Nguyễn Thanh Nga
Thứ tư, ngày 05/10/2022 07:03 AM (GMT+7)
Con đường làng tôi ngày ấy nhộn nhịp lắm! Những bước chân người qua lại như niềm vui đong đầy. Cả bốn mùa xuân hạ hây hây, đến thu đông vàng như lúa mùa gặt. Tôi neo đậu nơi tuổi thơ trong vắt, nơi tiếng cười vui trọn trên môi.
Mùa hè, những vụ lúa chiêm ngóng chờ từ mùa đông trổ mạ, mùa xuân làm đòng, mùa hạ đơm bông và chín gục ngọn xuống. Lúa chiêm như mang no ấm cho người dân làng tôi chờ đợi qua cơn đói ngày tám tháng ba. Đường ngày mùa, rạ rơm đua nhau đi dạ hội. Lũ trẻ con quấn quýt ẩn mình trong thứ rơm vàng óng đong cùng ánh nắng mà đắp làm chăn, làm nơi ú tim trốn tìm khúc khích.
Những buổi trưa không ngủ, khi cả nhà say giấc nồng cho buổi chiều nhạt nắng ra đồng cày cấy gieo mạ non. Lũ trẻ con chúng tôi lại rầm rập trên con đường làng quê đầy nắng. Nơi bờ rào, dậu thưa trời đứng bóng, chúng tôi bắt con chuồn chuồn cắn rốn tập bơi. Đường làng quê chẳng vắng bóng người, dù là mùa hè nắng oi nồng như đổ lửa.
Mùa thu, khi những chùm ổi ương chuyển mình chín rũ, hương ổi dịu dàng lan tỏa khắp đường quê. Chúng tôi hái ăn khi những quả ổi găm đầy vết bấm móng tay. Mỗi vết bấm in khắc hình vầng trăng lưỡi liềm xinh xắn, đó cũng là hy vọng nhỏ nhoi của khát thèm tuổi thơ ngày ấy, khát thèm được ăn ổi chín từ khi ổi còn xanh. Cả khu vườn nhà ông Khanh, những chùm ổi, chùm thị ươm vàng sắc nắng. Chúng tôi, trẻ con vốn hiếu thắng, muốn chiếm trọn hương sắc mùa thu dù không phải của mình. Cả bọn bàn kế hoạch hái trộm, làm một cuộc đào tẩu những chùm hoa quả chín ươm, vàng óng. Ông Khanh bắt sống mấy phi vụ mang tính hoàn hảo của chúng tôi. Khi vạt áo đứa nào cũng giăng mắc đầy vật chứng. Ông Khanh phúc hậu chỉ nhắc nhở chứ chẳng đánh đòn. Chúng tôi chạy về nhà, cười giòn trên mỗi bước đường quê.
Mỗi buổi chiều sau khi đi học về, chúng tôi lại miệt mài kẻ ô quan, ô chuông trên con đường đất. Những vệt ô chơi nhiều đến nỗi, cả một mùa mưa cũng không xóa nổi vết lằn ranh. Bên lũy tre xanh, mùa đông dịu dàng chắn gió.
Làng tôi vốn ven sông nghèo khó, con sông Đuống phù sa quanh năm bên lở bên bồi. Mùa nước lũ dâng trôi, cả cánh đồng lúa non ngập hết. Mẹ đi mò lúa cùng bà trên cánh đồng xa. Có ai tin được từng thảm ruộng xanh bạt ngàn, nước lũ về, lúa bị phủ thành sông màu phù sa đỏ quạch. Ông nội tôi vẫn ngồi bên sân gạch, tước thật đẹp những chiếc thanh tre. Ông làm chổi nan, pha lạt làm sảo, sề. Những thứ bằng tre quanh năm gác bồ hóng trên bếp cho bền, cho chặt. Thúng mủng có nhiều mà lúa cắt chẳng được bao nhiêu. Mẹ thở dài, buồn như nắng chiều chạng vạng. Hoàng hôn không khói mà sao mắt mẹ cay?
Bữa no bữa đói qua ngày, dân làng tôi vẫn sống trong tình thương yêu chia sẻ. Trẻ con chúng tôi vẫn hạnh phúc lớn lên dù không nhiều vật chất nhưng đủ đầy tiếng cười vang khắp nẻo, trên mọi bước đường quê. Tôi nhớ nhất mỗi khi chiều về, từng đụn cỏ chất đầy trên chiếc xe trâu cao ngất. Những vòng quay của bánh xe cũng trôi chầm chậm như buổi chiều, như dòng sông Đuống lững thững ngẩn ngơ chẳng biết về đâu? Có phải đó là những buổi chiều rất sâu, nơi làng quê tôi ẩn mình sau vòm cây lá?...
Chuyện buồn nào rồi cũng qua, chuyện vui nào tôi cũng nhớ. Ngày cụ cố làng tôi theo tổ tiên về trời, chúng tôi được trưởng tộc giao nhiệm vụ khiêng trả kho hợp tác chiếc trống, chiếc chiêng. Thằng Minh sẵn tiện vừa được bầu trong đoàn trống đội viên, đánh một bài dọc con đường quê inh ỏi. Chiếc trống, chiêng vừa đưa tang cụ cố ra đồng, nay âm thanh lại vang lên tiếng trống đội viên thúc giục rộn ràng. Dù chúng tôi chẳng phải ở sân trường, các cô bác chạy ra xem sự kiện gì to lớn.
Chẳng có gì ngoài mấy đứa chúng tôi, cổ vẫn đeo khăn quàng, mặt tươi vui như mùa xuân hoa nở. Chuyện ấy đã trôi xa, chỉ có con đường làng vẫn nhớ, từng bước chân trống giục liên hồi. Từng bước chân khắc kỷ niệm êm trôi, chẳng bao giờ quên được.
Làng tôi có một ngã tư đường, trai gái mười tám, đôi mươi đến tối không hẹn mà gặp nơi đây tán gẫu, nơi sương đêm giăng đọng một màu huyền ánh trăng. Bao đôi trai gái đã thành thân, cũng bởi câu chuyện trêu nhau mà nên duyên nơi ngã tư đường - chốn hẹn quen ngày ấy. Ngày cưới hai họ tưng bừng xác pháo bay, trẻ con chúng tôi đi theo sau không chỉ để xem cô dâu mặc váy chín tầng, mà còn ngó nghiêng sao cho được lọt vào khung hình máy ảnh. Chúng tôi chẳng hiểu sao cứ thích được lên chụp ảnh ké, mặc dù mặt đứa nào cũng giãi nắng, đen nhẻm nhuốc như than. Nơi ngã tư làng, những bước chân mềm như cỏ!
Bao năm đã trôi qua, kỷ niệm ở lại, tôi cùng thời gian lớn lên. Làng tôi giờ đây chẳng còn con đường đất, khu công nghiệp mọc lên, những con đường bê tông trắng mịn, uốn quanh làng. Tôi bỏ nỗi nhớ đi hoang, cứ hoài niệm về ngày xưa bỏng rát. Bóng làng quê lũy tre xanh bát ngát, giờ đây xơ xác, măng chẳng buồn nhọn hoắt mọc thay tre. Tuổi thơ một chiều ký ức trôi về, tôi bỗng nhớ cồn cào, da diết. Có phải trong tôi vẫn bồi hồi luyến tiếc, một nẻo đường quê, mỗi bước chân ta về?
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.