Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đánh giá như trên tại Hội nghị tổng kết sản xuất mía đường niên vụ 2021-2022 mới đây.
Theo VSSA, niên vụ 2021-2022, giá mía nguyên liệu tăng khoảng từ 100.000-150.000 đồng/tấn so với niên vụ trước.
Nhiều nông dân đã quay trở lại với cây mía và tăng cường quan tâm chăm sóc. Việc này giúp năng suất mía tăng. Vì thế, dù diện tích mía có giảm nhưng sản lượng mía đạt xấp xỉ với niên vụ trước.
Trước đó, năm 2021, tổng diện tích trồng mía toàn quốc năm 2021 là 166.902 ha, giảm so với 2020 là 185.455ha. Năng suất mía bình quân toàn quốc năm 2021 là 64,5 tấn/ha.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), tổng diện tích trồng mía vụ 2021-2022 là 146.938ha; giảm 3,9% so với vụ 2020-2021 (152.891ha).
Năng suất mía bình quân vụ 2021-2022 đạt 64,6 tấn/ha; tăng 2,5% so với vụ 2020-2021 là 63,0 tấn/ha.
Theo báo cáo của các nhà máy đường, trong vụ ép 2021-2022, sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến đạt hơn 7,5 triệu tấn mía; tăng 11,64% so với hơn 6.7 triệu tấn mía của vụ 2020-2021.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), thời tiết thuận lợi tại các vùng mía nguyên liệu chính, giúp tăng năng suất mía.
Trong năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578 áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Đồng thời, các nhà máy đường nâng giá mua mía trong vụ 2021-2022 cao hơn 100.000 –150.000 đồng/ tấn mía. Tất cả những yếu tố này tạo động lực để nông dân tăng cường đầu tư thâm canh, tăng năng suất mía.
VSSA cho biết, vụ sản xuất 2021-2022 đã kết thúc vào tuần thứ ba của tháng 6. Hiện cả nước còn 24 nhà máy hoạt động.
Do diện tích mía nguyên liệu giảm, giá đường và giá mía tăng, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu giữa các nhà máy đường lại tái diễn ở nhiều vùng.
VSSA cho rằng, chính tình trạng tranh mua mía nguyên liệu không lành mạnh giữa các nhà máy đường thông qua chính sách "ngầm" đã và đang gián tiếp phá vỡ mối liên kết giữa các nhà máy đường với nông dân trồng mía. Điều này gây bất ổn cho sự phát triển của các vùng mía tập trung.
Với chủ trương mới của ngành nông nghiệp, VSSA cho biết, ngành mía đường cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, ngành mía đường sẽ củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường, đặc biệt trong điều kiện cây mía bị cạnh tranh gay gắt với các cây trồng khác tại các địa phương.
Ngành mía đường sẽ minh bạch hóa khâu phân tích chữ đường (CCS), và đánh giá tỷ lệ trừ tạp chất của các nhà máy đường. Việc này nhằm tạo sự tin tưởng của nông dân đối với nhà máy đường, để nông dân yên tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất và chữ đường, đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Ngành mía đường sẽ đảm bảo tốt hơn lợi ích hài hòa giữa người nông dân trồng mía, doanh nghiệp chế biến và người tiêu dùng. Cụ thể, người trồng mía cần được hưởng giá mua mía tương đương với nông dân trồng mía trong khu vực.
Ngành mía đường sẽ phối hợp xây dựng thị trường đường lành mạnh, phát triển hài hòa.
VSSA cho biết, với biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đang được áp dụng, thị trường đường trong nước sẽ có một mặt bằng giá mới. Mặt bằng giá này sẽ phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất đường trong điều kiện cạnh tranh công bằng.
Tuy nhiên, gian lận thương mại đường tại thị trường Việt Nam có thể phân làm hai loại: Gian lận thương mại đường sản xuất xuất khẩu và gian lận thương mại đường nhập lậu.
Vì thế, VSSA cho rằng, việc phòng chống các hành vi gian lận thương mại đường cần có sự tham gia cộng tác của tất cả các thành viên mới có thể bảo đảm hiệu quả, chứ không thể chỉ ỷ lại vào hoạt động của các cơ quan Nhà nước.