Nho rừng muối thành dưa chua ở miền Tây, xưa nhà nghèo ăn tạm, nay nhà giàu còn săn lùng
Thứ trái dại này ở miền Tây đem muối dưa chua, xưa nhà nghèo ăn, nay kể lại đến đại gia còn nuốt nước miếng
Thứ ba, ngày 18/10/2022 05:59 AM (GMT+7)
Nho rừng là một loại cây tầm gởi, sống nương nhờ vào những bụi tre làng. Bất kỳ ở một vùng quê nào của miền Tây cũng đều có sự hiện diện của loại cây này. Nho rừng bắt đầu ra hoa vào độ tháng 5, tháng 6 âm lịch.
Ngày xưa, đời sống còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn, bữa cơm gia đình thường là bát canh tập tàng có vài con tép mũi, một dĩa rau luộc chấm nước tương, lâu thật lâu mới được ăn ít thịt hoặc cá.
Nho rừng đem muối dưa chua
Ở hoàn cảnh như vậy, ngoại tôi thường làm thêm những món ăn dân dã để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Và, món dưa nho rừng là một món ăn “có mặt” thường xuyên trên mâm cơm của gia đình tôi.
Nho rừng là một loại cây tầm gởi, sống nương nhờ vào những bụi tre làng. Bất kỳ ở một vùng quê nào của miền Tây cũng đều có sự hiện diện của loại cây này. Nho rừng bắt đầu ra hoa vào độ tháng 5, tháng 6 âm lịch.
Những chùm hoa li ti, phơn phớt đỏ treo lủng lẵng trên thân tre trông rất đẹp mắt. Khi những cơn mưa trời già hạt thì những chùm hoa nho rừng li ti kia cũng lớn dần lên thành quả. Quả nho rừng tròn, to cỡ viên bi, có màu xanh bóng bẩy, khi già thì quả chuyển sang màu đen. Quả nho rừng già được hái đem về ngâm rượu uống rất tốt cho sức khỏe.
Ngoại tôi thường hái nho rừng xanh về làm dưa nho rừng. Nho hái về ngoại tôi lặt ra từng quả, rửa sạch, để ráo nước rồi đem luộc cho mềm.
Nho rừng luộc xong có vị rất chua nhưng cũng dễ chịu. Ngoại tôi rất kỹ, bà loại bỏ tất cả những hạt trong quả nho ra vì sợ chúng tôi ăn vào sẽ bị ảnh hưởng đến tiêu hóa.
Gia vị làm dưa nho rừng cũng rất đơn giản gồm có sả, tỏi, ớt được băm nhuyễn ra, trộn với nho (đã được luộc xong) cho thật đều, xong, ngoại tôi nêm thêm muối, đường sao cho vừa ăn. Vậy là đã hoàn thành món dưa nho rừng.
Dưa nho rừng có vị chua chua của quả nho xanh, vị cay của ớt khiểm, vị nồng của tỏi, vị ngọt của đường, chút mặn của muối và mùi thơm đậm đà của sả. Tất cả đã làm nên hương vị dưa nho rừng rất đặc trưng của vùng sông nước miền Tây dân dã. Dưa nho rừng được ăn chung với món tép mũi rang thì đúng là “tuyệt vời ông mặt trời” luôn các bạn ạ!
Mâm cơm của ngoại được dọn lên với tô canh tập tàng, một chén dưa nho rừng và ít tép mũi rang thì ôi thôi, nó ngon làm sao! chúng tôi ăn đến “đổ mồ hôi lưỡi” và “bể nồi” cơm luôn! Vừa ăn, ngoại vừa chỉ cho chúng tôi cách làm món dưa nho rừng.
Ngày nay, cuộc sống ngày càng phát triển, chuyện “cơm ăn, áo mặc” không còn quá thiếu thốn như ngày xưa, các món ăn sang trọng đã hiện diện thường xuyên trên mâm của mỗi gia đình. Tôi cũng được thưởng thức nhiều món ngon, món lạ của khắp mọi miền đất nước nhưng sao tôi vẫn không thể nào quên được món dưa nho rừng của ngoại.
Mỗi năm, khi mùa mưa trở về, tôi thường hái quả nho rừng về làm dưa ăn với tép mũi rang. Thật tuyệt vời, món ăn rất ngon và đã gợi nhớ lại mâm cơm của ngoại ngày xưa, gợi nhớ lại một thời tuổi thơ nhiều thiếu thốn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.