Nhiều sản phẩm OCOP TP.HCM (sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đang được trưng bày và giới thiệu tới người tiêu dùng, doanh nghiệp phân phối tại Triển lãm quốc tế ngành Lương thực Thực phẩm TP.HCM 2022 (HCMC FOODEX 2022).
Triển lãm có quy mô lên đến 240 gian hàng, gần 300 doanh nghiệp tham gia, diễn ra liên tục từ ngày 19-22/10. Triển lãm dự kiến thu hút khoảng 18.000 lượt khách đến làm việc và tham quan, mua sắm.
Đáng chú ý, với quy mô triển lãm quốc tế, nhiều doanh nghiệp lương thực, thực phẩm, nhà phân phối của các doanh nghiệp đến từ Đức, Pháp, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Campuchia… cũng tham gia trưng bày, tìm kiếm các sản phẩm phù hợp để kết nối, xúc tiến hợp tác, giao thương.
Hai sản phẩm bơ đậu phộng và bơ đậu phộng có hạt đạt chuẩn OCOP 4 sao của Công ty TNHH Đạt Butter (xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) được nhiều khách quốc tế tìm hiểu. Doanh nghiệp này đang phát triển thêm nhiều sản phẩm khác cũng từ nguồn đậu phộng đang sở hữu.
Anh Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty Phát triển Dừa nước Việt Nam (Vietnipa) và các nhân viên của công ty tất bật mời khách, trong đó có nhiều khách quốc tế dùng mật dừa nước OCOP 4 sao của công ty. Nhiều người gật gù vì mật dừa nước ngọt thanh, có vị đặc biệt. Anh Tiến giới thiệu đây là sản phẩm "tinh hoa" của vùng đất duyên hải Cần Giờ, TP.HCM. Mật dừa nước tuy ngọt nhưng vẫn có vị mằn mặt đặc biệt của đất và nước Cần Giờ.
Khách quốc tế và nhiều doanh nghiệp khác nán lại tìm hiểu thêm, lấy thông tin của ông chủ trẻ Phan Minh Tiến để thuận tiện cho việc kết nối, giao thương sau này.
Theo anh Tiến, triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm lần này rất có ý nghĩa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp OCOP tiếp cận được nhiều khách hàng, nhất là khách quốc tế trong giai đoạn sau dịch.
"Chúng tôi vừa thay đổi bao bì cho sản phẩm mật dừa nước cô đặc theo hướng hiện đại hơn, nhãn ghi có thêm tiếng Anh để dễ xuất khẩu. Khách hàng bước đầu đánh giá cao thiết kế này. Đường dừa nước cũng là sản phẩm mới, phát triển từ dừa nước Cần Giờ. Sản phẩm này đang được ưa chuộng nhiều", anh Tiến nói.
Cùng với nhiều chương trình xúc tiến thương mại khác, triển lãm quốc tế ngành Lương thực Thực phẩm TP.HCM 2022 là hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, khẳng định uy tín về chất lượng và thương hiệu sản phẩm ngành lương thực thực phẩm của TP.HCM cũng như các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của TP đối với khách hàng trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Bùi Xuân Cường, đánh giá các hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa lớn trong bối cảnh sau dịch Covid-19.
Theo ông Cường, định hướng chương trình ngoài được tổ chức thường niên hàng năm, không chỉ các doanh nghiệp thành phố mà còn phải thu hút các hợp tác xã, kết nối với các doanh nghiệp của các tỉnh, thành cùng tham gia; quan tâm hỗ trợ giới thiệu nhóm hàng nông sản - thủy sản đạt tiêu chuẩn, các sản phẩm nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và các sản phẩm OCOP.
Lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh chương trình phải được đầu tư nghiêm túc và mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp như một kênh truyền thông, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác hiệu quả để hỗ trợ ngành lương thực, thực phẩm phát triển bền vững.
Ngoài các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của TP.HCM, triển lãm còn nhiều sản phẩm OCOP, đặc sản trên cả nước như chè Phìn Hồ đạt 5 sao OCOP của HTX chè Phìn Hồ (Hà Giang), bánh dừa nướng OCOP 4 sao của tỉnh Quảng Nam, bánh phồng tôm Nhà Cổ OCOP 4 sao tỉnh Tiền Giang…
Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) khẳng định các doanh nghiệp cần nhất trong lúc này là các chính sách hỗ trợ xuất khẩu, các hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, khôi phục thị trường để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.