Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cách đây vài năm, nhiều người bất ngờ khi một chàng trai tại huyện Cần Giờ có cách mát-xa đặc biệt, "bắt" cây dừa nước phải tiết ra mật. Mật dừa nước thơm ngon, nhiều chất bổ dưỡng ấy hiện đã trở thành sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - One Commune One Product) của TP.HCM và là một đặc sản của vùng đất Cần Giờ.
Những ngày này, tại xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, anh Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Phát triển dừa nước Việt Nam (Vietnipa), cùng người lao động và các hộ gia đình trong chuỗi tham gia làm mật dừa nước miệt mài sản xuất. Hai sản phẩm mật dừa nước tinh chất và mật dừa nước cô đặc của anh Tiến vừa được TP.HCM công nhận đạt OCOP 4 sao trong đợt đánh giá, phân hạng hồi tháng 3/2022.
Anh Tiến cho biết, đầu tháng 9, nhằm dịp Rằm tháng Tám Âm lịch là Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, rất đông người dân và du khách đến huyện tham gia lễ hội. Đây là dịp để anh giới thiệu sản phẩm mật dừa nước đến người dân và du khách. Đến Cần Giờ mà chưa tìm hiểu về cây dừa nước thì có thể chưa biết hết về huyện Cần Giờ và gần đây là sản phẩm mật dừa nước chuẩn OCOP 4 sao, được xem là sản phẩm mới lạ do doanh nghiệp trên địa bàn sản xuất.
Mật dừa nước được lấy từ cuống của buồng dừa nước. Mật dừa nước có vị ngọt thanh mát, pha chút vị mặn tự nhiên của vùng duyên hải Cần Giờ. Mật dừa nước tươi bổ sung khoáng chất hiệu quả và làm thức uống điện giải rất tốt.
Mật dừa nước sau khi thu được sẽ được đưa vào hệ thống lọc thanh trùng, đóng chai thủy tinh và bảo quản lạnh. Để tiếp tục nâng cao chất lượng cũng như giá trị cho mật dừa, anh Tiến đã mày mò, nghiên cứu dây chuyền cô đặc mật dừa nước, biến chúng thành những sản phẩm có giá trị cao hơn.
"Cứ 8 lít mật dừa tươi sẽ cho ra 1 lít mật dừa nước cô đặc. Mật dừa nước cô đặc có thể dùng như đường tự nhiên thay thế cho đường và mật ong, phù hợp cho cả người có chế độ kiêng đường", anh Tiến nói.
Với công nghệ sản xuất tiên tiến đã được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm HACCP, các sản phẩm mật dừa nước cô đặc có thể để được 1 năm ở nhiệt độ thường.
Nhờ đáp ứng nhu cầu của thị trường nên mật dừa nước của anh Tiến được nhiều người đón nhận. Sản phẩm đã được kết nối thành công vào các hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm cao cấp. Mật dừa nước được gắn OCOP 4 khiến anh kỳ vọng sản phẩm sẽ tiếp tục được biết đến nhiều hơn, có cơ hội mở rộng hơn về thị trường.
Dừa nước là một loài cây dân dã, mọc ven kênh rạch. Dọc hai bên đường Rừng Sác về trung tâm huyện Cần Giờ, dừa nước mọc rất nhiều. Chúng chủ yếu chỉ được lấy lá lợp nhà, lấy cơm dừa ăn chơi, cho giá trị kinh tế thấp.
Mật dừa nước là một sản phẩm hoàn toàn mới, xuất hiện trên thị trường gần đây do anh Tiến vận dụng cách lấy mật từ kinh nghiệm các nước. Đó chính là phương pháp mát-xa cho cuống dừa nước.
Theo anh, các nước có diện tích dừa nước lớn như Malaysia, Philippines, họ khai thác giá trị sử dụng của dừa nước rất hiệu quả. Họ tìm cách lấy mật dừa nước, chế biến thành những sản phẩm như rượu, giấm để tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
"Năm 2017, tôi nghỉ việc, quyết định về quê hương Cần Giờ, khởi nghiệp với chính loài cây đặc trưng của vùng đất mình", anh Tiến nói. Học hỏi qua tài liệu, anh biết rằng cuống của buồng dừa nước sau khi chặt là nơi tiết ra mật. Muốn lấy được mật, phải mát-xa cho cuống để khơi thông mạch dẫn, mát-xa liên tục khoảng một tháng trước thời điểm thu hoạch.
Mát xa cho dừa nước thực chất là gõ vào chúng. Việc này hoàn toàn được làm bằng tay. Mỗi cuống dừa sẽ tiết ra được 1 lít mật dừa nước tươi mỗi ngày và có thể lấy mật liên tiếp trong 30 ngày.
Sản phẩm đã góp phần đưa hình ảnh cây dừa nước huyện Cần Giờ đi xa hơn, nâng tầm các sản vật của địa phương. Từ nguồn nguyên liệu dân dã tại quê hương Cần Giờ, Tiến đã "lên đời" chúng trở thành đặc sản địa phương, độc đáo, lạ miệng và tốt cho sức khỏe.
Từ vườn dừa nước 1ha ban đầu, hiện anh đã liên kết với các hộ sản xuất khác, nâng quỹ dừa nước khai thác lên hơn 5ha. Tiến cho biết trung bình 1ha dừa nước được khai thác mật và chế biến, mỗi năm có thể tạo ra 20 tấn đường dừa nước. Trong khi đó, quỹ dừa nước tại huyện Cần Giờ còn rất nhiều, nếu khai thác hiệu quả sẽ càng cho giá trị kinh tế cao hơn.
Hiện anh Tiến không ngừng tìm kiếm những sản phẩm mới có thể tạo ra từ mật dừa nước để đa dạng hóa sản phẩm và khai thác hết giá trị từ mật dừa nước, hướng đến tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, mang hình ảnh cây dừa nước và mật dừa nước Cần Giờ đi xa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.