Ngoại thành Hà Nội vào mùa săn chuột đồng
Cuối tháng 10, khi những cánh đồng thẳng cánh cò bay ở các huyện ngoại thành Hà Nội chỉ còn trơ lại gốc rạ, mùa săn chuột đồng chính thức bắt đầu. Chuột đồng được người dân coi đó là một món ăn đặc sản, ngoài việc săn bắt về làm mồi nhậu, nhiều người còn kiếm được cả tiền triệu mỗi ngày nhờ việc bán chuột đồng cho những người sành ăn.
Dọc trục đường liên huyện thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Nội), thi thoảng lại thấy từng tốp 3 đến 5 người đàn ông mang theo cuốc thuổng, vợt lưới, xô chậu, gậy gộc, họ lần mò khắp các cánh đồng, bờ ruộng tìm hang bắt chuột.
Người cầm cuốc phạt cỏ dại, người cầm thuổng đào bới, người múc nước đổ vào hang. Người còn lại tay đeo găng, người cúi khom sẵn sàng vồ chuột khi chúng buộc phải thoát khỏi hang vì ngạt khói, ngạt nước.
Anh Nguyễn Xuân Biên (Mỹ Đức, Hà Nội) khuôn mặt lem nhem đầy bùn đất, trên người mặc một chiếc áo mưa mỏng, chân đi ủng cao lên tận đùi. Tay cầm cuốc, anh bổ liên tục nhiều nhát vào cửa một hang chuột nằm sát bờ mương sau đó lùi lại phía sau cho một người đàn ông khác tay đeo găng bới đất hất tung ra ngoài.
"Nhìn thì vất vả thế này thôi nhưng khi ngồi bên bàn nhậu, nhâm nhi ly rượu quê cùng với những con chuột đồng nướng vàng ươm hay chuột hấp lá chanh thì quên ngay mệt nhọc, vất vả. Mấy anh em chúng tôi cùng xóm, ngày mưa gió không đi làm được nên tranh thủ rủ nhau ra đồng kiếm ít chuột đồng về làm mồi nhậu cho vui", anh Biên cười.
Sau chục nhát cuốc của anh Biên, cửa hang chuột đã được mở rộng và tạo thành một hố rộng và sâu. Anh Biên bảo một người đàn ông đi cùng lội xuống mương nước múc nước đổ vào hang chuột. Sau khoảng 2 thùng nước đầy được đổ vào hang thì tất cả mọi người trong nhóm đều nín thở đứng quây kín cửa hang.
Chỉ một lát sau, tại cửa hang chuột đã bị ngập nước, từng đợt bong bóng ục ục nổi lên rồi vỡ ra, đó là dấu hiệu ngạt nước của chuột, chúng chuẩn bị chạy ra khỏi hang vì bị ngạt nước.
Quả đúng như dự đoán, liền một lúc 4, 5 con chuột đồng nối đuôi nhau chạy khỏi hang, với "thiên la địa võng" mà nhóm người đã chuẩn bị sẵn thì không có con nào thoát thân được. Chỉ trong chốc lát lũ chuột đồng đều bị tóm gọn và bẻ răng sau đó nhốt vào bao tải.
"Chúng tôi bắt thêm khoảng 30 phút nữa rồi về làm thịt, chuẩn bị mồi rồi anh em ngồi nhậu. Cỡ này ai cũng thấm mệt rồi, trời còn mưa và lạnh, với ngần này chuột đủ để anh em chúng tôi ngồi vui với nhau", một người đàn ông trong nhóm nâng bao tải đựng chuột lên tỏ vẻ tâm đắc.
Anh Tuấn (Mỹ Đức, Hà Nội) là một trong những người có thâm niên hàng chục năm đi bắt chuột đồng. Công việc nhà nông làm thời vụ, ngoài việc cấy cày, anh Tuấn còn kiếm thêm thu nhập từ việc săn bắt các sản vật của nhà nông rồi mang bán cho lái buôn.
Trong đó, chuột đồng và châu chấu là hai loại sản vật thường mang lại thu nhập cao cho anh và gia đình trong những ngày nông nhàn. Vào mùa chuột, anh Tuấn cùng người vợ và một người em họ thường xuyên đi săn chuột đồng để bán lấy tiền.
Ở góc độ chuyên nghiệp thì anh Tuấn sẵn sàng vỗ ngực tuyên bố, mình hơn hẳn nhóm thanh niên làng đi bắt chuột đồng về làm mồi nhậu kia. Tuy chỉ có 3 người nhưng có ngày anh Tuấn bắt được gần 20 kg chuột đồng. Với giá thị trường trên dưới 200 nghìn đồng 1kg thì khoản lời thu về cũng không hề nhỏ.
"Bây giờ chuột đồng chưa phải là ngon nhất. Ở khu vực này sau khi người dân thu hoạch lúa vụ hè thu họ sẽ tiến hành trồng hoa màu; trong đó có đỗ tương, khoai lang, khoai tây, ngô. Khoảng tầm hơn 1 tháng nữa cây vụ đông bắt đầu vào độ chín, lúc này chuột đồng cũng tích cực đi ăn để tích lũy mỡ cho mùa đông và một khoảng thời gian dài thức ăn khan hiếm. Đó mới là thời điểm thịt chuột đồng béo và thơm nhất", anh Tuấn tiết lộ.
Anh Tuấn chia sẻ thêm, bắt được chuột đồng làm sao đỡ mất công mất sức nhất, không phải phá bờ phá đường đi mới là thành công. Khi tìm được hang chuột, qua kinh nghiệm nhiều năm người bắt chuột sẽ căn cứ vào vết chân chạy của chuột, xem cửa hang còn sót lại thức ăn mà chuột làm vương vãi không, sau đó mới bắt chúng.
Một số người còn huấn luyện chó nhà rồi cho đi bắt chuột, chó sẽ làm nhiệm vụ đánh hơi tìm hang có chuột bên trong. Không những vậy chó còn làm thêm nhiệm vụ vồ chuột nếu như chúng chạy ra khỏi hang mà con người không kịp bắt.
"Bây giờ nhiều người ăn chuột đồng hơn trước, nhất là đám thanh niên trong làng. Họ phần lớn là những người đi làm ăn xa, cuối tuần về nghỉ là lại gọi nhau ra đồng săn chuột rồi làm mồi nhậu. Do đó, số lượng chuột đồng ngày một ít đi, tôi thường xuyên phải đi xa, tìm đến những cánh đồng ở địa phương khác mới bắt được chuột", anh Tuấn nói.