Ghi sổ nhật ký, giúp nhà nông trồng vải chuyên nghiệp
Dấu ấn khuyến nông: Ghi sổ nhật ký, giúp nhà nông trồng vải chuyên nghiệp (Bài 6)
Minh Huệ
Thứ sáu, ngày 14/10/2022 15:17 PM (GMT+7)
Quả vải thiều từ lâu đã trở thành niềm tự hào của tỉnh Bắc Giang. Từ một loại quả đặc sản địa phương đến khi vươn ra thị trường quốc tế, xuất sang Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản... là một chặng đường dài gian khó, nỗ lực của những nông dân trồng vải, các cấp, ban ngành địa phương, trong đó có những người làm khuyến nông.
Ghi sổ nhật kí trồng vải - việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn
Đến năm 2022, Bắc Giang có diện tích trồng vải trên 28.000 ha. Trong đó, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha, chiếm 54% tổng diện tích; vùng trồng vải để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc có diện tích 218 ha; vùng trồng vải thiều sang thị trường Nhật Bản có diện tích gần 270 ha.
Là vùng trọng điểm sản xuất vải thiều của tỉnh Bắc Giang, hiện nay, các nhà vườn trên địa bàn huyện Lục Ngạn đang đẩy mạnh chăm sóc các diện tích trồng vải thiều sớm, vải chính vụ và vải muộn, nhằm đảm bảo những cây vải sinh trưởng tốt, ra nhiều hoa, sai trái, sạch sâu bệnh.
Cầm cuốn nhật kí ghi chép, anh Vũ Văn Mến, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, trong cuốn sổ này có chi tiết ngày bón phân, ngày phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây vải thiều. Nhật kí ghi chép có các bảng được kẻ ô theo đầu mục để theo dõi từng loại vật tư, thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng, tên thuốc, số lượng, người mua, địa chỉ mua. Anh Mến cho biết, tất cả các hộ đăng ký trồng vải để xuất khẩu đi Nhật Bản hoặc trồng theo quy trình GlobalGAP, đều làm như vậy.
Từ nước tới phân bón cũng phải làm tương tự, tỉ mỉ từng ngày, khác hẳn với trước đây không phải ghi chép gì. "Chúng tôi ghi như vậy để khi cần phía công ty xuất, nhập khẩu quả vải theo dõi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm", anh Mến nói.
Chị Đặng Thị Khuynh, cán bộ khuyến nông xã Quý Sơn cho biết, để đáp ứng các tiêu chí của thị trường xuất khẩu và được Nhật Bản cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn, quy trình trồng vải đòi hỏi những yêu cầu và kỹ thuật khắt khe hơn nhiều, từ cây giống, đất, nước, phân bón cho đến quá trình chăm sóc, thu hái, bảo quản. Cây vải thiều không được trồng xen với cây khác, không được chăn nuôi trong khu vực.
Trong khi đó, ở vùng chuyên canh trồng vải sớm Tân Yên, hộ bà Vy Thị Oanh, thôn Phúc Lợi, xã Phúc Hòa cho biết, rất phấn khởi vì vụ vải năm vừa rồi, toàn bộ sản lượng của gia đình bà được công ty bao tiêu để xuất khẩu.
Bà Oanh cho biết, nhờ có cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn nên gia đình bà là hộ đầu tiên của huyện Tân Yên canh tác vải sớm theo hướng hữu cơ thành công. Trung bình 1 ha vải của gia đình đạt sản lượng khoảng 10 tấn.
Theo bà Oanh, điều quan trọng của việc áp dụng phương pháp này là phải tuân thủ những quy định khắt khe về bón phân, sử dụng thuốc sinh học, chế phẩm vi sinh, thảo mộc như: ớt, tỏi, chè... để phòng trừ sâu bệnh; thường xuyên dọn vệ sinh vườn, rắc vôi bột định kỳ để tránh phát sinh sâu bệnh, tỉa cành tạo tán.
Vụ vải năm 2021, Công ty cổ phần NEW AG Technologies Việt Nam đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ vườn vải của nhà bà Oanh để xuất khẩu sang Mỹ với giá 30.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Nhung, cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên chia sẻ, đối với sản xuất vải thiều xuất khẩu thì việc ghi sổ nhật kí đồng ruộng, kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là những yêu cầu cần thực hiện nghiêm ngặt ngay từ ban đầu.
