Dân Việt

Hầu như đình làng nào ở Long An đều thờ ông Hổ, có ngôi đình thờ cả Thần Nông, vì sao vậy?

Thu Lam 19/10/2022 20:07 GMT+7
Hầu như bất cứ đình làng nào ở Long An cũng thờ ông Hổ. Có nơi là miếu thờ Sơn quân, có nơi là tấm bình phong đắp nổi với mục đích ngăn chặn những điều xui xẻo.

Cọp là mãnh thú, biểu tượng cho sự dũng mãnh và thế lực tốt chống lại tà độc. Đó chính là khởi nguồn cho tục thờ ông Hổ tại đình làng và dán bùa ông Cọp trước cửa nhà vào dịp tết.

1. Lúc sinh thời, từ dạo 28 tháng Chạp, khi đi chợ tết, nội tôi đều mua ít giấy vàng, bạc, bùa ông Cọp (tấm giấy điều đỏ có vẽ hình ông Cọp) về chuẩn bị tết nhà. 

Tết, sau khi cúng mùng 3, tôi theo nội đi quanh nhà dán giấy vàng bạc lên cột nhà, bàn ghế cùng lời chúc mọi vật, mọi người đều có cái tết đủ đầy. Xong, nội lấy bùa ông Cọp trên mâm cúng ngoài sân vào. Bà đốt nhang châm vào giữa hai mắt ông Cọp, gọi là điểm nhãn rồi trịnh trọng gỡ lá bùa từ năm trước xuống, thay bằng tấm mới vừa được điểm nhãn. Mỗi cửa nhà đều có một ông Cọp trông chừng.

Hầu như đình làng nào ở Long An đều thờ ông Hổ, có ngôi đình thờ cả Thần Nông, vì sao vậy? - Ảnh 1.

Quận công Nguyễn Huỳnh Đức được mệnh danh là Hổ tướng vì thời trẻ rất giỏi võ nghệ, đánh được cọp dữ, bảo vệ dân làng (Trong ảnh: Khu lặng mộ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức tại phường Khánh Hậu, TP.Tân An)

Theo người xưa truyền lại, vậy là nhà tôi đã được bảo vệ khỏi ma quỷ. Nội tôi tin như vậy! Nội mất, bác tôi là người tiếp nối công việc đó. Tết năm nào, bác cũng dán mới 1 tấm bùa ông Cọp trước cửa nhà. Nơi tôi ở, số nhà còn giữ tục dán bùa ông Cọp ngày tết chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Mãi đến sau này, khi có cơ hội được liên hệ với Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Thu Hồng, tôi mới được nghe ông giải thích về tục dán bùa ông Cọp trước cửa nhà. Ông nói: “Đối với dân tộc ta, ngày tết là thời khắc chuyển đổi cũ - mới, đặc biệt là giao thừa. Vào thời điểm thiêng liêng, các thế lực vô hình theo đó cũng được kích hoạt. 

Vì vậy, nhiều nghi lễ, hình thức trừ tà, trấn trạch được thực hiện, thường là vào mùng 3 tết, nhiều gia đình làm một mâm cỗ cúng ông bà nơi bàn thờ gia tiên. Trước sân đặt một bàn nhỏ gọi là bàn “ông Hổ”, trên để một lá “bùa ông Cọp” là một mảnh giấy hồng điều có vẽ hình cọp với dòng chữ Hán “Sơn Lâm đại tướng quân”, lễ vật gồm một con gà luộc, chè, xôi, rượu, bánh, hoa, quả và gạo, muối. Cúng xong, gia chủ lấy lá bùa dán lên cửa chính ngụ ý nhà đã có ông Hổ trấn giữ, ma quỷ khiếp sợ sẽ không dám vào nhiễu hại”.

2. Khi lớn lên, công việc cho tôi cơ hội đi và tìm hiểu, tôi biết thêm rằng người dân Nam bộ nói chung và Long An nói riêng không chỉ dán bùa ông Cọp vào dịp tết để mong được bảo vệ mà còn thờ Thần Hổ tại các đình làng như một cách thể hiện lòng kính nể, “tạo niềm tin cho người đi khai hoang”.

Từ ngày đầu Nam tiến, các lưu dân từ miền Bắc, miền Trung đã e ngại trước rừng rậm hoang vu và các loài thú dữ ở Nam bộ. Trong đó, cọp và cá sấu là 2 loài vật nguy hiểm nhất. Người dân vừa tìm cách diệt trừ lại vừa thờ phụng. Điều này cho thấy tín ngưỡng thờ cọp đã có từ buổi đầu khai hoang, lập ấp.

Hầu như đình làng nào ở Long An đều thờ ông Hổ, có ngôi đình thờ cả Thần Nông, vì sao vậy? - Ảnh 3.

Bình phong Thần Hổ tại đình thần Khánh Hậu

Trong Đình Nam bộ xưa và nay có nhắc về truyền thuyết người dân cử ông Hổ làm Hương cả, người đứng đầu làng chỉ giữ vị trí thứ hai, gọi là Hương chủ. Mỗi năm, dân làng đều cúng đầu heo và tờ cử Hương cả cho ông Hổ. Cũng có giả thuyết cho rằng, người Nam bộ không gọi con đầu là con Cả vì kiêng cữ. Người con đầu tiên trong nhà được gọi là Hai.

Ở Long An, truyền thuyết Hương cả Cọp được lưu truyền ở xã Long Sơn, huyện Cần Đước. Tại phường Khánh Hậu, TP.Tân An có khu lăng mộ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức. 

Ông được mệnh danh là Hổ tướng vì thời trẻ rất giỏi võ nghệ, đánh được cọp dữ, bảo vệ dân làng. Chuyện kể về thiền sư Viên Ngộ (người lập nên chùa Tôn Thạnh, huyện Cần Giuộc) cũng liên quan đến ông Hổ trong vùng. Ông Hổ thực sự đã gắn liền với đời sống của người dân Long An từ ngày mở đất.

Hầu như bất cứ đình làng nào ở Long An cũng thờ ông Hổ. Có nơi là miếu thờ Sơn quân, có nơi là tấm bình phong đắp nổi với mục đích ngăn chặn những điều xui xẻo. 

Ông Lưu Văn Sáu, kế hiền đình thần Khánh Hậu (TP.Tân An), kể: “Ngoài Thành Hoàng bổn cảnh, đình còn thờ Thần Nông và ông Hổ. Thần Nông và ông Hổ đi liền cùng nhau để cầu mong “mưa thuận gió hòa” và cuộc sống bình an”. Tại đình Vĩnh Phong (huyện Thủ Thừa), ông Hổ được gọi là Sơn Quân chi Thần và được thờ trong một miếu nhỏ trước đình.

Tục thờ ông Hổ tại đình làng vẫn được lưu truyền cho tới ngày nay nhưng dán bùa ông Cọp vào ngày tết thì không còn nhiều nữa. Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Thu Hồng gọi đó là sự biến đổi của quan niệm người dân theo cấu trúc xã hội mới. 

Ông nói: “Tín ngưỡng thờ Thần Hổ và những truyền thuyết dân gian về một thời mở cõi đất phương Nam sẽ còn được bảo lưu khi chúng ta còn giữ gìn tốt bản sắc văn hóa truyền thống qua các hoạt động lễ hội dân gian tại các đình - miễu  và ngày càng được chính quyền các cấp, nhân dân địa phương coi trọng”.