Dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong trồng thâm canh vải theo hướng an toàn sinh học" triển khai tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk do Văn phòng Phát triển bền vững thuộc Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quản lý, Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk trực tiếp thực hiện. Theo đó, dự án có 20 hộ nông dân xã Ea Yiêng tham gia với diện tích 5,6ha.
Khảo sát kỹ, lựa chọn đúng hộ tham gia
Tháng 10/2022, Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk đã tiến hành kiểm tra và bàn giao 2.340 cây vải giống u hồng chín sớm cho 20 hộ nông dân xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc. Ngoài ra, các hộ trồng vải xã Ea Yiêng còn được hỗ trợ phân bón, chế phẩm vi sinh và được tập huấn kỹ thuật để thực hiện mô hình trồng vải thâm canh theo hướng an toàn sinh học.
Tổng kinh phí thực hiện dự án là 394,980 triệu đồng, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk, việc ứng dụng chế phẩm vi sinh trong trồng vải nhằm góp phần gia tăng giá trị nông sản, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường và an toàn. Từ đó, nâng cao thu nhập, đem lại lợi nhuận cho hội viên nông dân góp phần vào việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu…
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hồng Điển - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Yiêng cho biết: Phần đông dân cư tại xã Ea Yiêng là người dân tộc Xê Đăng. Hội Nông dân xã có 5 chi hội tại 5 buôn với 549 hội viên nông dân, trong đó có 527 hội viên đồng bào dân tộc thiểu số. Nông dân trong xã chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi; trong đó tập trung vào các loại cây lâu năm như: Cà phê, điều, hồ tiêu, cao su, mít…
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, diện tích cây hồ tiêu chết nhiều, dẫn đến năng suất không cao. Trước thực trạng đó, một số hộ dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi các loại cây ăn trái trong đó có giống vải u hồng chín sớm, bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế. Đến nay, diện tích trồng vải trên địa bàn xã là hơn 10ha.
Cũng theo ông Điểm, hiện cây vải chủ yếu được trồng xen với các cây công nghiệp khác như: Cà phê, hồ tiêu… ở quy mô nông hộ. Bên cạnh đó, tập quán canh tác cây vải chủ yếu dựa trên kinh nghiệm sản xuất cho nên chất lượng quả vải không đồng đều và thiếu quy trình trong việc trồng và chăm sóc cây vải.
Nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk đề xuất Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ Dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong trồng thâm canh vải theo hướng an toàn sinh học tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk".
Anh Nguyễn Thanh Hải - cán bộ Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk, phụ trách dự án, cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về dự án từ Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk đã khảo sát và lựa chọn 20 hộ hội viên nông dân có diện tích đất sản xuất phù hợp với cây vải tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc.
Dự án đặt mục tiêu xây dựng thành công mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong canh tác cây vải theo hướng nông nghiệp ứng dụng cao và an toàn sinh học, góp phần giảm thiểu chi phí trong việc trồng cây vải, tăng năng suất, chất lượng, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân.
Nông dân phấn khởi, kỳ vọng
Anh Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm, trước khi tiến hành bàn giao cây giống, vật tư nông nghiệp, phân bón, Ban quản lý dự án đã tổ chức 1 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vải cho các hộ nông dân tham gia dự án và các hội viên nông dân trên địa bàn xã Ea Yiêng.
"Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp Trạm Khuyến nông huyện Krông Pắc, doanh nghiệp... để cử cán bộ, báo cáo viên có trình độ, chuyên môn về nông nghiệp, trồng trọt truyền đạt kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vải cho các hộ nông dân tham gia dự án và các hội viên nông dân trên địa bàn xã Ea Yiêng. Đối tượng tập huấn là các hộ nông dân trực tiếp tham gia mô hình và những người có nhu cầu tiếp cận mô hình để nhân rộng như cán bộ cơ sở Hội tại huyện Krông Pắc và hội viên nông dân trên địa bàn xã Ea Yiêng" - anh Hải nói.
"Tham gia mô hình, được hỗ trợ từ giống, phân bón, chế phẩm, đến tập huấn KHKT bài bản nên các hộ rất phấn khởi. Trong suốt quá trình triển khai mô hình, cán bộ Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk luôn theo sát đồng hành, cũng như đôn đốc, kiểm tra việc triển khai, thực hiện, tư vấn hỗ trợ các hộ nông dân xây dựng mô hình sao cho hiệu quả nhất"- anh Hải nhấn mạnh.
Vui mừng khi nhận được cây giống, phân bón, chế phấm vi sinh, anh Al (SN 1980, dân tộc Xê Đăng, ở buôn Kon Tay) - một trong 20 hộ tham gia mô hình bày tỏ: "Gia đình tôi có 3.000m2 tham gia dự án trồng vải theo hướng an toàn sinh học. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia trồng vải. Được cán bộ Hội Nông dân hỗ trợ giống cây trồng, phân bón, chế phẩm vi sinh và được tập huấn kỹ thuật trồng vải theo hướng an toàn sinh học, tôi rất phấn khởi. Tôi cam kết sẽ chăm sóc cây vải thật tốt, đúng quy trình và hướng dẫn kỹ thuật đã được tập huấn để đạt được hiệu quả và năng suất cao nhất".
Anh Jan (SN 1976, dân tộc Xê Đăng, ở buôn Kon Wang) phấn khởi cho hay: "Sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng vải theo hướng an toàn sinh học, tôi đã cơ bản nắm chắc các kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh… Lại được hỗ trợ cây giống, phân bón, chế phẩm sinh học, tôi hy vọng tới đây sẽ có vụ vải bội thu".