Dân Việt

Kể chuyện làng: Rộn ràng mùa lạc ngày cũ

Lê Đình Trung 26/10/2022 10:33 GMT+7
Ngày trước ở quê tôi thời gian chẳng tính theo theo bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông mà được đo bằng những mùa thu hoạch nối tiếp trên cánh đồng làng tươi tốt bên dòng sông Chu. Các mùa cứ đan xen, bắt đầu từ mùa lúa, mùa lạc rồi đến mùa ngô cuối cùng là mùa thu hoạch mía.
Kể chuyện làng: Rộn ràng mùa lạc ngày cũ - Ảnh 1.

Cứ tháng chín hằng năm người cả làng tôi lại rộn ràng mùa thu hoạch lạc. Ảnh: Lê Đình Trung

Mía thu hoạch xong cũng vừa lúc chuẩn bị hết năm nhà nhà rục rịch sắm sửa lo tết sang. Độ ấy cứ tháng Chín hằng năm người cả làng tôi lại rộn ràng mùa thu hoạch lạc. Trong nắng thu hanh hao, từng cơn heo may lành lạnh bỗng nhớ làng, nhớ những mùa lạc xưa cũ đến da diết.

Mùa thu hoạch lạc thường bắt đầu khi thóc đã nằm gọn trong bồ. Vào mùa này, ngoài đồng đông vui như có hội, mọi nhân công trong nhà từ người lớn đến trẻ con đều được huy động tối đa. Tôi theo mẹ và anh trai ra đồng từ sớm, dù mùa này nắng không gay gắt nhưng lại nhanh tối nên tranh thủ đi sớm để có thể thu hoạch được nhiều. 

Mẹ phân công mỗi người một việc rõ ràng, mẹ tôi chịu trách nhiệm nhổ lạc, còn hai anh em tôi sẽ phụ trách việc vặt lạc. Bên cạnh ruộng lạc nhà tôi là nhà cái Tý, cạnh nhà cái Tý là đến nhà con Hương, rồi nhà thằng Bần nên chỉ làm được một lúc là chúng tôi nháy mắt rủ nhau tót đi chơi. Mấy đứa chạy trên những thửa lạc đã được thu hoạch, vừa chạy, vừa nô nhau cười khành khạch vang vọng cả một góc đồng quê. Mặt trời gom nắng đổ về tây cũng là lúc anh tôi đóng củ lạc vào bao tải và chất lên xe để trâu chở về nhà phơi. Phần thân lạc sau khi được chặt gốc sẽ được gom lại ở đầu bờ để ngày hôm sau mẹ tôi mang về nhà phơi khô làm thức ăn cho trâu.

Kể chuyện làng: Rộn ràng mùa lạc ngày cũ - Ảnh 2.

Lạc mang về nhà đem đi rửa sạch qua lớp đất cát rồi mới mang phơi.

Lạc mang về nhà đem đi rửa sạch qua lớp đất cát rồi mới mang phơi. Nhìn những hạt lạc căng mẩy, tròn lẳn trong sân, người làng tôi ai cũng vui vẻ hài lòng. Thành quả sau những tháng ngày chăm bẵm những cây lạc đã được đền đáp xứng đáng. Khi lạc phơi xong những hạt to, căng nhất và đẹp nhất được mẹ tôi chọn để làm giống cho vụ sau. Số lạc còn lại được chia làm hai phần, một phần mẹ bán lấy tiền dành dụm lo cho tết và cho chúng tôi mua thêm sách vở để học. Tôi vẫn nhớ như in ngày mẹ gọi người đến mua lạc, trước đó mẹ hồ hởi bao nhiêu thì sau đấy lại buồn bấy nhiêu khi cầm số tiền mà cả nhà vất vả trồng, thu hoạch và phơi phóng mấy sào lạc. Phần lạc còn lại cả nhà sẽ bóc vỏ, cất vào trong túi tránh mối mọt để dùng dần. Chủ yếu trong số đó được dùng để làm kẹo lạc phục vụ cho ngày Tết.