"Để lấy mẫu phân tích thăm dò dư lượng đối với các hoạt chất, thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi phải lấy theo đường chéo 4 góc của vườn sau đó sẽ lấy ở giữa vườn. Đối với cây sẽ lấy vùng quanh tán từ cao đến thấp làm sao độ đồng đều của mẫu được cao nhất" - chị Nhung cho biết.
Cũng theo bà Oanh, từ khi nắm chắc kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây vải theo tiêu chuẩn, vườn vải của gia đình bà năm nào cũng sai quả, dễ bán. Một điều thuận lợi nữa là gần đây, nông dân trồng vải không phải vất vả chở từng sọt vải ra tận trung tâm huyện để bán, mà các thương lái đã đặt điểm cân về tận xã, nhờ đó quả vải được mua nhanh bán nhanh, giảm hao hụt.
Quả tiến vua đất Bắc Giang xuất ngày càng nhiều sang Mỹ, Nhật Bản
Ông Tăng Văn Huy, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Lục Ngạn thông tin: Đối với vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu, bà con ngày càng tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh bằng chế phẩm sinh học, thuốc thảo mộc. Tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật bị cấm, không có trong danh mục. Ít nhất sau 15 ngày phun thuốc bảo vệ thực vật mới được thu hoạch sản phẩm.
Đặc biệt, toàn bộ diện tích trồng vải xuất khẩu đều được phòng, ban chuyên môn của huyện cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, tiến hành giám sát chặt chẽ, hướng dẫn nông dân bón phân, phòng trừ sâu bệnh…, giúp cây vải sinh trưởng phát triển tốt, bảo đảm năng suất, chất lượng.
"Định kỳ từ 1 - 2 tuần, chúng tôi phối hợp kiểm tra quy trình sản xuất, sổ nhật ký của các xã để kịp thời hướng dẫn phương pháp chăm sóc phù hợp; khuyến khích các hộ tự kiểm tra, giám sát lẫn nhau" - ông Huy thông tin.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Văn Thành - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang cũng khẳng định: Năm nào trước khi vào vụ vải thiều, Sở NNPTNT đều có công văn yêu cầu các huyện trọng điểm sản xuất vải thiều tập trung hướng dẫn, giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh. Thường xuyên hướng dẫn, giám sát nông dân ghi chép nhật kí đồng ruộng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tuân thủ đúng quy trình sản xuất vải VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Chỉ đạo, khuyến cáo người trồng vải chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh khi thực sự cần thiết. Ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, thuốc có thời gian cách ly ngắn, không sử dụng thuốc tràn lan, không sử dụng thuốc có độ độc cao, thuốc không có trong danh mục... Trong đó Sở luôn nhấn mạnh vai trò hướng dẫn, tư vấn của cán bộ khuyến nông.
"Theo đó, cán bộ khuyến nông có vai trò chủ chốt, cực kì quan trọng trong việc hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các giải pháp kĩ thuật, áp dụng giống mới, phân bón, vật tư đảm bảo yêu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông bây giờ còn phải làm cả nhiệm vụ dự báo thị trường, kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để phát hiện sớm sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật "4 đúng". Việc này không chỉ giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn giảm chi phí sản xuất" - ông Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành, trong hành trình đưa quả vải thiều Bắc Giang - từ một loại quả đặc sản địa phương vươn ra thị trường quốc tế, có vai trò không nhỏ của những người làm khuyến nông, nhất là trong việc giúp bà con nông dân nâng cao trình độ canh tác, chuyển dịch từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, theo đúng định hướng của ngành nông nghiệp.
Bắc Giang là vùng trồng vải thiều lớn nhất cả nước. Năm 2021, tổng diện tích trồng vải của tỉnh khoảng 28.000 ha, trong đó trên 16.000 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với sản lượng đạt 180.000 tấn/năm.
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang duy trì 149 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc với diện tích 15.867ha, sản lượng khoảng 95.000 tấn; 30 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, diện tích 219 ha, sản lượng 1.800 tấn và 18 mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ, Úc, EU..., diện tích 218 ha, sản lượng đạt 1.600 tấn.
Trên địa bàn tỉnh còn có 300 cơ sở đóng gói theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc (Lục Ngạn 237 cơ sở, Lục Nam 26 cơ sở, Yên Thế 19 cơ sở, Tân Yên 15 cơ sở, Yên Thế 19 cơ sở, Thành Phố Bắc Giang 3 cơ sở) và 1 cơ sở đóng gói phục vụ thị trường Nhật Bản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.