đã được Trung tâm Khuyến ngư Bình Định tiến hành thực hiện tại biển Hải Giang thuộc bán đảo Nhơn Hải trong nhiều năm. Nhóm nghiên cứu đã thuê ngư dân khai thác được 16.000 con trai ngọc, chủ yếu là giống trai ngọc tự nhiên để làm nguồn nguyên liệu nghiên cứu, nuôi trồng thử nghiệm.
Sau khi triển khai thành công nuôi trai cấy ngọc trong thời gian từ 4 - 5 tháng, nhóm nghiên cứu đã thu hoạch được hàng trăm viên ngọc trai thành phẩm. Kết quả khả quan này đã mở ra hướng phát triển nghề nuôi trai lấy ngọc cho nhiều ngư dân trong tỉnh.
Các chuyên gia cho biết: Nuôi trai lấy ngọc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là môi trường nước như độ mặn phù hợp với chu kỳ sinh trưởng và tạo ngọc cho trai đang nuôi. Trai ngọc nuôi thử nghiệm sau một năm tăng trưởng 24mm về kích thước và nặng khoảng 16 gam.
Theo tiêu chuẩn quốc tế, trai đến thời kỳ lấy ngọc phải đạt từ 5,5cm trở lên và nặng trên 20 gam. Trai nuôi trên 1 năm là có thể khai thác được ngọc. Số trai ngọc có tỷ lệ sống rất cao, khoảng 48 - 75%. Trong đó tỷ lệ tạo ngọc đạt từ 23,2 - 31%.
Ngọc trai thường có màu ánh bạc và ánh vàng, là 2 loại gam màu được thị trường thế giới ưa chuộng nhất.
Ở tỉnh Khánh Hòa, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III và Trường Đại học Sunshine Coast (Úc), GS Paul Southgate và TS Pranesh Kishore trước đây đã chuyển giao công nghệ nuôi cấy loài trai ngọc nữ rất có giá trị.
GS Paul Southgate cho biết, mô hình nuôi cấy ngọc trai đang triển khai rất thành công ở Úc và Fiji, mỗi năm chuỗi giá trị mô hình đem lại lợi nhuận hàng chục triệu USD.
Mô hình này khá tương đồng với việc nuôi hàu ở ven biển nước ta, được ngư dân vùng duyên hải miền Trung áp dụng khá phổ biến, vì vậy bà con sẽ không gặp nhiều khó khăn khi bắt tay vào nuôi trai cấy ngọc.
Đây là tiền đề rất quan trọng để các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu vùng biển địa phương mình, phát triển thêm một nghề làm giàu mới cho nhiều ngư dân.