Món kẹo lạc của mẹ tôi trong những ngày Tết ấy là thứ kẹo ngon nhất tôi từng ăn, đến tận bây giờ khi đã rời xa đồng làng nhiều năm, cũng đã từng nếm nhiều loại bánh quà khác nhưng không có thứ kẹo nào mang cho tôi cái hương vị như thứ kẹo lạc ấy. Kẹo lạc được mẹ làm từ đường trắng, gừng, vừng, chanh và mạch nha. Mỗi lần mẹ làm kẹo anh em tôi sẽ xúm lại phụ giúp, nói vậy chứ giúp thì ít mà để hóng được ăn kẹo thì nhiều. 

Lạc được rang giòn trên lửa nhỏ sau đó để cho nguội rồi tách vỏ. Vỏ càng sạch thì kẹo lạc sẽ càng đẹp mắt, mẹ luôn dặn anh em tôi mỗi lần giao nhiệm vụ ấy cho chúng tôi. Sau khi rang lạc mẹ sẽ rang vừng, vừng chín được chia làm hai phần một phần sẽ được nấu chung với lạc còn một phần để rắc bên ngoài kẹo lạc cho đẹp mắt. Với gừng thì chỉ cạo sạch vỏ và băm nhỏ, còn chanh thì vắt lấy nước cốt để sẵn ra bát.

img
img
img

Những thửa lạc xanh ngút ngàn bên bờ sông quê. Ảnh: tác giả.

Khi các nguyên liệu đã được chuẩn bị xong mẹ tôi bắc lên bếp một chiếc chảo lớn rồi cho đường vào, đợi đường sôi lên sẽ cho gừng vào lắc đều chờ cho đến khi gừng trong lại thì cho tiếp nước cốt chanh. Tiếp theo mẹ sẽ cho mạch nha vào nấu, đến khi hỗn hợp chuyển sang màu nâu mẹ tôi lấy một ít cho vào một bát nước lạnh để thử nếu đường không tan và có thể bẻ được là đạt. Mẹ bảo, trong bước này tuyệt đối không được khuấy đường nếu không sẽ bị lại đường kẹo lạc sẽ mất ngon. 

Tôi nghe vậy khẽ "vâng" một tiếng chứ tâm trí và bụng dạ thì đang nghĩ đến việc sắp được ăn kẹo lạc. Hỗn hợp đường đạt rồi thì cho lạc và vừng đã rang vào đảo đều đến khi đường dính lại hòa quyện với nhau là được. Mẹ đổ kẹo lạc ra khuôn dùng một cái chai cán mỏng ra rồi rắc vừng còn lại lên trên sau đó mới dùng dao cắt thành từng miếng vừa ăn. Tôi cắn một miếng kẹo lạc giòn rụm trong miệng, vị ngọt của đường, thơm của gừng và bùi của lạc hài hòa với nha. Một lúc tôi phải ăn được chục chiếc kẹo nếu mẹ không cản ăn nhiều sâu răng tôi còn ăn thêm nữa.

Từ ngày đi làm xa chẳng được về làng trong những mùa thu hoạch lạc. Gọi điện về nhà, nghe mẹ kể giờ đây trồng và thu hoạch lạc đã đỡ đi những vất vả do có máy móc phụ giúp, giá lạc cũng đã cao hơn nhiều. Mẹ tôi tuổi cao nên đã thôi trồng lạc từ mấy năm nay nhưng trong nhà lúc nào cũng trữ lạc đợi chúng tôi về để làm kẹo. Chiều nay giữa thành phố hoa lệ bỗng thấy nhớ thắt thẻo ruột gan mùi lạc tươi ngai ngái, mùi của đất nồng nồng thoảng trong cơn gió chiều trên cánh đồng quê xưa.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.